Ba cẩm nang để giữ chân nhân tài

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Dr Thanh,

Chúng cháu thuộc CLB Doanh nghiệp trẻ, những doanh nghiệp hầu hết chưa hết tuổi thôi nôi, còn rất non trẻ. Chúng cháu mạo muội gửi bác một vấn đề mà theo chúng cháu nó quyết định sự sống còn của những doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới ra đời, đấy là: Bí quyết xây dựng môi trường làm việc để thu hút và giữ chân nhân tài. Vấn đề này đã có rất nhiều người bàn nhưng chúng cháu muốn được nghe bác chỉ bảo ạ. Mong bác chiếu cố trả lời chúng cháu. Cảm ơn bác rất nhiều.

Kính chúc bác vạn an

Lê Trọng Lý và CLB Doanh nghiệp Trẻ (Sài Gòn): ly_letrong2014@gmail.com

—–

Lê Trọng Lý à CLB Doanh nghiệp Trẻ (Sài Gòn) mến,

Bác đã nhận nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung này và đã trả lời ở một số bài viết trước. Giữ chân nhân tài là một nội dung quan trọng đối với các bạn trẻ khởi nghiệp.

Khi các cháu startup, có ba bài toán cần giải quyết, một là làm cái gì? hai là tiền đâu? ba là ai làm?

Nếu như không có người tài giỏi, thì sẽ khó nói đến chuyện thành công.

Sở hữu sản phẩm công nghệ để startup chỉ là cái ban đầu, hoàn thiện và  phát triển sản phẩm nó trong quá trình kinh doanh cần có người giỏi.

Có người giỏi thì sẽ tìm ra vốn, không có người giỏi thì dù có vốn cũng tiêu tan.

Cho nên, xét đến cùng, con người là nhân tố quan trọng nhất.

Tìm nhân tài đã khó, giữ được chân nhân tài càng khó hơn. Trong môi trường cạnh tranh thương trường gay gắt, thì cạnh tranh về nhân tài còn gay gắt hơn. Nếu không có kinh nghiệm giữ chân nhân tài, họ sẽ tìm nơi khác, đó là quy luật của thị trường lao động.

Giữ chân nhân tài, theo kinh nghiệm của bác, chỉ cần ba cẩm nang sau:

Một là đặt trọn niềm tin vào họ. Người tài thường có lòng tự trọng rất cao, cho nên khi họ được tin tưởng, tôn trọng và giao trách nhiệm, họ sẽ làm việc hết mình. Đặc biệt là lắng nghe họ với tất cả sự trọng thị, họ sẽ sẵn lòng đóng góp ý kiến để xây dựng doanh nghiệp tốt hơn.

Hai là tạo môi trường cho người tài phát huy tối đa năng lực, khuyến khích phát minh, sáng tạo. Đừng sợ mất tiền và thì giờ cho những thử nghiệm mới. Nếu như thử nghiệm chưa thành công thì khuyến khích, đầu tư để tiếp tục nghiên cứu, một thành tựu của phát minh, sáng tạo, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật thành công sẽ đem đến những thay đổi rất lớn cho doanh nghiệp. Nhân tài được trọng dụng hay không chính là chỗ này đây. Nếu như chỉ nói “trọng dụng” bằng miệng, mà không tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng thì họ sẽ chán nản bỏ đi.

Thứ ba là trả công xứng đáng. Bất cứ ai đi làm việc thì trước hết là để kiếm sống, để nuôi vợ con, gia đình. Đối với nhân tài, thì họ phải lo cho gia đình tốt hơn người khác, vậy thì doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho họ làm được việc đó.

Về lẽ công bằng, người tài đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp thì họ phải được hưởng lương cao hơn, tương xứng với chất xám mà họ bỏ ra.

Người tài có những phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích thì ngoài tăng lương, phải có phần thưởng xứng đáng với sản phẩm trí tuệ của họ. Và đừng quên, phải tôn vinh họ trước tập thể. Cha ông mình nói “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” là vậy.

Chúc các cháu thành công!

Trần Quí Thanh 

 (Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *