Trần Quí Thanh
_____
Doanh nghiệp đang tranh thủ nguồn vốn vay hỗ trợ từ các ngân hàng để phục hồi sau dịch COVID-19, nhưng làm sao để tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là một trong những vấn đề được giới chuyên gia kinh tế quan tâm luận bàn.
Ngân hàng vay tiền từ người dân, và đương nhiên ngân hàng cần có khách hàng cho vay để luân chuyển nguồn tài chính để kiếm lãi và đối tượng khách hàng lớn chính là doanh nghiệp.
Trong lúc khó khăn này, ngân hàng bắt buộc phải hạ lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là nuôi sống mình, ngân hàng bắt buộc phải lựa chọn phương án kinh doanh phù hợp với thời đại dịch. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sống sót là nuôi dưỡng đối tác làm ăn lâu dài.
Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải tuân thủ, đó hạ hạ lãi suất nhưng không hạ chuẩn cho vay. Bởi vì đó là cách bảo đảm an toàn cho chính ngân hàng và cho khách hàng. Rộng hơn là bảo đảm an toàn cho cả nền kinh tế. Nếu như cho vay “cẩu thả”, để nợ xấu bao trùm lên các doanh nghiệp, thì chính các ngân hàng bị rơi vào thế bị động, ôm cả đống nợ. Và khi đó, tình trạng nợ xấu sẽ đẩy nền kinh tế vào chỗ nguy hiểm, có thể còn tệ hơn cả sự suy thoái vì đại dịch.
Trước thực tế này, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án kinh doanh tốt, minh bạch tài chính, để có được cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng. Cũng không nên cố tình làm đẹp hồ sơ (cho dù rất khó), vì vay tiền về để trở thành con nợ thì không nên vay làm gì.
Ngân hàng cho vay, nhưng thực chất chính là bỏ vốn để cùng đầu tư với doanh nghiệp, cùng chia sẻ lợi ích. Nhưng khi vác tiền đi kinh doanh, ngân hàng phải tính toán để đầu tư vào thương vụ nào an toàn, dù là lãi nhỏ còn hơn lỗ vốn.
Khi cả hai phía, doanh nghiệp và ngân hàng đều tính toán chặt chẽ các phương án kinh doanh, hạn chế tối đa rủi ro, thì sẽ đảm bảo cơ hội thành công cho cả hai bên. Và như vậy, các gói hỗ trợ tài chính mới đưa đến đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp phục hồi kinh doanh và vực dậy nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng.
Bài học về những món nợ xấu khổng lồ có căn nguyên từ cho vay không đảm bảo các chuẩn mực về an toàn tín dụng vẫn còn đó. Thời nay sẽ không còn có chỗ cho những sai lầm như trước.
Sự lành mạnh của bộ máy hành chính, sự minh bạch của hệ thống ngân hàng sẽ là chỗ dựa cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, như những bài viết trước, tui luôn nhất quán rằng, doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng sự chủ động tối đa có thể. Trong trường hợp này, chính là có một phương án kinh doanh khả thi và một bộ hồ sơ tài chính tin cậy.
Sài Gòn 13/05/2020
TQT
Đọc thêm bài: Vốn vay hóa gánh nặng khi kế hoạch kinh doanh mù mờ
(https://www.thesaigontimes.vn/td/303414/von-vay-hoa-ganh-nang-khi-ke-hoach-kinh-doanh-mu-mo.html)