Trần Văn Phát/ Báo DNSG
—–
Khi nhiều chính phủ công bố chấm dứt giãn cách xã hội, một giai đoạn mới đang đến với doanh nghiệp, dù dịch Covid-19 chưa bị khống chế hoàn toàn. Việc mở cửa lại các nền kinh tế trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn có khả năng lây lan nên sẽ có những hạn chế nhất định. Vậy làm thế nào công ty có thể hoạt động tốt trong môi trường khó khăn ấy, làm thế nào nhân viên có động lực để trở lại làm việc và yên tâm về sự an toàn?
Bài viết này tập trung vào những vấn đề chính dựa trên nghiên cứu và trò chuyện của chúng tôi với các nhà lãnh đạo của một số công ty lớn trên thế giới – những người có cách nhìn khách quan về các vấn đề kinh tế – xã hội khi thế giới chấm dứt “lock down”.
Lập kế hoạch khởi động kinh doanh
Cuộc khủng hoảng do đại dịch đã phá vỡ nhiều giả định và công cụ mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) dựa vào để ra quyết định kinh doanh. Do đó, kế hoạch khởi động lại sản xuất, kinh doanh cần phải dựa trên việc phân bổ lại nguồn lực và thị trường. Chẳng hạn trong khi 44% người tiêu dùng ở Pháp có kế hoạch giảm chi tiêu trong hai tuần tới thì ở Ý có 34%, ở Đức có 28%. Vì thế lịch khởi động lại nền kinh tế sẽ rất khác nhau giữa các quốc gia. Chỉ riêng ở châu Âu, đã có ba nhóm quốc gia: những quốc gia đã bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế đối với bán lẻ, trường học, nhà hàng, khách sạn và các sự kiện công cộng, những quốc gia đã vạch ra mốc thời gian cụ thể cho việc kết thúc “lock down” và nhóm thứ ba đã thông báo ngày kết thúc “lock down” nhưng không xác định cách thức mở lại nền kinh tế. Đối với nhân viên, việc trở lại làm việc có thể bị ảnh hưởng bởi giao thông công cộng. Ví dụ, ở Trung Quốc, một tháng sau khi kết thúc “lock down”, tỷ lệ quay trở lại hoạt động là 97% trong lĩnh vực ô tô, 70% trong lĩnh vực dệt may, nhưng chỉ 40% trong lĩnh vực nhà hàng. Giữa các ngành, tỷ lệ nhân viên quay trở lại việc dao động từ 80% đến chỉ 20%. DN cũng phải tính đến sự chênh lệch giữa các ngành, cũng như giữa những công ty cùng lĩnh vực để có kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Đảm bảo an toàn và khôi phục niềm tin khách hàng
Từ việc “lock down”, khách hàng sẽ rất chú trọng đến an toàn dịch bệnh. Do đó, DN cần cung cấp sản phẩm và dịch vụ tuân thủ các điều kiện bảo vệ sức khỏe nghiêm ngặt nhất. Ở châu Á, điều này đã dẫn đến sự ra đời của các phương thức như kiểm soát thân nhiệt ở lối vào cửa hàng, cung cấp gel hydro-alcoholic trong các cửa hàng bán lẻ và trên phương tiện giao thông công cộng, sử dụng chung các phương thức không tiếp xúc cho cả thanh toán và giao hàng, phát triển dịch vụ hỗ trợ hoặc bảo trì từ xa. Tại Trung Đông, Hãng Hàng không Emirates đã đo thân nhiệt cho hành khách và yêu cầu đeo khẩu trang trước khi lên máy bay. Trong ngành khách sạn và nhà hàng, Accor và Veritas hợp tác để tạo ra một nhãn hiệu xác nhận mức độ vệ sinh và an toàn sau Covid-19.
Đó có thể là những quy trình giảm thiểu xử lý của con người, quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm hoặc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh trên trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là về thực phẩm.
Bảo vệ sức khỏe của nhân viên
Nhiều nhân viên rất mong muốn trở lại làm việc nhưng lại lo lắng về độ an toàn. Do đó, các công ty phải ưu tiên kiểm soát an toàn việc tiếp cận nơi làm việc. Công việc từ xa nên được khuyến khích để giảm thiểu đi lại. Thời gian “lock down” đã chứng minh nhiều loại công việc chuyển sang làm từ xa rất hiệu quả. Cũng phải thiết kế lại không gian làm việc bằng cách phân định các khu vực để ngăn ngừa lây nhiễm, hoặc thay đổi giờ làm việc thông qua ca kíp. Cũng cần áp dụng khoảng cách vật lý, cung cấp mặt nạ, khẩu trang và dụng cụ sử dụng một lần. Mở rộng các biện pháp bảo vệ nhân viên bên ngoài văn phòng. Ví dụ, cung cấp cho nhân viên các thiết bị an toàn (gel hydro-alcoholic, khẩu trang, găng tay).
Phục hồi nhu cầu
Phần lớn trong số 25 lĩnh vực chúng tôi đã nghiên cứu (17 ở Đức và 20 ở Pháp), do dịch Covid-19, tác động của cú sốc cầu đối với giá trị gia tăng vượt xa tác động của cú sốc cung. Do đó, điều bắt buộc là phải phục hồi khách hàng bằng cách kích thích nhu cầu tiêu dùng, chống lại rủi ro làm biến dạng mô hình giá hoặc tệ hơn là thúc đẩy vòng xoáy giảm phát. Mọi khoản đầu tư hoặc khuyến mãi thương mại phải được cân nhắc trước nguy cơ gây ra cuộc chiến về giá để ngăn chặn cạnh tranh phá hoại. Để đảm bảo doanh số, cần hỗ trợ khách hàng và nhà cung cấp gặp khó khăn về tài chính. Bộ phận tiếp thị phải đảm bảo cung cấp sản phẩm phù hợp với sự thay đổi liên quan đến khủng hoảng. Trong ngắn hạn, điều này khuyến khích khách hàng tương tác thông qua các kênh kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của chúng tôi, 33% người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi nhãn hiệu thực phẩm trong cuộc khủng hoảng, trong khi 20% có kế hoạch gắn bó với các lựa chọn thay thế đã thử. Trong trung hạn, DN cần tăng cường khả năng phát hiện tín hiệu ưa thích sản phẩm hay không từ người tiêu dùng, từ đó xác định giải pháp làm phong phú trải nghiệm của khách hàng.
Khởi động lại hoạt động và chuỗi cung ứng
Các CEO phải tìm cách củng cố vị thế cạnh tranh của công ty. Đó là tăng cường khả năng dự báo nhu cầu thị trường để tránh tạo ra sản phẩm mà không tiêu thụ được hay bán rất chậm. Tốt nhất là thành lập một tháp điều khiển có khả năng hiển thị trên các kịch bản về nhu cầu mua sắm, hàng tồn kho, sản xuất và logistics. Tháp này sẽ cho phép kiểm tra, đánh giá nhà cung cấp, nhà phân phối, đối tác và nhu cầu của khách hàng. Đó là kế hoạch phục hồi theo từng giai đoạn. Trình tự này dựa trên bốn tiêu chí chính: Môi trường pháp lý, nhu cầu địa phương, năng lực sản xuất và sự sẵn có của lao động. Các yếu tố tài chính khác cũng có thể được tính đến, chẳng hạn như chi phí cận biên trên mỗi đơn vị sản xuất. Việc nối lại hoạt động sẽ là cơ hội để dần dần thanh lọc hàng tồn kho, sử dụng thời gian không sản xuất để bảo trì máy móc, thiết bị. Một giải pháp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này là triển khai sản xuất thích ứng được xem xét lại hằng tuần.
Từ khi bắt đầu “lock down”, nhiều giám đốc điều hành thông tin (CIO), giám đốc công nghệ (CTO) đã có những nỗ lực để đối phó với tình hình mới. Về công nghệ, ba hành động ưu tiên phải được đưa ra để đảm bảo khởi động lại sản xuất, kinh doanh thành công. Đó là đẩy nhanh chuyển đổi số để phục vụ nhu cầu của khách hàng mua sắm trực tuyến. Một số nhà sản xuất ô tô ở châu Á đã phát triển phòng trưng bày ảo cho phép khách hàng ghé thăm đại lý từ nhà của họ và đang tích hợp sự đổi mới đó vào một hành trình kỹ thuật số đầu cuối mới. Các CEO cần đưa ra lộ trình đẩy nhanh chuyển đổi số, trong đó có đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử. Các giải pháp này đòi hỏi đào tạo nhân viên sử dụng công cụ mới cũng như đào tạo về an ninh mạng. Đó là cải thiện việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. Khi khởi động lại một phần dây chuyền sản xuất, việc cấu hình lại chuỗi cung ứng yêu cầu tính toán chính xác dữ liệu thương mại, sản xuất và logistics. Ví dụ, một số công ty phân phối đang điều chỉnh mô hình dự báo hàng tồn kho dựa trên dữ liệu truyền bá hoặc hồi quy từ Covid-19. Khi khởi động lại, các nhà tiếp thị sẽ cần dữ liệu chi tiết hơn để kích thích nhu cầu tiêu dùng với độ chính xác cao hơn. Các thuật toán về một thế giới tiền đại dịch và các giả định về tỷ lệ chấp nhận kỹ thuật số cần phải được xem xét lại. CIO và CTO phải góp phần thu hút các khoản đầu tư công nghệ mới để mở rộng kinh doanh kỹ thuật số.
Duy trì giá trị tạo ra từ khủng hoảng
Trong nhiều tình huống, cuộc khủng hoảng là cơ hội để củng cố mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp. Trong một số phân khúc kinh doanh, đã đạt được năng suất cao. Đối với các CEO, điều quan trọng bây giờ là xác định hướng phát triển nào để tạo ra giá trị tài chính và có thể tạo điều kiện phát minh mô hình kinh doanh mới.
Sự đổi mới bắt buộc tạo ra những bước nhảy vọt trong quá trình “lock down”. Với việc khởi động lại nền kinh tế, hiệu suất mới có thể được tái đầu tư và góp phần làm phong phú thêm tài sản và tài sản vô hình của DN trong dài hạn.
NGUỒN: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
Link bài: Để tái sản xuất…
(https://doanhnhansaigon.vn/