Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi chú Dr Thanh
Thưa chú, cho phép cháu được đi ngay vào vấn đề này ạ: Đội ngũ bán hàng luôn nảy sinh những mâu thuẫn ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết cũng như doanh số mà những người làm quản lý không thể không quan tâm. Nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào là một câu hỏi đau đầu với chúng cháu, những CEO trẻ có tuổi đời lẫn tuổi nghề. Mong chú có câu trả lời ạ.
Trân Trọng và biết ơn vì hàng ngày đọc blog của chú.
Kính
Lê Đức Chinh (Hải Phong): chinh_le_hp_ 2011@gmail.com
—–
Lê Đức Chinh mến!
Bất cứ một tổ chức nào cũng xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột. Ngay trong gia đình, chỉ có mấy anh em, nhưng đôi khi bất hòa. Cho nên, cháu đừng quá lo lắng khi thấy trong các bộ phận của công tu có nảy sinh mâu thuẫn.
Là CEO của doanh nghiệp, trước hết cháu phải bình tĩnh lắng nghe, quan sát, không vội kết luận. Sau khi tìm ra nguyên nhân, giống như bác sĩ chẩn đúng bệnh, thì mới đưa ra phương pháp trị liệu hiệu quả.
Có những mâu thuẫn do xích mích, hằn thù cá nhân. Trong trường hợp này, CEO đứng ra làm vai trò trung gian hòa giải. Bởi vì, hòa thuận, đoàn kết vì mục đích chung, vì lợi ích chung. Nếu ai chỉ nghĩ đến cá nhân, làm tổn hại đến không khí làm việc và lợi ích của doanh nghiệp thì xin mời nghỉ.
Còn xung đột vì khác về quan điểm, tranh cãi chỉ liên quan đến công việc là điều tốt. Cùng đưa ra những case study để tranh luận, bàn về phương pháp, biện pháp giải quyết là rất cần thiết, để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau tìm ra cái mới trong công việc. Những mâu thuẫn này không đáng lo, CEO chỉ can thiệp để đừng từ tranh luận công việc dẫn đến bất hòa cá nhân. Muốn được như vậy, cháu phải gặp gỡ, cùng tham gia các buổi họp chung khi cần thiết, và đưa ra kết luận, nhưng tôn trọng ý kiến của cả hai bên.
Cũng có trường hợp ganh tỵ, ganh ghét vì người này làm tốt, bán hàng doanh thu cao hơn người khác. Cháu phải thấy được đây cũng là lẽ thường tình của con người và tìm cách hóa giải cho những người có suy nghĩ tiêu cực.
Cháu là CEO, khi phát hiện ra những trường hợp ganh nhau như vậy, thì gặp riêng người làm chưa tốt, khuyên họ nên học hỏi để tiến bộ. Chưa làm được bằng người khác thì phải nỗ lực để làm cho bằng, nếu chỉ ngồi để ganh tỵ thì “mãi mãi là người đến sau”.
Thêm một việc quan trọng cháu cần lưu ý, đó là phải chú trọng đến công tác đào tạo sales. Những người giỏi được tưởng thưởng, được quý trọng và đề bạt lên những vị trí đúng với năng lực và cống hiến của họ. Từ vị trí “bề trên” đó, giao cho họ hướng dẫn, đào tạo sales trẻ, làm đội ngũ kế cận. Sales giỏi là nguồn tài nguyên của doanh nghiệp, cháu đừng để lãng phí.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh