V. Dũng/ Báo TBKTSG
—–
Hậu Covid, trong bức tranh nền kinh tế cả nước những vệt xám xuất hiện ngày một rõ nét khi tác động tiêu cực của dịch bệnh đang ngày càng “thấm” sâu hơn. Trước mắt, đó là tình trạng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động nhiều hơn kéo theo làn sóng thất nghiệp dâng cao.
Tại các thành phố lớn như TPHCM, sự thay đổi này sẽ dễ nhận thấy hơn khi “giao diện” của kinh tế địa phương phần lớn thông qua dịch vụ và đây là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất.
Trong số 19.000 doanh nghiệp đóng cửa mới được Cục Thuế TPHCM công bố, số lượng doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, ẩm thực chiếm tỷ lệ đa số. Tuy nhiên gần đây, làn sóng thất nghiệp cũng đang chảy ngầm ở các khu công nghiệp, cho thấy sự tổn thương đang lan rộng đến nhiều khu vực kinh tế khác.
Đìu hiu từ chợ đến doanh nghiệp
Chợ Bến Thành, một biểu tượng cho sự thịnh vượng của TPHCM, lần đầu lộ rõ sự đìu hiu với lượng sạp đóng cửa ngày một nhiều. Ghi nhận từ đầu năm đến nay, hơn 50% số sạp hàng ở trong ngôi chợ lâu đời này đóng cửa. Lý do được nhắc đến là vắng bóng du khách nước ngoài – nhóm mua sắm chủ yếu ở chợ Bến Thành – vì ngành du lịch chưa mở cửa trở lại với khách quốc tế.
Còn ở nơi được đánh giá là sầm uất nhất Phú Mỹ Hưng: phố Hàn Quốc, nhiều cửa hiệu cũng đóng cửa, trả mặt bằng. Trước đây, khu phố này tập trung các cửa hiệu bán buôn, nhà hàng, quán ăn, dịch vụ khách sạn, dịch vụ làm đẹp… chuyên phục vụ cho khách Hàn Quốc và khách du lịch nước ngoài. Dự đoán làn sóng đóng cửa sẽ ngày một nhiều hơn khi khách du lịch Hàn chưa biết khi nào quay trở lại.
Những ngành dịch vụ hậu cần như lưu trú, lữ hành cũng đã rơi vào trạng thái “tạm dừng”. Các tuyến phố sôi động về thời trang, F&B… cũng im ắng khi các cửa hàng cửa đóng then cài kèm thông báo cho thuê, sang nhượng.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, với thị trường bán lẻ Việt Nam, nhà hàng và cửa hàng ăn uống có lẽ là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất, khi nhiều thương hiệu lớn bé liên tục xuất hiện và mở rộng. Thế nhưng, trong năm 2020 này lại ghi nhận số lượng nhà hàng giảm 16%, một phần là vì sự đóng cửa và ra đi của một số chuỗi thương hiệu.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý con số này chưa hoàn toàn chính xác vì thống kê này chưa tính một số thương hiệu được bổ sung mới vào năm 2019 và 2020.
Trung tuần tháng 5, tại cuộc tọa đàm kéo dài một ngày giữa các nhà lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp, câu hỏi “nền kinh tế đang lúng túng, không đủ sức chống chọi với dịch bệnh” được đưa ra mổ xẻ. Câu hỏi này được đặt ra ở thời điểm kết thúc qúy 1, khi những thống kê về số lượng doanh nghiệp đóng cửa đã bắt đầu xuất hiện.
Có thể trong khoảng thời gian cao trào của dịch bệnh, những con số này phần nào được nhìn nhận nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, khi đã qua hết nửa năm, cùng với việc Covid-19 bước đầu được khống chế thì những thống kê tương tự về tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng đã khiến nhiều người giật mình.
Cụ thể, theo Cục Thuế TPHCM, qua sáu tháng đầu năm có gần 19.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động trên địa bàn TPHCM. Trong số doanh nghiệp ngừng hoạt động nêu trên, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 3.397 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (98,15%), hoạt động từ 3 đến 9 năm (51,59%).
Trong đó, số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất (38,16%), tiếp theo là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo (10,5%), doanh nghiệp xây dựng (9,52%) và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (8,81%).
Nhìn một cách tổng quát hơn, theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%). Trong đó, riêng quý 2 giảm mạnh đến 26,1% do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội.
Và tính chung nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm ngoái tăng 8,5%).
Các doanh nghiệp trong ngành bán buôn, bán lẻ sẽ còn “mất ăn mất ngủ” khi một cuộc thăm dò người tiêu dùng gần đây cho thấy, có gần 80% người tiêu dùng bị ảnh hưởng về tài chính do khối lượng công việc ít hơn, dẫn đến việc thận trọng hơn trong chi tiêu.
Nếu liên hệ rộng hơn tới xu hướng thất nghiệp sau khi doanh nghiệp tạm dừng hoạt động thì những ảnh hưởng tiêu cực sẽ còn kéo dài hơn.
Điều này là có cơ sở bởi khi tình hình dịch bệnh ở trong nước được kiểm soát tốt nhưng diễn biến trên thế giới vẫn đang còn phức tạp thì việc giao thương trở lại vẫn cần rất nhiều thời gian. Có thể sau làn sóng đóng cửa của các doanh nghiệp, cá thể kinh doanh dịch vụ thì nguy cơ cũng sẽ đến với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hụt hơi vì gồng mình chờ đợi.
Thực tế, việc cắt giảm lao động của nhiều doanh nghiệp cũng đã diễn ra nhanh và nhiều hơn.
“Gồng mình” chặn làn sóng thất nghiệp
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê cho thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên thị trường lao động thể hiện rõ tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng trong khi số lao động làm việc trong nền kinh tế và thu nhập giảm.
Thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước sáu tháng đầu năm ở mức 2,26%, tăng cao hơn mức 1,99% của năm 2019. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị trong quý 2 cao kỷ lục của 10 năm, chạm mốc 4,46%.
Riêng ở TPHCM, báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, có gần 328.000 lao động nghỉ việc trong sáu tháng đầu năm và dự báo thời gian tới có thể lên tới gần 1 triệu người. Đây là một trong những thị trường lao động chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, giải pháp của thành phố là hướng dẫn cho những người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đến từng chi nhánh để đăng ký, còn nếu không đủ điều kiện thì giới thiệu việc làm và dạy nghề với các sàn giao dịch để người lao động có cơ hội kiếm việc làm tốt nhất; việc nữa là điều hòa lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia có nhu cầu.
“Thành phố hứa quyết tâm giữ lao động ở thành phố vì dù sao thì họ cũng đã gắn bó lâu dài và sản xuất ra nhiều của cải cho thành phố thì thành phố phải có trách nhiệm”, ông Tấn cho hay.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang “gồng mình” tìm giải pháp để cứu doanh nghiệp và người lao động. Nhiều người lao động đang duy trì được việc làm cũng phải chấp nhận giảm tiền lương, nghỉ việc tạm thời để chia sẻ cùng doanh nghiệp. Tất cả các biện pháp cũng mang tính “gắng gượng” trong nỗi ám ảnh “bóng ma thất nghiệp”…
Tuy nhiên thực tế, việc thiếu đơn hàng, doanh thu giảm mạnh… những hệ lụy do Covid-19 gây ra vẫn đang tiếp diễn ở nhiều công ty khiến lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Ngành may chuyển đổi sản phẩm nhưng vẫn hụt đơn hàng, du lịch ra sức kích cầu nhưng vẫn chỉ hoạt động cầm hơi và không biết khi nào mở cửa. Bán lẻ dựa hoàn toàn vào sức cầu nội địa trong tình trạng cắt giảm chi tiêu.
Mới đây một số doanh nghiệp lớn cũng đăng đàn khẳng định không để một lao động nào bị mất việc hay giảm lương dù tình hình rất khó khăn. Đây có thể là một sự nỗ lực lớn nhưng thực tế không nhiều doanh nghiệp có tiềm lực để cân đối việc này.
Tại buổi họp báo của Tổng cục Thống kê tuần trước, bà Vũ Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động chia sẻ, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức cao nhất trong mười năm qua, trong đó tăng nhiều nhất ở nhóm người lao động có chuyên môn thấp.
Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Dịch bệnh có thể tiếp tục tác động đến lao động việc làm trong thời gian tới.
Khi lực lượng lao động có chuyên môn thấp mất đi chỗ đứng trong khu vực kinh tế chính thức thì khu vực kinh tế phi chính thức lại thành điểm tựa của họ. Các ứng dụng kinh doanh online, mạng xã hội, buôn bán lề đường đang đón nhận ngày một nhiều hơn các sản phẩm và người kinh doanh dịch chuyển từ làn sóng thất nghiệp này.
Việc chống dịch tốt tạo điều kiện lớn cho Việt Nam thu hút được đầu tư nước ngoài trong kế hoạch phục hồi dài hạn. Một chủ doanh nghiệp trong ngành may cho rằng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn hay đón những “đại bàng” là tạo ra cú hích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, “chọn bồ thóc nhanh, kịp thời cho những doanh nghiệp bồ câu, chim sẻ trong nước cũng là việc làm rất thiết thực nhằm lót đường, rải thảm cho đại bàng hạ cánh”, vị chủ doanh nghiệp này nói.
Kịch bản phục hồi còn nhiều chương, nhưng trước mắt để việc giải bài toán an sinh hay kích cầu nội địa hiệu quả thì việc tối ưu là chặn làn sóng thất nghiệp, vị này cho hay.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: ‘Vệt xám’…
(https://www.thesaigontimes.vn/