Thường Dân/ Báo Phụ nữ Tp HCM
—–
Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, Bluezone là một ứng dụng rất tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng này trên thiết bị điện thoại thông minh.
Các cách vận động cài đặt được triển khai, như người máy nhắc nhở trên điện thoại, yêu cầu chung ở các cơ quan, công sở, công ty và nhiều hình thức khác. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của ứng dụng Bluezone trong phòng chống dịch COVID-19.
Nhưng chúng ta không hiểu sai về chức năng của ứng dụng này, phải hiểu chính xác để tham gia cài đặt ứng dụng một cách chủ động, có trách nhiệm và có hiệu quả.
Ứng dụng này không ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 vào cơ thể như nhiều người lầm tưởng.
“Ứng dụng chỉ giúp đội ngũ phòng, chống dịch khoanh vùng, truy vết và cách ly các đối tượng nhiễm một cách nhanh chóng, tiết kiệm. Tức là, một người cài ứng dụng trước hết là vì cộng đồng, không phải vì bản thân”, trích từ bài báo dẫn dưới đây của tác giả Thường Dân đăng trên báo Phụ Nữ ngày 12.8.
Nhưng chúng ta phải nghĩ rằng, trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cộng đồng chính là bảo vệ mỗi người. Giúp cho cơ quan y tế truy vết, dập dịch nhanh và hiệu quả là bảo vệ cho từng người, từng gia đình chứ còn gì nữa.
Cho nên, đừng nghĩ rằng, cài đặt Bluezone không liên quan đến mình mà chỉ giúp cho cơ quan y tế. Bởi vì nghĩ như vậy không chỉ là ích kỷ, mà còn là hiểu sai về bản chất.
Hãy cài đặt Bluezone như thực hiện một trách nhiệm công dân.
Trần Quí Thanh
—–
Bluezone – khẩu trang điện tử – là ứng dụng (app) được truyền thông gần đây tuyên truyền mạnh, với mong muốn góp phần phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều người dân vẫn hiểu sai về bản chất của ứng dụng này, nhất là lý do sử dụng, dù báo đài đã nhiều lần giải thích. Vì sao?
Hiểu một cách chính xác, Bluezone là phần mềm truy vết và thông báo về việc liệu người dùng có đang tiếp xúc với một người có thể mang mầm bệnh hay không. Phần mềm này hoàn toàn không có khả năng thông báo liệu đối tượng mà ta đang gặp có mắc bệnh hay không. Vì vậy, ứng dụng này không dùng để phòng bệnh.
Việc đặt tên “khẩu trang điện tử” là một ý tưởng quảng cáo hay, nhưng hoàn toàn phản tác dụng. Khẩu trang là công cụ để hạn chế vi-rút xâm nhập vào cơ thể hoặc ngăn chặn việc bản thân phát tán vi-rút (nếu có) ra môi trường, tức khẩu trang là công cụ phòng bệnh. Với mục đích sử dụng hoàn toàn khác nhau, việc sử dụng tên gọi có ý nghĩa tương đồng sẽ gây ám thị rất lớn cho người tiếp nhận. Do vậy, rất dễ hiểu khi người dân cài Bluezone để bảo vệ mình nhưng sau đó gỡ bỏ khi thấy nó không đáp ứng được kỳ vọng.
Thông điệp truyền thông trên ti vi cũng gây ra sự hiểu nhầm về mức độ ưu tiên của các hoạt động phòng dịch. Với cách thức hoạt động của Bluezone, khi người dùng nhận được thông báo về lịch sử tiếp xúc với người bệnh cũng là lúc người dùng đã thành “người nghi nhiễm”.
Theo ông Vũ Quốc Khánh – Phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – lợi ích đầu tiên của Bluezone là cho chính người dùng, tiếp đến là cho Nhà nước, để khoanh vùng đối tượng. Thực tế, lợi ích tự thân mà người dùng nhận được khi cài đặt ứng dụng này là không lớn. Ứng dụng chỉ giúp đội ngũ phòng, chống dịch khoanh vùng, truy vết và cách ly các đối tượng nhiễm một cách nhanh chóng, tiết kiệm nhất. Tức là, một người cài ứng dụng trước hết là vì cộng đồng, không phải vì bản thân. Truyền thông sai mục đích sử dụng sẽ khiến người dùng từ chối sử dụng trước khi họ nhận ra ích lợi thật sự của ứng dụng.
Việc VTV1 lúc 19g33 ngày 8/8 nói “người cài có thể được hệ thống bảo vệ” hay VTV24 trong chương trình thời sự lúc 17g54 ngày 10/8 cho rằng “phần mềm cảnh báo nguy cơ tiếp xúc gần” cũng không chính xác. Tôi nghĩ, nên sửa lại là: phần mềm chỉ thông báo rằng người dùng đã tiếp xúc với nguồn bệnh, từ đó sớm tự cách ly để bảo vệ người thân tốt hơn. Đành rằng khi tuyên truyền cần ngắn gọn, nhưng khi sự ngắn gọn gây ra nhầm lẫn thì phải sửa.
Với riêng tôi, phần mềm không thực hiện được đúng chức năng mà nó phải làm. Ngày 28/7, sau khi TP. Đà Nẵng tuyên bố cách ly, nhà cách Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chỉ 400m, tôi quyết định cài ứng dụng Bluezone lên điện thoại iPhone 6s của mình. Sau đó, vào ngày 1/8, tôi phải đi siêu thị Big C để mua thực phẩm. Trước khi đi, tôi cẩn thận kiểm tra, xác nhận rằng mình đã bật phần mềm để lưu lại lịch sử tiếp xúc.
Đến ngày 10/8, khi kiểm tra lại, toàn bộ lịch sử dữ liệu trên điện thoại đã biến mất. Khi cố gắng tìm lại các dữ liệu trong ứng dụng, tôi nhận thấy, không chỉ bản thân gặp phải trường hợp này mà còn nhiều người khác, nguyên nhân được cho là do khi cập nhật phiên bản mới, lịch sử dữ liệu đã tự xóa. Trong khi, tôi hoàn toàn không cập nhật ứng dụng kể từ khi cài đặt.
Ngoài ra, việc trả lời các câu hỏi từ người dùng của Bluezone cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Nếu như trên CH Play, thi thoảng còn có phản hồi thì bên kho App Store, hoàn toàn không có người tiếp nhận thông tin. Thậm chí, các phản hồi từ đơn vị sản xuất đều thuộc dạng trả lời tự động với mẫu câu có sẵn theo một số kịch bản cho trước và không giải đáp đúng điều được hỏi.
Các lỗi cài đặt và đăng nhập cũng góp phần vào việc ngán ngại của nhiều người đối với ứng dụng này.
Bluezone là một ứng dụng rất tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc hiểu sai cũng như các lỗi ứng dụng sẽ bào mòn sự kiên nhẫn của người dùng, thậm chí khiến người dùng từ chối cài đặt và sử dụng. Tôi cho rằng, đội ngũ lập trình Bluezone phải khắc phục các lỗi sớm nhất có thể, trước khi báo đài “hiệu đính” lại ý nghĩa sử dụng của ứng dụng. Khi đó, số người sử dụng mới tăng lên và ứng dụng hoạt động được đúng chức năng mong muốn khi được thiết kế. |
NGUỒN: Theo Báo Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Vì sao...