Ka Ka tổng hợp/ Báo Tuổi Trẻ
Những thế kỷ trước, dịch bệnh là nỗi ám ảnh của con người và nghệ thuật hội họa cũng nhuốm màu ảm đạm đó. Các bức tranh về bệnh dịch đều thể hiện mạnh mẽ nỗi sợ hãi, sự u ám bao trùm cuộc sống người dân.
Bức tranh “Bệnh dịch hạch” của họa sĩ Arnold Böcklin, năm 1898: Cùng với chiến tranh, sâu bệnh và cái chết, bệnh dịch là nỗi ám ảnh của không chỉ Arnold Böcklin mà còn với tất cả dân chúng khi ấy. Trong tác phẩm của mình, Arnold Böcklin nhân cách hóa Tử thần cưỡi trên một sinh vật có cánh bay qua đường phố thị trấn thời trung cổ. Theo các nhà nghiên cứu nghệ thuật, bức tranh được lấy cảm hứng từ tin tức về bệnh dịch xuất hiện ở Bombay (Ấn Độ) năm 1898 và hiện được trưng bày ở bảo tàng nghệ thuật Basel (Thụy Sĩ).
Công dân Tournai chôn cất người chết trong cái chết đen (1348) là một phần bức tranh minh họa của nhà biên niên sử Gilles Li Muisis. Bức tranh mô tả sự chết chóc ở quy mô khủng khiếp của đại dịch khi người chết không đủ chỗ chôn. Có mười lăm người đưa tang với 9 quan tài, tất cả chen chúc trong không gian rất nhỏ.
Tác phẩm “Chân dung sau dịch cúm Tây Ban Nha” hiện được lưu giữ tại Phòng trưng bày Quốc gia Áo. Họa sĩ theo trường phái tượng trưng người Áo Gustav Klimt cũng là người bị nhiễm dịch Tây Ban Nha nhưng may mắn được chữa khỏi. Munch đã vẽ tác phẩm này vào năm 1919 mô tả chân dung của mình khi cận kề với cái chết: tóc rụng hói đầu, da vàng vọt thiếu sức sống và cơ thể được bọc trong một chiếc chăn.
“Gia đình” là một trong những bức tranh cuối cùng của họa sĩ nổi tiếng người Áo Egon Schiele trước khi chết vì dịch cúm Tây Ban Nha. Ban đầu tác phẩm có tựa là “Cặp đôi ngồi xổm” vẽ chính Schiele với vợ Edith và đứa con chưa sinh của họ. Cả hai vợ chồng đều bị nhiễm dịch với những vết lở loét màu xanh trên người, vẻ mặt u ám đau buồn của cả hai trong bức tranh đã khiến không ít người xem 100 năm sau rơi nước mắt. Người vợ của Schiele chết vào tháng thứ 6 của thai kỳ, Schiele ra đi 3 ngày sau đó.
Bệnh dịch thường được nhìn thấy qua lăng kính rùng rợn và nghiệt ngã nhưng Vũ điệu tử thần (Danse Macabre) lại được họa sĩ người Ý ở thế kỷ 15 Giacomo Borlone de Burchis vẽ theo hướng hài hước. Vũ điệu tử thần cho thấy một số nhân vật từ các tầng lớp xã hội khác nhau tham gia vào điệu nhảy tử thần với các bộ xương. Thần chết được ví như nữ hoàng đang lên ngôi, không màng đến vàng bạc mà người sống dâng lên cầu xin mà chỉ cần sự sống của họ.
Một tác phẩm bích họa không rõ tác giả theo chủ đề “Chiến thắng của cái chết” trong Phòng trưng bày Palazzo Abatellis ở Palermo, Ý. Nó được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất về bệnh dịch ở Ý thế kỷ 14-15 mô tả thần chết cưỡi con ngựa xương, bắn mũi tên từ một cây cung tử thần để giết chết bất cứ ai thuộc mọi tầng lớp xã hội. Dưới bánh xe là xác chết của hoàng đế, giáo hoàng, giám mục, tu sĩ nhà thơ, hiệp sĩ và thiếu nữ. Mỗi người một vẻ mặt đau đớn trong khi một nhóm khác, được cho là giới quý tộc, thì thể hiện phớt lờ và tiếp tục các hoạt động của họ.
“Chiến thắng của cái chết” của Pieter Bruegel the Elder vẽ năm 1562: trong tác phẩm của họa sĩ thuộc trường phái Phục hưng Hà Lan người xem thấy sự tàn khốc đến nghẹt thở của bệnh dịch với hình ảnh u ám bao trùm. Đội quân thần chết đã chiến thắng, xác chết con người vương vất khắp nơi, làng mạc bị phá hủy và bầu trời ngập khói đen bệnh dịch; Mọi thứ đều chết, mọi thành phần xã hội, từ nông dân, binh lính đến quý tộc cũng như vua chúa và một hồng y; ngay cả cây và cá trong hồ cũng chết, biển đầy xác tàu đắm tạo nên sự sợ hãi cho tới tận ngày nay.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Nỗi ám ảnh...
(https://tuoitre.vn/mot-so-tac- pham-hoi-hoa-kinh-dien-mo-ta- dai-dich-20200514135038532.htm)