Dọn sạch ‘mảnh đất’ thể chế

THS  Nguyễn Quang Đồng/ Báo Tuổi Trẻ

—–

Xét cho cùng, xây dựng một hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế tiến bộ mới ngăn chặn được các hoạt động sân sau, còn gọi là các nhóm lợi ích, chia nhau miếng bánh tài nguyên của quốc gia. Hệ thống pháp luật và thể chế đó không cho phép bất cứ ai có cơ hội gây ra sai phạm, cho dù ai đó muốn lợi dụng quyền hạn để trục lợi cũng không thể được.

Không thể lấy niềm tin vào đạo đức cá nhân của cán bộ để bảo đảm cho một môi trường không tham nhũng, chỉ có hệ thống pháp luật văn minh và thể chế kinh tế minh bạch mới dưỡng nuôi được sự liêm chính.

Sự liêm chính của từng cán bộ công chức trong hệ thống chính quyền làm nên sự liêm chính chính trị cho cả hệ thống. Từ đó mới khai thác hết các nguồn lực quốc gia, phát triển nhanh, ổn định và bền vững.

Trần Quí Thanh

—–

Trước thập niên 2010, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo nỗi lo ảnh hưởng xấu lên chính sách, lên môi trường kinh doanh bình đẳng.

Còn thập niên vừa qua và hiện nay, một xu hướng đáng ngại nổi bật khác là “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”.

Quan chức tham nhũng cấu kết với doanh nghiệp “sân sau” bán rẻ hoặc rút ruột tài sản công, vừa làm thất thoát nghiêm trọng tài sản quốc gia vừa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Vụ án liên quan ông Nguyễn Thành Tài và bà Lê Thị Thanh Thúy là minh chứng mới nhất cho xu hướng đáng lo ngại đó, trước đó nữa là các vụ án liên quan Vũ “nhôm”, Út “trọc”, AVG – MobiFone, Nhật Cường…: quan chức cấu kết với các “doanh nghiệp sân sau” để bán rẻ tài sản nhà nước, đặc biệt là các khu đất “vàng”.

Nhà nước thất thoát khối lượng tài sản khổng lồ trị giá hàng chục nghìn tỉ là thiệt hại nhãn tiền ai cũng thấy rõ. Nhưng hệ quả lớn hơn, dài hạn, không đo đếm được cụ thể bằng con số là những hệ quả về mặt chính sách tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh, đến nền kinh tế.

Nguồn lực phát triển quốc gia dưới dạng tài nguyên, dưới dạng tài sản đất đai và tài sản tài chính, thông qua mối quan hệ thân hữu, đã bị phân bổ một cách méo mó cho những nhóm trục lợi, thay vì chảy vào những doanh nghiệp, những tổ chức có thể sử dụng chúng để tạo ra hiệu quả tối ưu.

Và nữa, các doanh nghiệp làm ăn chân chính – vốn dùng chất xám, công nghệ, năng lực và hiệu quả quản trị để cạnh tranh – bị chèn ép, bị bóp nghẹt bởi các “doanh nghiệp thân hữu”. Nền kinh tế đương nhiên không thể phát triển tối ưu trong một môi trường như vậy.

Vì vậy những động thái quyết liệt xử lý các quan chức tham nhũng và các “doanh nghiệp thân hữu” thời gian qua rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đó chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều kiện đủ là phải dọn sạch “mảnh đất” thể chế – vì những doanh nghiệp và cá nhân tìm cách trục lợi thể chế coi đó như “mảnh đất” món hời – là nơi nảy sinh và nuôi dưỡng những “con sâu” kể trên.

Những nỗ lực gần đây của Quốc hội và Chính phủ, từ những hành động rất cụ thể: quyết tâm khai tử hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) – mảnh đất màu mỡ của tham nhũng trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản; ứng dụng công nghệ để minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, đã đóng góp vào những thay đổi mang tính thể chế như vậy.

Tuy vậy, những cải cách căn bản hơn, thách thức hơn còn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cắt giảm các giấy phép con, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính; cải cách các chế định về quyền sở hữu tài sản, đặc biệt là tài sản đất đai…

Làm được như vậy, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu” mới hết sạch đất sống; niềm tin vào một nhà nước pháp quyền vững mạnh mới có thể được khôi phục và xây đắp cho dài lâu.

 

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Dọn sạch….

https://tuoitre.vn/don-sach-manh-dat-the-che-20200919100213725.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *