Vẻ đẹp của những cây cầu bằng gạch lớn nhất thế giới

Ka Ka tổng hợp/ Báo Tuổi Trẻ

Cầu cạn Göltzsch, cầu Elster ở Đức hay cầu cạn thung lũng Ouse ở Anh được xây hoàn toàn bằng gạch và đá cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn vững chắc, chịu được tải trọng của những đầu máy xe lửa lớn.

Cầu cạn thung lũng Ouse cần khoảng 11 triệu viên gạch. Một nửa số gạch phải vận chuyển qua từ Hà Lan sang. Phần thành lan can, đầu trụ và một số vị trí khác trên cầu dùng đá vôi vận chuyển từ Pháp đến. Cầu được hoàn thành vào năm 1842 – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Có thể ở thời hiện đại, một cây cầu không có lõi thép không đáp ứng được độ an toàn và vững chắc cần có nhưng trước khi loài người luyện được thép và sáng tạo nên bê tông thì gạch và đá là hai vật liệu phổ biến nhất để xây dựng công trình.

Những cây cầu như vậy được xây dựng từ cách đây hàng trăm và đôi khi hàng ngàn năm trên khắp châu Âu và châu Á.

Một số chúng vững chắc và tồn tại lâu hơn nhiều cây cầu thép hiện đại ngày nay.

Một trong những ví dụ điển hình nhất về cây cầu bằng gạch là cầu cạn thung lũng Ouse thuộc tuyến đường sắt London – Brighton (Anh) nằm trên sông Ouse,

Cây cầu cạn thung lũng Ouse dài 500m được xây dựng từ những viên gạch đỏ truyền thống và đá vôi mịn có màu nhạt. Sự tương phản giữa hai vật liệu thu hút sự chú ý của bất cứ du khách nào đến đây – Ảnh: SHUTTERSTOCK
Một đặc điểm gây chú ý khác của cầu cạn này là những khung vòm tại mỗi trụ cầu được sắp xếp hoàn hảo theo một đường thẳng tắp từ đầu đến cuối cầu – Ảnh: SHUTTERSTOCK
Cầu cạn Göltzsch nằm vắt ngang qua thung lũng sông Gotltz ở phía bắc Sachsen, cách thị trấn Reichenbach im Vogtland của Đức khoảng 4 km về phía tây. Cầu được xây dựng vào năm 1851 với chiều cao hơn 76m và được đỡ bằng 4 tầng vòm khác nhau – Ảnh: SHUTTERSTOCK
Cầu Göltzsch và Elster là hai công trình đặc biệt thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt Leipzig thuộc bang Saxony, Thuringia và Bavaria (Đức). Khi thiết kế cây cầu này, kiến trúc sư Johann Andreas Schubert phát hiện lượng đất sét lớn ở vùng lân cận nên quyết định sử dụng gạch thay vì đá granit như nhiều công trình cầu đường thời bấy giờ – Ảnh: SHUTTERSTOCK
Nguyên vật liệu có sẵn nên việc sản xuất gạch rất nhanh chóng và hiệu quả. Hơn 20 nhà máy gạch dọc theo tuyến đường sắt hoạt động suốt ngày đêm, sản xuất hơn 26 triệu viên gạch phục vụ cho việc xây dựng cây cầu – Ảnh: SHUTTERSTOCK
Cách khoảng 10 km về phía nam của cầu Göltzsch là cây cầu Elster, được tạo thành từ hơn 12 triệu viên gạch. Phần móng, trụ và sàn cầu được xây dựng từ các tấm đá granit. 800 công nhân làm việc trên cây cầu từ năm 1846 đến 1851 để hoàn thành cây cầu 2 tầng, cao 68 m và dài 279m – Ảnh: WIKIMAPIA
Hiện nay, cây cầu Göltzsch và Elster vẫn đang hoạt động với những chuyến tàu nặng hàng tấn mỗi ngày. Chúng được ví như cây cầu đẹp nhất châu Âu, đặc biệt là vào mùa thu. Việc ngồi trên tàu và đi trên cây cầu này là một trải nghiệm đáng giá khi đến Đức – Ảnh: WIKIPEDIA

NGUỒN:  Theo báo Tuổi Trẻ online

Link bài: Vẻ đẹp những cây cầu…

(https://tuoitre.vn/ve-dep-cua-nhung-cay-cau-bang-gach-lon-nhat-the-gioi-20200614181050844.htm)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *