Doanh nghiệp trong mùa dịch: Hãy là những chú tắc kè hoa

Võ Duy Nghi/ Báo TBKTSG


—–

Một số các bạn trẻ hỏi tui về việc doanh nghiệp ứng phó trong cơn đại dịch này, vì cùng một chủ đề nên tui không trả lời thư cho từng người, nhân đây xin được chia sẻ chung.

Diễn biến dịch bệnh vẫn đang xấu đi, chưa thấy có dấu hiệu con virus SARS-Cov-2 bị cầm chân. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, Chính phủ đã có kịch bản phòng dịch ở cấp độ 5 con số.

Đi theo với kịch bản phòng dịch, Chính phủ tính toán để phòng chống suy giảm kinh tế, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra chỉ lệnh là phải đảm bảo “thắng lợi kép”. Có nghĩa là, chiến thắng dich COVID-19 và chiến thắng sự suy thoái do dịch bệnh gây ra.

Các chính sách miễn giảm thuế, hạ lãi suất ngân hàng, giãm nợ, hỗ trợ cho vay của Chính phủ sẽ được thực hiện, nhưng đó không phải là cách duy nhất để cứu doanh nghiệp, mà doanh nghiệp phải chủ động tự cứu mình.

Bất trắc, rủi ro luôn xảy ra với doanh nghiệp, không phải chỉ dịch bệnh mà còn rất nhiều nguyên nhân khác, từ đâu đâu rơi xuống đầu vậy đó. Chiến tranh xảy ra ở một quốc gia, cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của quốc gia khác. Bão lũ, động đất ở Trung Quốc, Nhật bản, cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngay tại trong nước, những thay đổi về chính sách của nhà nước, có khi tác động tích cực, nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến doanh nghiệp.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải luôn chủ động ứng phó với bất trắc, không phải lúc nào cũng ngồi chờ được giải cứu. Các cuộc giải cứu hàng hóa sản phẩm theo kiểu nền “kinh tế từ thiện xã hội” chỉ có tác dụng xoa dịu như một liều thuốc an thần, không thể là cách trị liệu tạn gốc. Còn chính sách của nhà nước còn phải có thời gian, chờ độ thấm của chính sách, thế thì có thể doanh nghiệp đã chết trước khi gói cứu trợ đến được tay mình.

Các bạn trẻ hãy cứ tìm hiểu, trên thực tế khi khủng hoảng xảy ra, bao nhiêu doanh nghiệp sống sót được là do nhà nước cứu, và bao nhiêu doanh nghiệp sống sót là do chủ động tự cứu mình thì sẽ rõ.

Sự ứng phó trước các tình huống đột xuất không phải là đợi khi có bất trắc, mà là sự chủ động của doanh nghiệp, để đến khi nó xảy ra, thì các chương trình phòng thủ được kích hoạt. Những giải pháp, cách thức để tồn tại, bảo đảm sản xuất, nuôi được người lao động để sống sót qua khủng hoảng đều đã được tính đến, không bị hoảng loạn dẫn đến sập tiệm.

Hãy xem các chính sách hỗ trợ của nhà nước chỉ là “hỗ trợ” đúng với bản chất của từ này, còn sự nỗ lực và năng lực ứng phó của doanh nghiệp là nguồn sức mạnh chủ yếu để vượt qua khủng hoảng.

Xin giới thiệu các bạn bài viết sau để tham khảo.

Trần Quí Thanh

—–

Trong cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng với các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu, ý kiến chung đều đề nghị Chính phủ giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi suất… Ít thấy tập đoàn nào báo cáo Chính phủ các giải pháp tự cứu mình.

Thực tế cho thấy trước hết các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi trời cứu thông qua triết lý “tắc kè hoa”: phải tự thay đổi, tự thích nghi với môi trường kinh doanh mới để tồn tại.

Khủng hoảng kinh tế trong mùa dịch đã để lộ ra nhược điểm chết người của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, đó là tư duy kinh doanh theo kiểu “thấy người ăn khoai vác mai đi đào” cộng thêm đó là thói quen “đổ trứng vào một rổ”. Nhiều doanh nghiệp cứ mắt nhắm, mắt mở chạy theo thị trường, thấy doanh nghiệp khác làm ăn được thì nhảy vào tranh phần.

Ngành du lịch có thời kỳ rầm rộ tập trung vào lượng du khách Nga, sau đó là Trung Quốc rồi Hàn Quốc mà bỏ rơi nhiều thị trường tiềm năng khác. Nhiều thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, TPHCM, mọc lên hàng ngàn khách sạn lớn nhỏ, homestay vì chạy theo phong trào bầy đàn bất kể được cảnh báo lượng cung đã vượt cầu.

Tương tự trong ngành nông nghiệp, khi thấy thị trường Trung Quốc rộng lớn, dễ tính, không bị kiểm soát quá gắt gao về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, thực phẩm, mình đang làm VietGAP thấy quá khó để thâm nhập thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… mà lợi nhuận không cao, nên nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc nhảy vào làm ăn với Trung Quốc để rồi hết đợt này đến đợt khác phải kêu gọi giải cứu.

Trong các ngành công nghiệp khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn nguồn nguyên vật liệu của một nhà cung ứng với lý do giá rẻ, nên khi nhà cung ứng gặp trục trặc thì doanh nghiệp thiệt hại rất nặng nề. Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu ăn xổi, chụp giật nên khi xảy khủng hoảng đã lâm vào tình cảnh phá sản.

Đợt khủng hoảng vì dịch Covid-19 hiện nay cho thấy doanh nghiệp thiệt hại nặng nề nhất, đứng trước nguy cơ phá sản là các doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu bỏ trứng vào một rổ: phụ thuộc phần lớn vào một thị trường, một nhóm khách hàng. Nguyên tắc kinh doanh 80/20 cho thấy 80% doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp thường đến từ 20% lượng khách hàng chủ chốt, tuy nhiên những doanh nghiệp quản trị tốt là những doanh nghiệp vẫn duy trì mối quan hệ làm ăn tốt với 80% khách hàng thứ yếu còn lại để khi xảy ra khủng hoảng thì chính 80% lượng khách hàng đó cũng sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.   

Nhiều nhà kinh tế lấy hình tượng con tắc kè hoa: luôn thay đổi để thích nghi với mọi môi trường sống, nhiệt độ, ánh sáng; luôn thay đổi chính mình để đối phó với các mối đe dọa. Doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần triết lý này để ứng phó với sự thay đổi môi trường kinh doanh.

Doanh nghiệp phải luôn có nhiều kịch bản để ứng phó và thích nghi với mọi môi trường kinh doanh. Dịch bệnh cũng chỉ là một trong những yếu tố làm thay đổi môi trường kinh doanh. Những thay đổi về thể chế, pháp luật, thuế khóa… cũng thường xuyên xảy ra nên doanh nghiệp trong bất cứ tình huống nào cũng phải sẵn sàng ứng phó, thích nghi với sự thay đổi đó để tồn tại và phát triển.

Vậy thì trong điều kiện dịch bệnh dẫn đến sản xuất kinh doanh đình trệ như hiện nay doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi để cứu mình. Không thể đổ lỗi hết cho thị trường bất lợi để lý giải cho sự yếu kém, không thích nghi của doanh nghiệp mình.

Đầu tiên, trong cơn khủng hoảng hiện nay doanh nghiệp cần nghiêm túc rà soát, tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó xem xét cắt giảm các chi phí bất hợp lý, cắt giảm các phòng ban đơn vị, chi nhánh nếu xét thấy làm ăn không hiệu quả; giảm giá thành sản xuất thông qua việc tìm kiếm các nhà cung ứng, thầu phụ cung cấp dịch vụ, nguyên vật liệu với giá rẻ hơn, hợp lý hơn.

Thông thường cách làm của các công ty, tập đoàn lớn là hàng năm luôn có một danh sách các nhà cung ứng, nhà thầu phụ (Supplier/Subcontractor list) theo thứ tự ưu tiên để chọn lựa. Cách làm này sẽ giúp cho doanh nghiệp không phụ thuộc vào một nhà cung ứng duy nhất và ít bị ảnh hưởng khi xảy ra khủng hoảng vì có nhiều sự lựa chọn. Chính trong lúc khủng hoảng như hiện nay mới là cơ hội để doanh nghiệp rà soát, phát hiện ra các khoản chi phí bất hợp lý, lãng phí tiềm ẩn lâu nay.

Mở rộng thị trường và đối tượng khách hàng cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và phân tán rủi ro khi xảy ra khủng hoảng. Doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận doanh thu, lợi nhuận biên thấp hơn đối với các thị trường mới, khách hàng mới và phải duy trì thường xuyên các thị trường, khách hàng này vì chính họ giúp cân bằng nguồn thu và hoạt động sản xuất kinh doanh khi xảy ra khủng hoảng.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải điều chỉnh ngay chiến lược phát triển của mình theo hai kịch bản: kịch bản vượt qua khủng hoảng và kịch bản hậu khủng hoảng. Với kịch bản vượt qua khủng hoảng, chiến lược sản xuất kinh doanh phải bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức chấp nhận được, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thậm chí chấp nhận thua lỗ từng giai đoạn để giữ được nguồn nhân lực chủ chốt, giữ được thị trường và khách hàng.

Với kịch bản hậu khủng hoảng, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế thị trường bùng nổ trở lại sau dịch, tận dụng được thời cơ để phát triển, hồi phục. Thay đổi một cách thái quá: mạnh tay cắt giảm tiền lương, sa thải hàng loạt, đóng cửa nhà máy… sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mất cơ hội khi thị trường dần hồi phục sau dịch vì thiếu nguồn lực cần thiết để phục vụ sản xuất.   

Chính phủ đã sẵn sàng các gói hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian tới. Vấn đề là doanh nghiệp phải tận dụng sự hỗ trợ đó như thế nào cho hiệu quả để duy trì, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp nên chuẩn bị kế hoạch chi tiết để “giải cứu” mình thông qua các gói hỗ trợ của Chính phủ, đừng để tình trạng sau này lại than vãn: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp và Nhà nước. 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Doanh nghiệp trong mùa dịch...

(https://www.thesaigontimes.vn/301213/doanh-nghiep-trong-mua-dich-hay-la-nhung-chu-tac-ke-hoa.html?fbclid=IwAR2vgWli4xI9m1S9jXXFMkNv49oXPF-p-blOjXYJ3ruVJkx9Wvb9pHrn56A)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *