Trần Văn Thọ/ Báo VnExpress
—–
Đại dịch COVIdD-19 cho thấy một điều rất quan trọng, đó là an ninh y tế. Các quốc gia đều có chiến lược an ninh quốc phòng, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, nhưng có thể nói là xem thường an ninh y tế.
Khi đại dịch ập xuống, kẻ cả các nước có tiềm lực kinh tế mạnh như Mỹ, Anh, một số nước châu Âu bị sập hệ thống y tế, ngay cả thứ bình thường nhất là khẩu trang y tế cũng không có đủ để bác sĩ, y tá sử dụng.
Một nữ bệnh nhân người Anh, sau khi được điều trị lành, trước khi trở về nước, nói rằng nếu như ở Anh, tôi không được chăm sóc như ở Việt Nam. Không phải vì y tế của nước Anh kém, mà vì bệnh nhân quá đông, không đủ điều kiện để chăm sóc hết.
COVID-19 dạy cho các quốc gia phải bảo đảm an ninh y tế là vậy.
An ninh lương thực cũng là bài học. Hiện nay, nhiều nước rơi vào tình trạng hỗn loạn vì thiếu đói, người dân giẫm đạp nhau mà chết vì tranh giành thực phẩm. Chưa chết vì dịch mà chết vì đói là vậy.
Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực, trong lúc nhiều quốc gia đang khó khăn lương thực, thì Việt Nam vẫn dư gạo để xuất khẩu. Dịch đã làm cho nhiều người lao động nghề mất việc, gặp khó khăn, nhưng dân mình sẵn sàng ra tay tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều cây ATM gạo mọc lên, nhiều đội công tác thiện nguyện xuất hiện, gạo đến với người nghèo rất nhiều. Chính quyền chưa cứu dân thì dân dã chủ động cứu dân trước.
Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực, rất cần giữ vững thành quả này.
Tuy nhiên, để cho mỗi người dân được bảo đảm đời sống khi gặp những hoạn nạn, thiên tai, dịch bệnh, thì quốc gia phải có nguồn tài chính vững vàng. Các nước như Mỹ, Nhật, Anh và nhiều quốc gia giàu có đã tung các gói hỗ trợ người dân nhanh chóng và kịp thời.
Việt Nam cũng có gói an sinh xã hội trợ cấp người dân khó khăn, nhưng triển khai còn chậm. Đây cũng là một điều được rút ra từ bài học COVID-19.
Trần Quí Thanh
—–
Những ngày này, tôi cũng như mọi người, mong rằng đại dịch Covid-19 sẽ chóng qua.
Cho đến nay Việt Nam đã thành công nhất định trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của nhà nước; sự tận tâm, hy sinh của những người phục vụ trong hệ thống y tế, và sự hợp tác, tương tác của các tầng lớp dân chúng. Vấn đề là nếu dịch bệnh kéo dài trong một thời gian khá lâu nữa – trường hợp mà ta không muốn xảy ra – sức chịu đựng của xã hội sẽ như thế nào? Và trong tương lai, nếu xảy ra một đại dịch tương tự hoặc lớn hơn, liệu ta có đủ sức mạnh để đối phó hữu hiệu không?
Về lâu dài, đại dịch lần này đã khẳng định hai bài học quan trọng về việc xây dựng một xã hội hài hòa và vững bền. Trong đó, con người sống hạnh phúc hơn, văn minh hơn và chống chọi hữu hiệu hơn với tai họa khó lường.
Bài học thứ nhất liên quan chiến lược, chính sách phát triển. Đã từ lâu nhiều người đồng ý sự cần thiết phải có chiến lược phát triển bao trùm (inclusive). Ở đó, không ai bị bỏ rơi trong quá trình phát triển; ai cũng được có cơ hội bình đẳng trong học tập, trong việc làm, trong việc tiếp cận với dịch vụ y tế và các dịch vụ công khác. Kết quả của chiến lược ấy là khoảng cách giàu nghèo được duy trì ở mức độ hợp lý, phản ảnh trên sự khác biệt về năng lực và nỗ lực của mỗi người.
Trong cơn đại dịch Covid-19 hiện nay, ở hầu hết các nước, khoảng cách giàu nghèo quá lớn gây ra sự chênh lệch lớn về khả năng chống chọi với bệnh dịch, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, với công việc. Người yếu thế trong xã hội, như người sống dưới giới tuyến nghèo, người vốn không có thu nhập ổn định dễ bị đưa vào trạng thái cùng quẫn, dễ sinh ra các tệ nạn xã hội. Trong trường hợp đó, khi có nguy cơ bất thường như dịch bệnh hiện nay, việc ổn định xã hội, chính trị đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ nhà nước mà khả năng về ngân sách, về tổ chức là có giới hạn.
Để thực hiện chiến lược phát triển bao trùm, song song với hạ tầng kinh tế, chính phủ phải quan tâm đầu tư vào hạ tầng văn hóa, xã hội như giáo dục, y tế và dành ngân sách thích đáng cho mạng lưới an sinh xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đặc biệt đại dịch lần này cho thấy sự quan trọng của hệ thống y tế và mạng lưới an sinh xã hội. Trong lúc bình thường, nếu không quan tâm đúng mức đến việc đầu tư cho y tế, bệnh dịch khi lan rộng nhanh dễ xảy ra hiện tượng sụp đổ của hệ thống y tế. Sự sụp đổ xảy đến khi số người bệnh tăng đột biến và liên tục, gây tình trạng thiếu hụt trầm trọng số lượng bác sĩ, y tá và giường bệnh, thuốc men, máy móc, như máy kiểm tra, máy trợ thở. Khi bệnh dịch đột nhiên lây lan mạnh, khuynh hướng ưu tiên chữa trị cho số người nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc cứu chữa những người mắc các bệnh khác. Nếu hệ thống y tế sụp đổ, hỗn loạn xã hội là không tránh khỏi.
Một nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhưng các chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục, y tế ít được cải thiện là hiện tượng “tăng trưởng nhưng không phát triển”. Tăng trưởng, phát triển và phát triển bao trùm là điều kiện để kinh tế phát triển bền vững, và chống chọi hữu hiệu với các nguy cơ bất thường.
Suy nghĩ về chiến lược phát triển như trên không có gì mới, nhưng việc thực hiện không dễ. Tư duy nhiệm kỳ dễ chạy theo thành tích tăng trưởng ngắn, trung hạn; lợi ích nhóm làm méo mó lãnh vực đầu tư; lãng phí trong đầu tư công và trong chi tiêu thường xuyên làm giảm dư địa ngân sách để đầu tư cho giáo dục, y tế. Chính phủ hiện nay có lưu ý đến những điểm này nhưng chưa đủ. Hy vọng sau nạn dịch, chúng ta sẽ nhận thức sâu sắc hơn về chất lượng phát triển.
Bài học thứ hai là vai trò quan trọng của cộng đồng xã hội, trong đó nổi bật lên tinh thần tương thân tương trợ, lòng nhân ái, hành động chia sẻ khó khăn với người khác. Thật ấm lòng khi thấy cả xã hội chung tay đỡ đần cho những người lao động nghèo đang điêu đứng vì đại dịch Covid-19. Trong khi phần lớn hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, các hoạt động tương trợ lại nở rộ khắp nơi. Những tổ chức từ thiện vốn có từ trước, như các quán ăn gần như miễn phí cho người nghèo, các tổ chức quyên góp giúp học sinh nghèo đến trường, hội giúp người già neo đơn… đã hăng hái mở rộng hoạt động sang giúp người vốn nghèo nay bị cùng quẫn vì bệnh dịch.
Họ đã chủ động vào cuộc, với ưu tiên hàng đầu là đến với những người lao động “phi chính thức” sống bằng khoản thu nhập ít ỏi hàng ngày như chạy xe ôm, bán vé số, phục vụ quán ăn – những thành phần chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Đặc biệt, ở Tokyo, tôi rất ấn tượng và cảm kích khi nghe bản tin 10 giờ sáng 14/4/2020 của đài NHK Nhật Bản, kể chuyện ở Việt Nam vừa xuất hiện máy ATM cung cấp gạo miễn phí cho người nghèo. Sự kiện này sau đó cũng được giới truyền thông các nước khác chú ý.
Từ khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, đạo đức xã hội bị suy đồi ở nhiều phương diện. Thị trường len lỏi vào nhiều lãnh vực lẽ ra phải xa lạ với thị trường. Nhiều người lo lắng về hiện tượng này. Nhưng qua nạn dịch, ta thấy những nét đẹp của truyền thống Việt Nam được khơi dậy trở lại: lá lành đùm lá rách, miếng khi đói gói khi no, thương người như thể thương thân.
Trong quá trình phát triển của một nước, khi còn ở giai đoạn chủ yếu là nông nghiệp, làng xóm là đơn vị sinh hoạt chính của người dân. Tinh thần tương thân tương trợ, tình làng nghĩa xóm làm cho mọi người gắn bó, giúp đỡ nhau. Đó là một loại bảo hiểm xã hội phi chính thức. Khi chuyển sang công nghiệp hóa, đô thị hóa, quan hệ láng giềng và tinh thần tương trợ giảm đi nhiều. Thay vào đó, mọi người dựa vào các chế độ chính thức như quỹ bảo hiểm xã hội và dịch vụ công. Nhưng trong một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, một bộ phận lớn trong dân chúng chưa có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ có thể dựa vào cứu trợ của nhà nước khi đối diện với những khó khăn bất thường.
Hơn nữa, trong tình trạng bất thường như thiên tai, dịch bệnh, chế độ cứu trợ chính thức từ nhà nước bị hạn chế, mất rất nhiều thì giờ để xác định đối tượng cũng như phân phát vật phẩm hỗ trợ đến nơi cần giúp. Khi ấy, cộng đồng xã hội đóng vai trò bổ sung quan trọng. Ngay như Nhật, nơi tôi sống và làm việc, là nước phát triển ở trình độ cao, việc trợ giúp của chính phủ sao cho có hiệu quả cũng là vấn đề phải bàn luận, tranh cãi. Lúc đầu, chính phủ quyết định cấp mỗi hộ gia đình có thu nhập thấp và bị giảm đáng kể trong mùa dịch Covid-19 số tiền là 300.000 Yen, khoảng 60 triệu VND. Nhưng sau, thấy phương thức đó mất thì giờ trong khi nhiều gia đình cần được giúp đỡ ngay, chính phủ đã thay đổi quyết định. Trước mắt, họ cấp cho mọi người dân mỗi người 100.000 Yen, sau đó sẽ điều tra và cấp thêm cho những gia đình đặc biệt khó khăn.
Cái khó ló cái khôn. Đại dịch Covid-19 gây biết bao khó khăn, nhưng qua sự kiện này, ta rút ra hai bài học quan trọng để xây dựng một xã hội nhân văn, bền vững lâu dài.
NGUỒN: Theo Báo VnExpress
Link bài: Một xã hội nhân văn
(https://vnexpress.net/mot-xa-hoi-nhan-van-4089406.html)