Phương Thanh/ Báo DNSG
Các bạn trẻ khởi nghiệp thường bắt đầu tư những doanh nghiệp nhỏ, đó là lựa chọn vừa sức, an toàn và cũng để cần thời gian cho bản thân trưởng thành trên thương trường.
Nhưng như tui đã nhắc đến nhiều lần, tỉ lệ sống sót của doanh nghiệp khởi nghiệp rất thấp, chỉ khoảng 10%. Một doanh nghiệp bị sập tiệm không chỉ là tổn thất riêng của người khởi nghiệp, mà thiệt hại chung cho toàn xã hội.
Vậy thì, vấn đề đặt ra là làm sao để có nhiều doanh nghiệp thành công, nâng tỉ lệ sống sót lên 20-30%. Hãy hình dung, nếu như có sự tiến bộ đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những biến chuyển rất tích cực.
Đã có nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra nguyên nhân vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ bị thất bại và đưa ra giải pháp. Qua tham khảo một số tài liệu, tui thấy bài phân tích dưới đây ngắn gọn, nhưng chỉ ra được những bước triển khai doanh nghiệp khoa học, phù hợp với các start up bắt đầu bằng doanh nghiệp nhỏ, xin giới thiệu cùng các bạn.
Trần Quí Thanh
—–
Một doanh nghiệp luôn bắt đầu từ một ý tưởng. Nhưng để có một doanh nghiệp thực sự, bạn phải biến ý tưởng đó thành hành động.
Hiện thực hóa một ý tưởng kinh doanh, nói cách khác là xây dựng một doanh nghiệp, chưa bao giờ là việc đơn giản. Nhưng, theo doanh nhân Matthew Toren (Canada), nếu biết cách chia nhỏ các bước, việc xây dựng một doanh nghiệp thực sự dễ dàng hơn bạn nghĩ. Dưới đây là 6 cách để đơn giản hóa việc xây dựng một doanh nghiệp nhỏ của riêng bạn, theo tư vấn của Matthew Toren.
1/ Viết một kế hoạch kinh doanh tổng thể
Chìa khóa cho một doanh nghiệp nhỏ thành công, đặc biệt trong giai đoạn khởi nghiệp, là giữ mọi thứ đơn giản và chi phí thấp. Chi phí ở đây bao gồm cả tiền và thời gian của bạn.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ rơi vào cái bẫy cố gắng tạo ra một bản kế hoạch kinh doanh hoành tráng. Bạn sẽ cần điều đó nếu đang tìm kiếm nhà đầu tư. Thậm chí, ngay cả khi có kế hoạch gọi vốn, chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn nên bắt đầu bằng cách thử nghiệm ý tưởng của họ trước khi đổ hết nguồn lực của mình vào sản phẩm.
Vì vậy, để bắt đầu, hãy tạo một kế hoạch kinh doanh đơn giản. Đó là một bản kế hoạch tổng quan về doanh nghiệp mà bạn sắp bắt đầu, với những nội dung chính như sau:
Xác định tầm nhìn: Điều gì sẽ là kết quả cuối cùng của doanh nghiệp của bạn?
Xác định nhiệm vụ: Giải thích lý do công ty của bạn tồn tại.
Xác định mục tiêu: Bạn sẽ làm gì để hoàn thành nhiệm vụ và đạt được tầm nhìn đã xác định?
Phác thảo các chiến lược cơ bản: Làm thế nào để đạt được các mục tiêu đã xác định?
Viết một kế hoạch hành động đơn giản: Nhiệm vụ cụ thể cần thiết để đạt được các mục tiêu đã nêu.
Một trang giấy A4, hoặc hơn một chút, là đủ cho những điều trên.
2/ Dự trù ngân sách
Giữ chi phí ở mức thấp nhất là điều bạn luôn phải tự nhắc nhở bản thân ở giai đoạn bắt đầu, nhưng bạn sẽ phải xác định ngân sách cần thiết. Hãy thực tế về các con số và kỹ lưỡng với bất cứ dự tính nào. Nên nhớ, bạn cần dự trù thêm hai mươi phần trăm chi phí cho các phát sinh.
Đây là số tiền bạn sẽ phải chi ra hằng tháng, vì vậy hãy đảm bảo bạn có thể duy trì hoạt động trong ít nhất 3 tháng trước khi có lãi.
3/ Tiến hành thủ tục pháp lý
Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đăng ký bản quyền ý tưởng/sản phẩm… là những việc không nên trì hoãn, thậm chí bạn có thể cần đơn vị tư vấn để tiến hành, đảm bảo tránh tối đa rủi ro. Nên nhớ, tất cả đều cần chi phí.
4/ Minh bạch tài chính
Bất kể hình thức kinh doanh nào – doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…, hãy tách bạch tiền cá nhân với tiền kinh doanh, tránh những rắc rối liên quan đến thuế hay các vấn đề tài chính khác sau này. Lưu ý: Tránh tuyệt đối sử dụng một tài khoản tín dụng cho hoạt động kinh doanh.
5/ Lập website công ty
Bất kể doanh nghiệp của bạn sẽ hoạt động trực tuyến hay không, bạn vẫn cần một trang web với tên miền riêng. Dù không phải để bán hàng thì đây cũng là một công cụ hiệu quả để bạn giao tiếp với cộng đồng, khách hàng và đối tác của mình.
6/ Tiếp thị và bán hàng
Bây giờ bạn đã có đủ nền tảng để có thể bắt đầu bán hàng, hãy cố gắng truyền thông, tiếp thị theo những cách rẻ tiền và sáng tạo.
Nếu doanh nghiệp của bạn cung cấp dịch vụ, hãy tham gia các cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương tìm cơ hội để tự giới thiệu về bản thân, sản phẩm của bạn. Nếu bạn có một sản phẩm, hãy tìm cơ hội mời dùng thử và đề nghị phản hồi để kiểm tra mức độ tiếp nhận từ người dùng. Mạng xã hội là một kênh hữu hiệu để bạn giới thiệu sản phẩm của mình.
Với nguồn lực hạn hẹp ban đầu, 6 bước trên là cách tuyệt vời để bạn kiểm tra khả năng tồn tại của doanh nghiệp nhỏ của bạn trước khi dồn tất cả thời gian và tiền bạc của bạn vào một ý tưởng chưa được chứng minh.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: 6 bước đơn giản…
(https://doanhnhansaigon.vn/