Từ thiện và phẩm giá của người nghèo

Khải Đơn/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Các đoàn từ thiện mang theo nhu yếu phẩm về các xã rốn lũ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh sau lũ
——
 

Những đoàn xe cứu trợ bà con vùng thiên tai từ Nam ra các tỉnh miền Trung cho thấy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt chưa bao giờ mai một. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trước Quốc hội ngày 9.11: “Có đất nước nào lũ lụt dịch bệnh mà người dân thương nhau đến như vậy?”

Nhiều doanh nghiệp bị “thất điên bát đảo” vì dịch COVID-19, tiếp đến là bão lũ kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn, nhưng vẫn đóng góp rất lớn để cứu trợ đồng bào bị thiên tai.

Nhưng trong viên ngọc đẹp vẫn còn có những tì vết, một số người đi cứu trợ như ban phát cho người nghèo, thiếu sự tôn trọng bà con, đó là điều cần phải điều chỉnh.

Bà con vượt đường xa, đến điểm nhận cứu trợ, lại bắt phải chờ đợi quá lâu, đó là không thương bà con. Họ cũng cần có thời gian để làm việc, để lo gia đình, đặc biệt là sau bão lũ, cần phải chia sẻ điều đó.

Bắt bà con ôm quà, quay phim, chụp ảnh để tô vẽ cho mình là không nên. Có thể cần một vài tấm ảnh để lưu giữ, báo cáo với nhà tài trợ, nhưng không nên “hành hạ” bà con quá nhiều vì khoản này.

Có quà nhiều nhưng chưa chắc có tấm lòng. Quay mình trao quà thật đẹp, nhưng “đặc tả” những gương mặt người nghèo tội nghiêp như diễn viên cho cái sân khấu của mình thì thật không nên. Bà con bị thiên tai gây tổn thất về vật chất, hãy dừng gây thêm tổn thương về tinh thần cho họ nữa.

Hãy tặng một món quà nhỏ bằng cả sự tôn trọng, cảm thông và an ủi.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm chi em biết không, để gió cuốn đi”, Trịnh Công Sơn đã nói như vậy.

Trần Quí Thanh

—–

Cho đi là hành động không dễ dàng, bởi nó luôn nằm ở lằn ranh của sự cao ngạo và cảm thông, giữa sự coi thường và tôn trọng.

“Em đừng nghĩ đưa quà vô tay người ta là xong. Phần quà như vậy, mình cho được thì người khác cũng cho được. Em đến đây để kết nối với người khác. Hãy nhìn vào mắt họ để hiểu họ cần gì. Có khi bà mẹ mà em vừa gặp chỉ cần được lắng nghe câu chuyện đau lòng của họ thôi”. 

Anh Châu Thành Toàn – Trưởng nhóm tình nguyện SV07, vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam – nhắc từng người trong chúng tôi như vậy mỗi khi vào thăm những gia đình đang có bạn trẻ điều trị ung thư. Quà là viện phí, thực phẩm, vật dụng y tế… nhưng trên tất cả, nó là cơ hội để bọn trẻ chúng tôi học cách tôn trọng người đối diện mình và chia sẻ về sự vật lộn với đời sống mà cả hai bên đều đối mặt.

Có mùa bão tới, khi chuẩn bị quà đi cứu trợ, anh nhìn số tiền và vật phẩm rồi lắc đầu: “Em tưởng tượng nhé, mình đi tới đó, đường lở, bà con sẽ phải tìm cách ra gặp mình rồi chuyển hàng vô. Mình phải có những hàng gì họ cần nhất lúc đó, dễ vận chuyển nhất, và đừng lợi dụng sức lao động của người khác. Đừng nghĩ họ nghèo mà coi thường thời gian của họ”. 

Đúng vậy. Đừng nghĩ ta đem theo chút đồng tiền và buộc người nghèo phải “trả công” bằng những video quay tới quay lui, trao đi trao lại cho lọt khung hình tài trợ. Thiên tai và vất vả buộc người nghèo phải vượt một quãng đường đến nhận cứu trợ. Hành trình đó không phải khoái cảm cần tập trung chi tiết trước ống kính truyền hình. Trước ống kính, người mẹ nghèo cụp mắt ngại ngùng. Nhà đài cứ gí máy quay tới quay lui đôi dép rách lấm bùn của bà. 
Trò vui từ thiện dễ mua sự hào phóng. Clip càng giật gấu vá vai, càng khốn nghèo đau đớn thì tiền và quà càng hào phóng băng băng đổ tới. Phẩm giá người nhận quà bị mài giũa tơi tả giữa vô số chiếc điện thoại livestream và những người trong ban tổ chức xăm xăm hỏi “cô ơi, nhà cô sập cỡ nào”, “chú ơi, ở đây mình tốc hết tôn chưa chú”. 

 

Giữa cơn sóng trào thiện nguyện đó, ai lỡ đeo vàng, sơn móng tay đưa tay nhận quà bỗng trở thành vai ác. Không có nhà từ thiện nào tin phụ nữ sơn móng tay nghèo, dù họ biết một bộ móng tay ở quê sơn chỉ hết 15.000 đồng. Chiếc vòng vàng lấp lánh trên tay có khi chỉ vài phân vàng mà bà mẹ mua được sau đám cưới con gái năm trước. Nhưng người ta không ưa cảnh đó. Sự ban phát không gặp được khung hình tương phản đủ kịch tính, không đủ mua nước mắt thường dễ bị dân mạng soi mói, bàn tán ác độc và biết đâu vu cáo nhà từ thiện lừa bịp. 

Nhà từ thiện cần sự bi ai, đủ kịch tính để tiền tiêu xứng đáng, khiến Mạnh Thường Quân ở nhà tin tưởng. Vậy mới thành công. Người nghèo chỉ là nhân vật phụ trên sân khấu đó. 

Một đoàn từ thiện về trao quà cho người dân miền Trung vừa qua – Ảnh: Trường Nguyên

Dư luận vẫn xuê xoa bảo tặng quà người nghèo mà, tặng họ một phần quà vài trăm ngàn cũng là đáng quý, có giá trị lớn rồi. Thiên tai bão lụt nữa thì của một đồng công một nén, càng đáng quý biết bao. Đúng là giữa thiên tai, với người nghèo, tiền nào cũng lớn, để sửa sang nhà cửa, mua thực phẩm, trang trải việc mất mùa, mất gia súc. Nhưng để nhận được số tiền từ thiện đó, bà lão nông dân phải đứng chờ mòn mỏi nửa ngày. Bà phải băng qua nước lụt, đường lở tới chỗ nhận quà, rồi trở thành nhân vật phụ trong các đoạn livestream. Bà có thể được nhờ diễn tới lui một cảnh tặng quà để quay cho có hình đẹp. 

Khoảnh khắc đó, nhân vật trung tâm không phải là người nghèo mà là một khung cảnh đủ kiệt cùng để thỏa mãn nhu cầu “đúng đối tượng” của nhà hảo tâm. 

Hãy tưởng tượng những người dân bận rộn ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tạm gác việc nhà theo yêu cầu điều động ra UBND xã nhận quà từ thiện. Đoàn từ thiện đi vào, thấy đường sá sạch đẹp quá thì quay xe rời đi. Người dân mất một buổi làm việc để chờ đợi lòng thiện không trọn vẹn. Họ ra về, đeo thêm ức giận giữa những ngày khó khăn do thiên tai. 

Nhà từ thiện không ban phát ơn huệ miễn phí. Họ dùng vật phẩm để mưu cầu sự trọn vẹn tâm hồn và nhu cầu chia sẻ với người yếu thế. Nhưng cho đi là hành động không dễ dàng, bởi nó luôn nằm ở lằn ranh của sự cao ngạo và cảm thông, giữa sự coi thường và tôn trọng. Nó giúp hàn gắn tổn thương cho người khó và làm trái tim người cho đầy tròn. Nhưng nó cũng có thể đẩy sự tủi nhục lên cao và hạ thấp phẩm giá người khác xuống bùn lầy khốn khó. 

Nên, nếu đủ từ tâm làm từ thiện, sá gì thêm chút công nhìn sâu vào mắt người như những tâm hồn muốn hiểu nhau hơn chứ không phải vì sơn móng tay hay vòng vàng định kiến. 

Thiên tai qua rồi, người còn ở lại là tin mừng của nhau, còn gì!

 

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Từ thiện…
https://www.phunuonline.com.vn/tu-thien-va-pham-gia-cua-nguoi-ngheo-a1421220.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *