Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác Dr Thanh,
Cháu đã gửi thư cho bác từ 2017 và đã được bác trả lời, hổng biết bác còn nhớ không?
Nay cháu lại viết thư cho bác.
Như cháu đã nói ở thư trước, cháu là CEO nho nhỏ ở Hậu Giang. Cháu làm CEO gần 4 năm. Một hôm ba cháu đột ngột hỏi: Mày có biết đức tính cần thiết nhất của một CEO là gì không? Cháu bỗng ngẩn tò tè bác ạ. Hi hi. Dạ cháu muốn bác trả lời giùm câu hỏi này, được không ạ?
Kính chúc bác muôn vàn mạnh giỏi
Nguyễn Bá (Hậu Giang): uocmo2000@gmail.com
—–
Nguyễn Bá mến!
Câu hỏi của ba cháu tưởng như đơn giản nhưng không dễ trả lời đâu, cho nên cháu “ngẩn tò te” là phải rồi.
Đối với một CEO hay người lãnh đạo một tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cần rất nhiều đức tính, nhưng nếu kể ra cho đầy đủ thì cả trang giấy.
Vấn đề là ở chỗ, chỉ ra đức tính khái quát nhất, cốt lõi nhất, đó mới là điều khó.
Theo kinh nghiệm của cả đời người làm ông chủ doanh nghiệp của bác, đã nhiều thành công và cũng không thiếu những sai lầm, bác đúc kết rằng, hai đức tính cần thiết nhất của một CEO là “biết lắng nghe” và “công bằng”.
Biết lắng nghe là điều rất khó, bởi vì đa số người thành đạt, có địa vị cao hơn người khác thì rất khó lắng nghe. Chưa kể độc tài, độc đoán, tự cho rằng không ai bằng mình, chỉ mình mới là người thông mình, tài giỏi. Trên thực tế, có rất nhiều người thành công là bắt đầu hư hỏng, tự cao tự đại, cho nên bạn bè, cấp dưới xa rời, từ đó họ đi đến thất bại.
Biết lắng nghe bắt đầu từ đức khiêm tốn, người không khiêm tốn không lắng nghe ai. Người biết lắng nghe là người tự cho mình còn nhiều thiếu sót, khiếm khuyết, khiêm nhường cầu thị. Người biết lắng nghe luôn thu hút được nhiều người đến với mình, đóng góp ý kiến và sẵn sàng chia sẻ, tập hợp được sức mạnh tập thể chính là ở chỗ này đây.
Biết lắng nghe chính là tôn trọng người khác, kể cả nhân viên, thuộc cấp của mình. Người biết tôn trọng người khác là người có văn hóa, có đạo đức và có cái tâm tốt lành. Đây chính là gốc rễ, là nền tảng để xây nên mọi thứ.
Làm người đứng đầu, CEO của một doanh nghiệp, thì công bằng là đức tính phải có. Nếu như yêu ghét theo cảm xúc, thưởng phạt theo cảm tính thì sẽ không có ai phục.
Trong quan hệ, bất cứ ai cũng có thể thích người này hơn người khác, thân người này hơn người kia, đó là lẽ thường tình. Nhưng trong công việc, sự đánh giá năng lực, hiệu quả của nhân viên và thuộc cấp phải tuyệt đối công bằng. Nếu không công bằng thì trước sau cũng loạn.
Vậy nhé cháu, có gì cần cứ gửi thư cho bác.
Trần Quí Thanh