Hoàng Trí Dũng/ Báo Tuổi Trẻ
Xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn nhanh, hiệu quả lúc này chính là mệnh lệnh phát triển.
Hôm 9-11, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho Đồng bằng sông Cửu Long 2 tỉ USD (tương đương 46.000 tỉ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho hay giai đoạn 2021 – 2025 khu vực này cũng sẽ có thêm ít nhất 300km đường cao tốc…
Những thông tin lạc quan liên quan các quyết sách của Chính phủ tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông đang mang đến kỳ vọng cho hơn 20 triệu người dân vùng châu thổ này.
Đón nhận thông tin trên, người dân miền Tây đặt nhiều kỳ vọng, bởi rồi đây, khi các dự án hoàn thành sẽ thoát cảnh mướt mồ hôi, chen chúc nhau “bò” trên quốc lộ 1 độc đạo lên TP.HCM mưu sinh.
Niềm vui đang hiện rõ hơn khi sau thời gian dài trắc trở, nhiều dự án giao thông trọng điểm của vùng đang vào giai đoạn nước rút để sớm hoàn thành như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã thảm nhựa; cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Giá đã thông xe kỹ thuật để hoạt động trước Tết Nguyên đán 2020; tháng 12-2020 dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23km cũng sẽ khởi công…
Đến năm 2023 tuyến cao tốc xương sống từ TP.HCM sẽ nối tới Cần Thơ. Đồng thời cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài hơn 130km, vốn đầu tư hơn 47.000 tỉ đồng cũng xây dựng giai đoạn 2021 – 2025…
Mừng vì với một loạt dự án trên hình thành trục dọc, trục ngang xương sống giao thông toàn vùng sẽ được kết nối thông suốt, nhưng cũng chưa hết lo. Bởi thực tế lâu nay cho thấy ba nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ và đầu tư không đồng bộ cứ lặp đi lặp lại ở đồng bằng.
Hơn 10 năm qua, công trình cao tốc huyết mạch của miền Tây nối cửa ngõ phía tây là Trung Lương – Mỹ Thuận gặp trắc trở khi phải mất hơn 10 năm với ba lần khởi công rồi đình hoãn rồi thi công lại. Thủ tướng đã phải không dưới 3 lần đích thân đến hiện trường đốc thúc dự án mới được khai thông.
Chưa kể một loạt nỗi lo khác xung quanh khoản vốn tăng thêm 2 tỉ USD cho miền Tây cần có câu trả lời sớm. Do đây là nguồn vốn ODA, nhưng trong bối cảnh nợ công đang căng thẳng, Chính phủ đang thắt chặt chi tiêu thì bao giờ nguồn tài chính được phân bổ đến các địa phương, rồi bao giờ dự án sẽ được khởi công xây dựng, khi nào hoàn thành trong khi nhu cầu giao thông đi lại không thể chậm hơn.
Đầu tư hạ tầng giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long để xóa tình trạng “đói” đường cao tốc, “khát” đường giao thông thời gian dài là hợp lý, cấp bách. Tuy nhiên xác định đúng nhu cầu bức xúc, nhận diện điểm nghẽn giao thông là quan trọng, nhưng quyết tâm và giải pháp khả thi để tháo điểm nghẽn nhanh, hiệu quả lúc này chính là mệnh lệnh phát triển.
Phải tìm ra lời giải cho bài toán khó bằng huy động vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên, bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và kết nối các phương thức giao thông. Giải sớm được các vấn đề này mới khơi thông được “mạch máu” phát triển đồng bằng trong giai đoạn mới.
Và để các dự án giao thông sớm triển khai, các tỉnh trong vùng cũng cần nâng cao vai trò trách nhiệm cùng với ngành giao thông đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng; ngay từ bây giờ phải tính toán nhanh việc đầu tư, ưu tiên các tuyến giao thông kết nối cao tốc, tránh tình trạng khi cao tốc đưa vào sử dụng mà chưa có đường kết nối gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Cơ hội mở ra nhiều kỳ vọng để vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản lớn nhất nước này đóng góp nhiều hơn nữa và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Cơ hội này bắt đầu từ giao thông được mở. Chưa giải quyết được những điều trên thì vùng trọng điểm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vẫn mãi ì ạch như bấy lâu nay.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Khơi thông…
https://tuoitre.vn/khoi-thong-