Công nghệ 4.0 đã thể hiện sức mạnh trong đại dịch COVID

Trần Quí Thanh

—–

Trong một số bài viết với đề tài “biến nguy thành cơ” liên quan đến dịch COVID-19, tui chủ yếu nói đến hoạt động của doanh nghiệp. Nay xin dành một bài lạm bàn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trước hết, xin trích lại tin thời sự: Ngày 14.4, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN + 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Không chỉ hai cuộc họp trên, nhiều hội nghị quốc tế gần đầy, các quốc gia đều tham gia hình thức trực tuyến, rất tiện lợi, hiệu quả và tiết kiệm. Đại biểu các nước và đoàn tùy tùng không bay đến điểm họp, không chi tiêu tiền khách sạn và nhiều thứ khác.

Thế giới đã thay đổi, Việt Nam cũng đã thay đổi và phải thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng hơn.

Thời gian xảy ra dịch COVID-19, các cơ quan Trung ướng nhiều địa phương thay đổi cách làm việc, chủ yếu là họp trực tuyến, hội nghị trực tuyến. Theo như tui được biết, nhiều tỉnh thành thay đổi cách thức làm việc, lãnh đạo tỉnh và giám đốc các sở ngành, ai ngồi yên chỗ đó, bật computer hoặc ipad lên là họp. Không ai phải di chuyển đến địa điểm hội nghị, điểm họp, lợi ích rất nhiều.

Nếu bộ máy hành chính công cả nước cùng hoạt động như vậy, tiết kiệm cho ngân sách một khoản tiền khổng lồ.

Lâu nay, cán bộ ngồi nghế hạng “C” bay vèo vèo, ăn ở khách sạn sang trọng, hội nghị hội thảo suốt, công tác trong nước và nước ngoài suốt, tiêu tốn tiền thuế của dân kinh khủng. Nếu so sánh chi tiêu công của 4 tháng năm 2020 với các năm trước,  sẽ cho thấy số tiền chi cho hội họp, đi lại của cán bộ, công chức chênh lệch rất lớn.

Không chỉ trong dịch mà sau dịch,  nếu bãi bỏ hết các loại hội họp trực tiếp chuyển sang trực tuyến, không có chuyện đi công tác như trước đây trừ những cuộc họp quan trọng cần bảo mật, thì sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn. Hiệu quả quản lý điều hành cũng tăng lên, chắc chắn như vậy.

Không chỉ hiệu quả về quản lý điều hành, mà còn nhiều lợi ích xã hội khác, môi trường bớt ô nhiễm, giảm ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, tất cả các hoạt động của chính quyền đều được số hóa thì người dân, doanh nghiệp chỉ giao dịch qua internet với các ứng dụng của mô hình chính quyền điện tử, thì không còn tiêu cực, sách nhiễu vì tất cả thủ tục công khai, minh bạch.

Tui xin nói thiệt bụng, Chính phủ thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử mấy năm nay nhưng chuyển biến rất chậm, nay con virus SARS-CoV-2 thúc đẩy nhanh hơn. Biến nguy thành cơ là vậy.

Và cũng xin nói thiệt, nhiều người nói đến 4.0, thì nay không chỉ nói mà bắt đầu hành động.

4.0 không chỉ xuất hiện trên các bài diễn văn bóng bẩy, mà đã đi vào đời sống của bộ máy hành chính công, cho dù chỉ là mới bắt đầu.

 

Sài Gòn ngày 15/04/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *