Ai còn muốn gian lận, hãy coi chừng

TS Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT/ Báo Tuổi Trẻ

Sự công chính là một giá trị rất lớn trong xã hội, ở đâu thiếu sự công chính, ở đó không có trung thực, không có đạo đức, không có công bằng.

Công chính là nền tảng cho xã hội có được giá trị của sự thật, cho con người có được sự liêm chính.

Khi mất đi sự công chính, một người làm thầy giáo có thể bán điểm để lấy tiền, đó là sự thất bại không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà của toàn xã hội, của chung một đất nước.

Nhìn tấm ảnh một số thầy giáo, cán bộ ngành giáo dục bước ra cửa tòa án xét xử vụ gian lận thi cử, tay đeo còng như vẫn tự tung hô mình, vẫn cười vui như bắt được vàng, sẽ thấy rõ sự thất bại như đã phân tích.

Thiếu sự công chính, sẽ còn những vụ tham nhũng trăm tỉ, ngàn tỉ như chúng ta từng biết đến.

Thiếu sự công chính, sẽ có còn những vụ án oan tày trời như Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn…

Công chính đến từ đâu? Xin được mạnh dạn nói rằng, đến từ mỗi chúng ta. Trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân hãy dưỡng nuôi hạt mầm công chính để nở hoa, để kết trái. Khi trong mỗi gia đình thiếu đi nền tảng này, thì xã hội sẽ nhiều dối trá, lừa lọc. Giáo dục gia đình là cái gốc, nhà trường, môi trường xã hội chỉ có tác dụng hỗ trợ, vun tưới cho cái gốc đó.

Tiếp theo là tác động từ hệ thống pháp luật. Xử lý nghiêm những hành vi phi đạo đức, gian lận, lừa đảo, tham nhũng, hối lộ là một cách để bảo vệ và đề cao sự công chính.

Trần Quí Thanh

—–

Gian lận từ thi kiểm tra đánh giá trên lớp học đến thi tốt nghiệp phổ thông. Gian lận cả trong thi tuyển công chức, viên chức… Những gì cần rút ra sau các phiên tòa xét xử tội phạm gian lận thi cử chưa từng có ở ở ở nền giáo dục nước nhà?

Tiếp theo phiên xử gian lận thi cử tại Hòa Bình, hôm qua phiên tòa xử vụ gian lận thi THPT quốc gia từ năm 2018 tại Sơn La đã kết thúc.

Đã có nhiều án tù thích đáng dành cho những kẻ coi thường luật pháp, thực hiện hành vi gian lận có tổ chức. Trong đó có các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cả một vài cán bộ công an tha hóa ở địa phương.

Bản án đã tuyên. Đa số dư luận đồng tình, nhưng dư âm sau phiên tòa vẫn còn những xôn xao.

Còn đó nụ cười “ngạo nghễ” của những bị cáo tại phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hòa Bình. Nụ cười trên gương mặt những người cầm cân nảy mực trực tiếp làm biến đổi điểm số, đánh mất sự công bằng trong thi cử nói lên điều gì? Phải chăng họ đang coi gian lận thi cử như một điều bình thường, chẳng mảy may ân hận, day dứt?

Còn đó gian lận thi cử tinh vi, có tổ chức như ở Sơn La, có cán bộ bị tuyên đến 21 năm tù, cựu phó giám đốc sở Trần Xuân Yến cũng chịu 8 năm tù, nhưng ông cựu giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức vẫn không được triệu tập đến tòa, dù chỉ là để đối chất.

Chính luật sư đã đề nghị hội đồng xét xử làm rõ việc ông Đức chuyển thông tin 8 thí sinh cho bị cáo Yến để nhờ xem điểm hay nhờ nâng điểm và cho rằng không truy cứu ông Đức là không công bằng.

Nếu không có chuyện “nhờ” thuộc cấp xem điểm, tôi tin rằng phó giám đốc sở chưa chắc đã bạo tay để dấn sâu vào những tội lỗi. Không có chuyện “nhờ” xem điểm mà ngẫu nhiên cả 8 thí sinh nhờ xem điểm lại được nâng khống điểm. Chỗ này có vẻ như vẫn là vết mờ của quá trình điều tra xét hỏi và sự công minh của phiên tòa.

Xuyên suốt cơ thể giáo dục từ hơn hai thập niên trở lại đây dường như đã bị một thứ virus “nhìn thấy bằng mắt thường” là gian lận tàn phá, làm sụt giảm lòng tin của xã hội vào giáo dục, vào cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Gian lận từ việc thi kiểm tra đánh giá trên lớp học đến thi tốt nghiệp ở giáo dục phổ thông. Gian lận diễn ra cả trong việc thi tuyển công chức, viên chức… Những nơi gồm cả những vị trí thức đáng kính, mũ cao áo dài của các hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng ăn gian công trình hoặc đạo văn…

Những gì cần rút ra sau các phiên tòa xét xử tội phạm gian lận thi cử chưa từng có ở nền giáo dục nước nhà? Một là những người được giao trọng trách tổ chức và giám sát kỳ thi cần ý thức về sự thượng tôn pháp luật.

Hai là sự trung thực là điều kiện tối cần thiết để làm giáo dục, yêu cầu này dành cho tất cả học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, các nhà quản lý và phụ huynh học sinh. Ba là đừng vì lợi ích cá nhân mà đánh mất đi sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật.

Bản án đã tuyên liệu có là lời cảnh báo mạnh mẽ góp phần mang lại cho giáo dục một bộ mặt mới, trung thực hơn để có những con người tử tế trong xã hội? Con đường này phức tạp, cam go nhưng là cách lựa chọn tốt hơn cả để đưa Việt Nam vượt qua những thách thức trong thời gian tới.

Năm học này kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được phân cấp trong việc tổ chức coi thi, chấm thi về cho địa phương. Những bản án nặng là lời răn đe những ai đang cố tình nhăm nhe gian lận, coi thường luật pháp.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Ai còn muốn…
(https://tuoitre.vn/ai-con-muon-gian-lan-hay-coi-chung-20200530100747216.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *