Để học trò uất ức tự tử là lỗi của người thầy

Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động

Ảnh minh họa: Sở GDĐT An Giang

Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang là tiếng chuông cảnh báo về môi trường sư phạm hiện nay.

Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh An Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) vì có nhiều sai sót trong việc kỷ luật học sinh, liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 nghi tự tử tại trường.

Quyết định của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh An Giang rất thuyết phục, và sau khi làm rõ các sai phạm tại Trường THPT Vĩnh Xương, có thể Sở sẽ đưa ra quyết định xử lý ở mức cao hơn.

Thầy cô giáo đã cư xử với học sinh, cụ thể ở đây là nữ sinh Y theo kiểu đấu tố. Chưa cần nói đến em Y đã làm sai những gì, nhưng hình thức nêu tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ là một sự sỉ nhục, thậm chí là khủng bố tinh thần của người bị nêu tên. Và điều này là không đúng với quy định của ngành giáo dục.

Một em học sinh lớp 10, đã có đầy đủ nhận thức về hành vi của mình, về lòng tự trọng, về danh dự, về nhân phẩm, cho nên việc bêu rếu dưới cờ là sự tổn thương ghê gớm.

Trong thư “tuyệt mệnh” được cho là của em Y, em đã cho rằng mình thất vọng vì bị Ban giám hiệu, cô chủ nhiệm xử lý kỷ luật nặng, bị bêu tên trước cờ, muốn dùng cái chết để các giáo viên đối xử tốt với các bạn học sinh khác.

Một việc khác cần phải điều tra, xác minh và xử lý, đó là cô giáo chủ nhiệm lớp 10A4 của nữ sinh Y đưa thông tin nữ sinh y tự tử lên mạng xã hội, bàn theo hướng đổ tội cho em Y. Đúng ra, khi hay tin em Y tự tử, cô giáo phải lo lắng, phải tìm cách ngăn chặn mọi sự có thể diễn biến xấu hơn, phải tìm cách an ủi học trò của mình và gia đình của em Y, đó mới là người có lương tâm nghề nghiệp.

Là cô giáo, dạy dỗ và yêu thương học trò ngay cả khi các em có lỗi lầm. Và với người có trách nhiệm, khi thấy một học sinh chưa ngoan, thì xem đó là mình chưa làm xong bổn phận. Thầy cô giáo không thể đi đôi co, đổ trách nhiệm cho học trò của mình.

Chúng ta không ủng hộ cách phản ứng tiêu cực của nữ sinh Y, nhưng chúng ta không chấp nhận những hành xử thiếu đạo đức và vi phạm quy định ngành của lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Vĩnh Xương đối với em Y.

Với cách đưa học sinh ra đấu tố dưới cờ, cho dù không uất ức đến mức tự tử, thì học sinh có thể bỏ học hoặc bị trầm cảm dẫn đến có những phản ứng tiêu cực, chưa kể để lại những tổn thương tâm lý lâu dài.

 

NGUỒN: Theo Báo Lao Động

Link bài: Để học trò…

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-hoc-tro-uat-uc-tu-tu-la-loi-cua-nguoi-thay-860291.ldo

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *