Một mùa hoa phượng đã đi vắng

Trần Quí Thanh

—–

Những ngày qua, hình ảnh nhiều cây phượng trong sân trường bị chặt bỏ khiến bao người đau lòng.

Chỉ một cây phượng đổ ở trường học làm một học sinh tử vong, người ta mất bình tĩnh “tàn sát” gần như toàn bộ những cây phượng khác.

Vì sao vậy? Vì người ta sợ trách nhiệm, vì để bảo vệ sự an toàn cho mình, không phải là an toàn cho học sinh. Và vì để an toàn cho mình, người ta chặt phượng, sân trường trơ trụi, chỉ còn bê tông. Người ta đang “bê tông” hóa tâm hồn của học trò.

Áo trắng sân trường, tiếng ve, hoa phượng, một bức tranh đẹp độc đáo của trường học Việt Nam. Bức tranh đó nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ học sinh, đi vào thơ ca nhạc họa.

“Màu hoa phượng thắm như máu con tim. Mỗi lần hè thêm kỷ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm”. Nhạc phẩm “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ Thanh Sơn làm rung động trái tim của không chỉ tuổi học trò, mà càng lớn tuổi, nhớ về những kỷ niệm thời áo trắng, ai cũng thầm nhớ rằng đã có một thời ta “từng nhặt hoa thấy buồn”.

Những hàng phượng đó cân bằng môi trường và không gian trường học vì màu xanh của lá, màu đỏ của hoa, màu vàng của nhụy hoa.

Cây cũng có đời cây, có non trẻ, trưởng thành và già đi. Cho nên cây đổ cũng là chuyện thường xảy ra khi có mưa bão hay các tác động khác. Nhưng chẳng lẽ, cứ một đứa trẻ bị đuối nước ở chiếc hồ nào đó thì ta đi lấp hết các ao hồ?

Người quản lý giỏi không đưa ra những quyết định sai lầm như vậy. Phải giữ mảng cây xanh không chỉ cho trường học, mà cho toàn thành phố.

Chính quyền có cơ quan quản lý công viên, cây xanh, cơ quan này còn có các đơn vị trực thuộc, có chuyên môn để kiểm tra, đánh giá để đưa ra các giải pháp liên quan đến bảo vệ cây xanh cũng như bảo vệ sự an toàn cho con người.

Cây già quá tuổi thọ thì đào bỏ. Những cây có nhiều cành, tán có thể gây gãy đổ thì cắt tỉa, mé bớt nhánh. Những cây còn trẻ thì không cần can thiệp. Đối với những cây nghi ngờ về có thể gây nguy hiểm thì làm rào chắn, trụ chống để bảo đảm an toàn.

Nếu các nhà quản lý sử dụng chuyên môn, kiến thức khoa học, cùng với quyết tâm bảo vệ con người cùng với bảo vệ môi trường, thì không có những cây phượng bị chặt trơ trọi đau đớn như vậy.

Chợt nhớ câu thơ trong bài “Bóng chữ” của Lê Đạt: “Vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng”.

Năm nay, một mùa phượng đi vắng.

Buồn lắm thay!

Sài Gòn 03/06/2020

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *