Thùy Linh theo Brightside/ Báo VnExpress
Đôi khi chính những suy nghĩ của chúng ta có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, lòng tự trọng của chúng ta. Dưới đây là những kiểu suy nghĩ độc hại như vậy, mà tốt nhất là chúng ta nên tránh.
Suy nghĩ cực đoan. Suy nghĩ theo hướng cực đoan là loại tư duy “hoặc là tất cả, hoặc là chẳng có gì”. Theo lối suy nghĩ này, bạn cảm thấy rằng mình cần phải trở nên hoàn hảo, bạn phải thành công, nếu không thì sẽ là kẻ thất bại. Ví dụ, ở nhà, bạn phải là người mẹ hoàn hảo, người vợ tuyệt vời, và nếu như bạn không đạt được điều đó, bạn bắt đầu cảm thấy day dứt, tội lỗi, thất vọng về bản thân.
Nên cho phép bản thân trở nên không hoàn hảo, bắt đầu bằng việc đừng tư duy tiêu cực. Ví dụ, nếu như bạn đang nhảy và nhiều người nhìn mình, đừng nghĩ rằng: “Ôi mình nhảy chả ra gì, trông mình thật ngu ngốc”. Thay vào đó, hãy nghĩ: “Mình thích khiêu vũ, mình muốn tận hưởng những phút giây thú vị này, mọi người nghĩ gì thì mặc họ”.
Đánh đồng mọi thứ.
Một vài kết quả tiêu cực có thể khiến bạn nghĩ rằng tất cả mọi thứ sẽ tồi tệ như vậy. Ví dụ, nếu bạn không nhận được lời mời phỏng vấn đi làm, bạn nghĩ: “Tôi là kẻ thất bại, không kiếm nổi việc làm”.
Thay vì những suy nghĩ ấy, hãy cố gắng nhìn nhận bản thân lẫn thế giới xung quanh một cách thực tế hơn. Cần phải chấp nhận rằng những thất bại không phải sinh ra dành cho bạn. Mỗi kỹ năng bạn có đều có giá trị riêng, và bạn là một người có giá trị, bất chấp những lời từ chối đó.
Không dám nhận lời khen.
Khi nhận được khen ngợi, bạn nói rằng mình không đủ xứng đáng, hoặc “Ai cũng có thể đạt được điều đó”. Khi bạn có ý nghĩ này, bạn thực sự củng cố niềm tin rằng mình không đáng được khen. Hãy thay đổi bằng cách học các chấp nhận những phản hồi tích cực và đừng đánh giá thấp giá trị bản thân. Hãy tin tưởng rằng đối phương khen bạn thật lòng và suy nghĩ tích cực về điều đó.
Để cảm xúc kiểm soát mọi quyết định.
Đưa ra mọi kết luận dựa trên cảm xúc của mình là một cách làm sai lầm, vì nó ngăn bạn làm những gì bản thân muốn để đạt được mục tiêu. Ví dụ, bạn muốn bắt đầu kinh doanh, nhưng lại sợ không thành công, thậm chí choáng ngợp với quá trình đó. Tuy nhiên, thực tế thì thực tế chưa chắc đã tệ như bạn nghĩ. Nếu bạn có suy nghĩ tiêu cực ngay từ đầu, tức là bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thất bại. Quan trọng là loại bỏ những lo lắng đó, đối mặt với nỗi sợ hãi và suy nghĩ tích cực hơn về khả năng của bản thân lẫn tình hình hiện tại.
Tự trách mình.
Mỗi chúng ta đều muốn kiểm soát được những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bản thân, vì vậy, khi một việc gì đó không diễn ra theo cách chúng ta mong đợi, chúng ta có thể tự trách mình, ngay cả khi chúng ta không buộc phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, nếu con bạn bị điểm kém ở trường, bạn lập tức nghĩ rằng mình là một phụ huynh tệ. Thay vì tự trách móc, dằn vặt bản thân và nghĩ rằng đó là lỗi của bạn, tại sao không hiểu rằng có những thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn chứ?
Đặt mục tiêu thiếu thực tế.
Đôi khi, trong một số tình huống, chúng ta ép bản thân phải thế này, phải thế kia, và khi không đạt được điều đó, bạn coi như mình thất bại. Trên thực tế, hành vi này hoàn toàn không tốt chút nào. Thay vì suy nghĩ như vậy, tại sao bạn không sử dụng cụm từ “có thể”, ví dụ “Tôi có thể tập bài tập này 5 buổi mỗi tuần”, như thế bạn sẽ không bị bó buộc trong chính những hành động của mình, đồng thời tự do hơn để lựa chọn những gì mà mình muốn làm. Như thế, bạn sẽ không phải dằn vặt bản thân nếu quyết định không đi tập một ngày.
Suy diễn.
Đừng quên rằng bạn không bao giờ có thể thực sự biết người khác nghĩ gì. Đôi khi bạn đưa ra những giả định về những gì mà người khác đang nghĩ, dựa trên những lo lắng, bất an của riêng bạn.
Đừng để sự lo lắng kiểm soát cách bạn suy nghĩ, cảm nhận. Khi bạn thấy bộ não của mình đang thực hiện một thao tác đọc suy nghĩ, hãy dừng ngay lại và tưởng tượng mọi thứ theo kịch bản tốt hơn.
NGUỒN: Theo Báo VnExpress
Link bài: 7 suy nghĩ….
https://vnexpress.net/7-suy-