Hà Linh/ Báo Tiền Phong
Mấy hôm nay theo dõi những tranh luận liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt 1, thấy rõ xã hội rất quan tâm đến giáo dục. Một cuốn sách giáo khoa được nhiều người lên tiếng, phân tích, phản biện, đó là điều rất tích cực.
Đã qua rồi cái thời giáo dục bị áp đặt, ngành giáo dục cho học sách nào thì cứ thế mà học, sai sót cũng chịu, độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa kéo dài làm trơ lì phản xạ phản biện của xã hội.
Thêm hơn một bộ sách giáo khoa là bước tiến của ngành giáo dục, bộ sách của nhóm Cánh Diều là một ví dụ. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn, đã có những sai sót đáng tiếc. Và theo tui, những ý kiến đóng góp nghiêm túc từ dư luận là rất có căn cứ, nên lắng nghe, tiếp thu.
Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo rà soát lại nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt 1 sau khi có ý kiến tranh luận, chỉ ra những sai sót. Nhưng tui băn khoăn hai điều sau:
Một là hội đồng nào sẽ rà soát, bởi vì nếu như hội đồng cũ đã từng thẩm định bộ sách này thì sẽ không đưa ra kết luận khách quan. Họ không thể phản đối lại chính họ. Hay nói cách khác là họ không thể chỉ ra sai sót của chính họ khi tham gia thẩm định lần trước.
Hai là sách đã xuất bản, đã phát hành, học sinh đã mua về học, đã và đang học, vậy thì sửa bằng cách gì?
Biên soạn sách giáo khoa để giáo dục nhiều thế hệ con người, là tương lai của đất nước, cho nên phải cẩn thận từng chữ một để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Trần Quí Thanh
—–
Khi dư luận phản ảnh những bất cập trong bộ sách SGK mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK Tiếng Việt 1. GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, cho biết sẽ tiếp thu và điều chỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều, thiết kế các bài học quá sức học sinh, dùng nhiều phương ngữ, có nhiều bài học không mang tính giáo dục. Bài tập đọc “Thỏ và Rùa” dùng “nhá cỏ, nhá dưa” thay vì “ăn cỏ, ăn dưa”. Bài “Mẹ con cá rô” dùng nhiều từ “chả” thay cho “không”, “chẳng”… Một số ý kiến cho rằng, có bài tập đọc dạy học sinh khôn lỏi, lười nhác.
Theo nhiều phụ huynh, nội dung các bài tập đọc là các câu chuyện nên trẻ nhớ rất lâu. Vì thế, với những bài có nội dung khó hiểu, không có ý nghĩa về mặt giáo dục, phụ huynh gặp khó khăn khi dạy cho trẻ ở nhà. “Chưa kể, kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam phong phú, tác giả viết sách nên ưu tiên sử dụng, thay vì các bài đọc phỏng theo các câu chuyện nước ngoài đòi hỏi người đọc phải tư duy”, chị Trần Thu Huyền, phụ huynh có con năm nay học lớp 1 ở Hà Nội, nói.
Sẽ tiếp thu, điều chỉnh
Trước sự phản ứng của dư luận những ngày qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Hội đồng thẩm định quốc gia rà soát lại SGK Tiếng Việt 1.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều, cho biết, các tác giả sẽ tiếp thu các ý kiến và có chỉnh sửa phù hợp. “Nguyên tắc khi làm ra một sản phẩm phục vụ xã hội mà có ý kiến thì mình phải điều chỉnh. Các tác giả sẽ lắng nghe góp ý của giáo viên, phụ huynh học sinh và người dân, đánh giá hiệu quả thực tế để điều chỉnh những gì chưa phù hợp”, ông Thuyết nói.
GS Thuyết cũng lý giải, sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu, học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc nên phải dùng một số từ như vậy. Ví dụ, dùng từ “nhá” thay vì “nhai” vì đến thời điểm có bài tập đọc này, học sinh chưa học đến vần “ai”. Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, ông nói.
Hoặc bài đầu, ý phủ định được thể hiện bằng từ “chả” thay cho từ “không”, “chẳng” vì đến giai đoạn này, học sinh chưa được học các vần “ông”, “ăng”.Về một số câu chuyện gây tranh cãi và cho rằng thiếu tính giáo dục như bài tập đọc “Hai con ngựa”, “Ve và gà”…, GS Thuyết khẳng định, sẽ sửa chi tiết cốt truyện để đảm bảo tính giáo dục cao hơn.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 năm nay, cho rằng, việc Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát lại SGK là hợp lý. “Theo công văn, sau khi rà soát chỗ nào sách không đáp ứng được sẽ phải sửa. Sắp tới, Hội đồng thẩm định sẽ làm việc.Thời điểm này, Hội đồng thẩm định chưa tổ chức họp nên chưa có đánh giá cụ thể”, ông nói. Theo GS Sử, trong quá trình thẩm định, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng từng góp ý, đề nghị tác giả điều chỉnh những vấn đề như dư luận nêu. Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm của mình.
NGUỒN: Theo Báo Tiền Phong
Link bài: ‘ San’ trong….
https://www.tienphong.vn/giao-duc/san-trong-sgk-tieng-viet-1-hoi-dong-tham-dinh-o-dau-1734410.tpo