Đừng tưởng làm doanh nghiệp xã hội là không có lợi nhuận cao

Trần Quí Thanh

—–

Chào anh Trần Quí Thanh!

Giới thiệu với anh tôi là một doanh nhân nhà nước, đã về hưu chục năm nay. Chưa gặp anh nhưng biết tiếng anh từ những năm 90 thế kỷ trước. Rất nể! Hai, ba năm nay đọc blog anh, thấy anh vừa làm việc vừa “cố vấn” cho lớp trẻ lập nghiệp, lại càng nể!

Thư nay tui chỉ muốn trao đổi với anh, liệu lớp già có dự báo giúp lớp trẻ về xu hướng lập nghiệp hiện nay ra sao hay không? Tôi nghe nói xu hướng lập nghiệp hiện nay là hướng đến cộng đồng. Quan điểm anh ra sao? Xin anh chỉ giáo.

Chúc anh mạnh giỏi dài dài

Lê Quí Hiển (Sài Gòn): hiensaigon1950_81@gmail.com

—–

Anh Lê Quí Hiền mến!

Có nhiều ngành kinh doanh hướng đến việc giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm cho người khuyết tật, xử lý ô nhiễm môi trường, việc làm cho đồng bào các vùng miền núi để họ không phá rừng, đốt nương làm rẫy. Đó chính là hoạt động kinh doanh hướng đến cộng đồng.

Nhưng tui khoái nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp ngành nghề hướng đến cộng đồng nhưng khai thác thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, đó mới phù hợp với phát triển, bền vững, giàu có.

Tui biết có một nhóm doanh nhân trẻ khởi nghiệp chuyên sâu về xử lý nước cho bà con nuôi tôm. Qua thực tế nghiên cứu hoạt động nuôi tôm của bà con các vùng miền Trung và ĐBSCL, các bạn này thấy rõ một quy luật, sau hai ba vụ là bắt đầu thu hoạch kém, sản lượng thấp, thậm chí tôm nhiễm bệnh chết hết. Nguyên nhân là vì nguồn nước bị ô nhiễm.

Nguồn nước bị ô nhiễm do các chất thải từ con tôm, và vì nguồn thức ăn nuôi tôm.

Nhóm bạn này nghiên cứu tìm ra công nghệ xử lý nguồn nước ở các đầm nuôi tôm, giải quyết được hai việc, một là không gây ô nhiễm cho môi trường nước, hai là đảm bảo chất lượng và sản lượng tôm của bà con nông dân. Đó chính là ngành nghề khởi nghiệp hướng đến cộng đồng.

Một vấn đề đang làm đau đầu chính quyền các địa phương, đó là xử lý rác thải. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM quá tải rác thải, các tỉnh khác cũng vậy. Núi rác Cam Ly của thành phố Đà Lạt đổ sập trôi xuống lấp cả một khu vực chung quanh, rồi Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, nhiều nơi khác cũng cùng chung số phận.

Thực tế này thách thức các bạn trẻ nghiên cứu công nghệ xử lý rác, nếu khởi nghiệp ngành này chính là hướng đến cộng đồng. Và tui cũng xin nói thêm rằng, đừng tưởng làm doanh nghiệp xã hội là không có lợi nhuận cao, ví dụ nếu có công nghệ xử lý rác hiệu quả là giàu to. Không chỉ khai thác thị trường trong nước, mà còn mở rộng đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rác thải là họa toàn cầu.

Nếu anh Lê Quí Hiển theo dõi thông tin về sông Tô Lịch, sẽ thấy việc xử lý ô nhiễm các dòng sông, ao hồ khó như thế nào.  Các chuyên gia trong nước, rồi chuyên gia đến từ Nhật Bản, thử nghiệm đủ loại công nghệ, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Thử hình dung, nếu có bạn trẻ nào nghiên cứu được công nghệ xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch thì khởi nghiệp làm giàu, lại giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường cho cộng đồng. Còn bao nhiêu sông hồ khác của Việt Nam và trên thế giới bị ô nhiễm nghiêm trọng đang chờ đợi con người cứu chữa.

Tại sao kỹ sư người Nhật sang Việt Nam xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mà người Việt Nam không sở hữu được công nghệ có thể đi xử lý nước cho các quốc gia khác?

Mới đây, có nhóm kỹ sư trẻ ở Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chế tạo robot phục vụ bệnh viện. Nếu khởi nghiệp thành lập công ty, sản xuất các loại robot, không chỉ dọn dẹp, bưng bê, không chỉ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, mà còn theo dõi sức khỏe cho người già tại nhà, đó chính là hướng đến cộng đồng.

Hiện nay, đất đai bị ô nhiễm vì phân bón và nhiều nguồn tác hại khác như rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp. Cho nên, rất cần công nghệ xử lý ô nhiễm đất, làm ra phân bón sinh học để phục vụ sản xuất  nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Đó chính là hướng đến cộng đồng.

Rất mong chờ đến tài năng của các bạn trẻ.

Xin cám ơn anh đã có lời khen blog của tui. Có gì cần trao đổi anh cứ gửi thư nhé.

Chào anh.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *