Làm gì để vượt qua khủng hoảng?

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Baodautu.vn

—–

Kính gửi chú Dr Thanh!

Thưa chú, cháu cùng lứa với Uyên Phương, Ngọc Bích, nay làm CEO nho nhỏ trong Thanh phố mình. Cháu thường xuyên vào trang web của chú để học hỏi và học hỏi được rất nhiều. Cảm ơn chú nhiều lắm.

Chú đã nói nhiều về giải quyết khủng hoảng nhưng cháu muốn nghe chú nói nhiều nữa. Và nếu có những nguyên tắc giải quyết khủng hoảng cho một doanh nghiệp, nhất là khủng hoảng Covid- 19, thì xin chú cho biết ạ.

Mong chú vui khoẻ nhiều ạ.

Lê Thị Loan (Sài Gòn): loanmini_1982@gmail.com

—–

Lê Thị Loan mến!

Khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần một, chú đã có nhiều bài trả lời các bạn trẻ về giải quyết khủng hoảng, nay chú trao đổi thêm với cháu nhé.

Đã làm doanh nghiệp thì luôn phải đối mặt với khủng hoảng và phải xem việc giải quyết khủng hoảng là một phần công việc của mình. Không có khủng hoảng nào giống khủng hoảng nào, cho nên cháu phân loại cụ thể ở đây thuộc loại dịch bệnh là chính xác.

Khủng hoảng do Covid-19 khác với các khủng hoảng khác, vì nó mang tính toàn cầu, cho nên sự ảnh hưởng có nó thuộc phạm vi rộng. Ví dụ, cho dù Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, nhưng ngành du lịch vẫn tổn thất nặng nề với con số 23 tỉ USD năm 2020, vì mất 80% khách du lịch quốc tế. Vietnam Airlines thua lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng và năm tới dự đoán cũng có mức lỗ tương đương, bởi vì các tuyến bay của Vietnam Airlines chủ yếu là khai thác quốc tế.

Nói rộng ra một chút như vậy, để cháu thấy phải đặt doanh nghiệp của mình thuộc nhóm nào. Có doanh nghiệp lại có được lợi thế trong đại dịch, ví dụ như một số doanh nghiệp may mặc chớp cơ hội sản xuất và xuất khẩu khẩu trang và găng tay y tế. Họ trúng đậm đó cháu.

Vậy thì, trước hết cháu phải bình tĩnh đánh giá các ưu, nhược điểm của doanh nghiệp mình trước đại dịch. Phạm vi kinh doanh của cháu chỉ trong nước hay mở rộng thị trường quốc tế, nguyên liệu trong nước hay nhập từ nước ngoài. Chú lưu ý với cháu, sự tự tin, bình tĩnh, quyết đoán của lãnh đạo là sức mạnh để vượt qua khủng hoảng.

Tùy theo thực tế của doanh nghiệp để giải quyết, ví dụ nếu bị cắt đứt kênh nguyên liệu thì phải tìm đường cung cấp khác, hoặc phải thu hẹp sản xuất để chờ qua khủng hoảng. Trong lúc thị trường bị thu hẹp, phải tập trung sản phẩm mạnh nhất, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh ưu thế nhất, giữ chắc như xây một công sự, sau đó mới tính đến “tấn công” mở rộng thị trường.

Trong tình hình đại dịch, đương nhiên phải tiết kiệm chi phí, cắt giảm nhân công, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động chi tiêu. Doanh nghiệp phải sống sót thì mới có việc làm cho người lao động. Tạm thời cắt giảm, sau khi vượt qua khủng hoảng, sẽ tái tuyển dụng.

Chú cung cấp thêm thông tin cho cháu, trong đại dịch này, rất nhiều công ty ở Mỹ, châu Âu bỏ luôn văn phòng, chuyển sang làm việc online để tiết kiệm chi phí.

Để cắt giảm nhân lực và tiết kiệm chi phí trong quản trị điều hành và sản xuất, thì phải ứng dụng công nghệ, số hóa, đây là cơ hội để cải cách. Đến thời này, nếu như doanh nghiệp còn loay hoay trong cái mớ thủ công, thì không thể nào tồn tại, nói chi tới phát triển.

Vậy cháu nhé, có gì cứ meo cho chú.

 

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *