Startup gọi vốn mùa dịch

Mỹ Huyền/ Báo TBKTSG

Ứng dụng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe eDoctor được các nhà đầu tư săn đón. Ảnh eDoctor cung cấp

—–

Nhiều người cho rằng dịch COVID-19 như là trời sập, mọi ngành kinh tế gặp khó khăn, cả thế giới đều suy thoái nghiêm trọng, huống chi Việt Nam.

Đúng là đại dịch này tàn phá nền kinh tế toàn cầu, nhưng không có nghĩa là “chết hết”. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp sống sót, vượt qua được khó khăn để đi tới.

Tại Việt Nam, vốn là một nhu cầu cực kỳ quan trọng cho các doanh nghiệp vào lúc này, cho nên Chính phủ quyết định tung ra các gói tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Ngoài các gói của chính phủ, các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư cũng sẵn sàng cung cấp vốn cho các startup có sản phẩm tốt, có chiến lược phát triển thuyết phục.

Một số startup thông minh tìm ra sản phẩm mới, chủ yếu là sản phẩm công nghệ, thường được các quỹ đầu tư quan tâm.

Vấn đề là bạn có thực tài hay không, còn vốn thì không bao giờ thiếu.

Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để tham khảo và tìm cho mình một cơ hội.

Trần Quí Thanh

—–

Trong muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một điểm sáng trong làng startup đang làm dấy lên hy vọng cho sự sống còn của các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn này.

Startup vẫn nhận được đầu tư

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Đầu tư của Quỹ CyberAgent Capital Vietnam, các startup có hiệu quả ở Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư mời chào dù nền kinh tế đang chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Tuấn cho biết, tháng 3 vừa rồi, CyberAgent Capital Vietnam đã đầu tư vào startup eDoctor – một startup công nghệ cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng di động.

Còn theo ghi nhận của TBKTSG, gần đây nhất thì startup tuyển dụng nhân sự TopCV nhận gần 10 tỉ đồng từ quỹ đầu tư khởi nghiệp Next100.tech và Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam đã được NextTech Group cùng Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Next100 đầu tư 500.000 đô la Mỹ.

Đối với nhiều nhà đầu tư, dịch Covid-19 như một chiếc phễu sàng lọc tự nhiên. Những startup thiếu chiến lược kinh doanh lâu dài sẽ khó vượt qua giai đoạn kinh tế trì trệ, việc kinh doanh bị đóng băng khắp nơi. Ông Tuấn cho hay các startup lúc này phải chứng minh được tính khả dụng và khả năng nhân rộng của sản phẩm dù chỉ là phiên bản thử. “Trong giai đoạn này, nhà đầu tư lưu ý đến những startup có khả năng phát triển dài hạn. Do đó, khủng hoảng kinh tế chỉ là phép thử để startup chứng minh tính bền vững của mình. Nhà đầu tư cũng dễ dàng lựa chọn và định giá hơn”, ông Tuấn nói.

KK Fund (Singapore) đã đầu tư vào các startup Jobhop, Clavis Aurea và Med247, đồng thời đang trong tiến trình đầu tư vào một startup khác ở trong nước. Ông Koichi Saito, nhà sáng lập KK Fund, cho rằng các startup muốn phát triển vững buộc phải có kế hoạch lâu dài. Thời gian này các startup không còn mơ mộng và tự định giá cao ngất ngưởng. Các thương vụ đầu tư qua đó cũng sẽ thực tế hơn.

Xu hướng mới

Các nhà đầu tư không còn tin vào mô hình đốt tiền để mở rộng kinh doanh của các startup như những năm trước. Ông Koichi cho hay, KK Fund chỉ tìm kiếm các startup đã chứng minh được khả năng xoay xở dòng tiền và sinh lời của mình. Giai đoạn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang chứng minh được lợi thế của việc áp dụng công nghệ số trên thị trường. Do đó, các startup công nghệ sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tìm kiếm đồng vốn đầu tư.

Tương tự, theo ông Tuấn, đại dịch càng kéo dài thì xã hội sẽ dần thích nghi hơn với các mô hình kinh doanh mới. Hiện hành vi của người tiêu dùng đã có sự thay đổi, theo đó nhiều thị trường sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn. “Sẽ có những startup thích nghi được thị trường và sẽ có nhiều startup mới chạy đua để nắm lấy cơ hội này”, ông Tuấn nói.

Theo các nhà đầu tư, chất lượng của các startup trong nước ngày càng cao so với năm năm trước. Rất nhiều người có kinh nghiệm làm việc ở các công ty công nghệ lớn từ Mỹ và châu Âu đã về nước và sáng lập startup riêng cho mình. Hơn nữa, hệ sinh thái khởi nghiệp được tạo dựng bởi các vườn ươm có kinh nghiệm quốc tế như Topica Founder Institute, VIISA, Vietnam Silicon Valley đang là chất xúc tác tốt cho sự phát triển của các startup. Do đó, nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế xem Việt Nam như một mảnh đất khởi nghiệp tiềm năng và vẫn đổ tiền đầu tư vào thị trường này.

Ông Junam Lee, Giám đốc Trung tâm hợp tác ngành CNTT (KICC), cho rằng sau đại dịch, mô hình công nghệ có thể quản lý kinh doanh và làm việc xuyên biên giới, bảo đảm quyền riêng tư cao độ sẽ dẫn dắt thị trường. Kéo theo đó là xu hướng đầu tư vào các ngành này. “Xu hướng đầu tư sẽ dịch chuyển vào các ngành liên quan đến cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lâm sàng từ xa cho người bệnh, dạy học từ xa trên nền tảng công nghệ (Telemedical và Untact)”, ông Lee nói.

Tuy vậy, ông Lee cũng nhận định rằng vẫn có thể xảy ra khả năng thu hẹp đầu tư vào startup trong giai đoạn này vì số lượng startup đang giảm đi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thế nhưng, các startup đang có xu hướng cởi mở hơn trong việc tiếp nhận đầu tư nên các nhà đầu tư cũng sẽ tiếp tục đón đầu. Hiện 50 nhà đầu tư khắp Đông Nam Á, trong đó có KK Fund, Topica Founder Institute và CyberAgent Capital Vietnam đang mở chương trình Meet Your Match để giúp các startup tiềm năng có cơ hội gặp gỡ và thương thảo về đầu tư vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay của dịch Covid-19.

Vội vàng bán, vội vàng mua

Thực tế, không phải tất cả các gam màu đều sáng khi một số startup vội vàng nhận đầu tư trong lúc kinh tế đang trong giai đoạn trầm lắng. Đầu tháng 4, một startup công nghệ y tế đã đổi 20% cổ phần của công ty cho khoản đầu tư 700.000 đô la Mỹ. Thương vụ này được giới startup gọi là “bị ép giá đối với một startup tiềm năng”.

Một số nhà đầu tư cho rằng tin đồn về các startup bị ép giá trong thời điểm này cũng phần nào phản ánh thực tế của thị trường. Hiện các startup cần vốn để tiếp tục duy trì việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh đang lúc thị trường đóng băng nên “bán đổ bán tháo” để được một khoản đầu tư giá rẻ.

Luật sư Phạm Thị Thoa ở Công ty Luật Apolat Legal – người đã từng đầu tư vào các startup – cho rằng nhà đầu tư cũng thích giá rẻ như bất kỳ ai. Thời điểm này, có rất nhiều mặt hàng hạ giá, thậm chí là đại hạ giá và startup cũng không là ngoại lệ. Nếu một startup đã chứng minh được mô hình kinh doanh của mình là bền vững, nhưng do gặp khó khăn vì đại dịch mà bán cổ phần với giá thấp hơn so với giá trị thực thì các nhà đầu tư đâu dễ bỏ qua.

Do đó, theo bà Thoa, startup nào vẫn có thể tồn tại thì nên trì hoãn việc gọi vốn từ các nhà đầu tư mới. “Startup có thể tìm đến các nhà đầu tư cũ và dùng các phương án tài chính linh hoạt như khoản vay lãi suất thấp, khoản vay chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi… để thương thảo việc vay mượn vốn. Nhà đầu tư cũ không muốn mất vốn đầu tư của mình vì một startup sụp đổ sẽ sẵn sàng hỗ trợ trong tình huống bất khả kháng của đại dịch”, bà Thoa nói.

Trường hợp các startup mua bán vội vàng, sáp nhập vào doanh nghiệp lớn để tồn tại trong thời điểm này, cần lưu ý đến các giả định cũng như cam kết của các bên tham gia ký kết thỏa thuận mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Theo thạc sĩ Trần Châu Hoài Hận, Công ty Luật Apolat Legal, các điều kiện về chính sách và thị trường đang thay đổi nhanh chóng do đại dịch Covid-19 sẽ có tác động rất lớn đến diễn tiến của các giao dịch đầu tư. Startup nên cân nhắc kỹ, đặc biệt là các điều khoản về quyền điều hành của nhà sáng lập, quyền giám sát và tiếp cận thông tin của nhà đầu tư, cần phải đảm bảo cho các nhà sáng lập có không gian linh hoạt để đưa ra các quyết định nhanh chóng nhằm phản ứng với các điều kiện mới cũng như đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể nắm bắt và giám sát tình hình tại công ty mới.

Một điều khoản khác luôn xuất hiện trong các hợp đồng mua bán, sáp nhập là điều khoản về các ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng (Material Adverse Change). Đây là cơ sở để một bên rút khỏi giao dịch. Các nhà sáng lập cũng nên lưu tâm để đảm bảo rằng tác động của đại dịch đã được các bên tính đến khi thiết kế điều khoản. Thông thường, nhà đầu tư sẽ có xu hướng mong muốn hoàn tất thương vụ sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các startup không nên nhận khoản đầu tư bằng mọi giá mà phải đưa ra các cam kết và thời hạn hoàn thành trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Điều này có thể dẫn đến các rủi ro khác làm giao dịch dự kiến có thể thất bại. 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Startup gọi vốn mùa dịch

(https://www.thesaigontimes.vn/td/302738/startup-goi-von-mua-dich.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *