Văn Ly/ Báo TBKTSG
Các kết quả khảo sát điều tra cũng như thực tế kinh doanh của doanh nghiệp sau những tác động nặng nề của Covid-19 cho thấy số hóa là giải pháp cấp thiết. Để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống số của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động của chính mình.
Đây là những nội dung chính ghi nhận tại diễn đàn “Tiêu dùng Việt Nam 2020: Thế giới mới và Xu hướng tiêu dùng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức vào chiều 12-12 tại Hà Nội.
Thích ứng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng
Tại diễn đàn, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, theo số liệu điều tra của hãng thì Covid-19 mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử vì người dân mua sắm qua mạng nhiều hơn. Thương mại điện tử tăng nhanh trong những năm gần đây và còn sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Bà Hà nhận định cuộc sống mới sau dịch sẽ là cuộc sống số. Bởi số liệu điều tra cho thấy có đến 64% người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục mua thực phẩm qua mạng sau dịch bệnh Covid-19. Có 63% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục mua sắm qua mạng sau dịch.
Trong phần trình bày của mình, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch công ty viễn thông FPT Telecom cho biết, hành vi mua sắm tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi sau giai đoạn bùng phát dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có những giải pháp thích ứng với sự thay đổi này để duy trì kinh doanh và tồn tại. Sử dụng các giải pháp công nghệ, số hóa là cách thức mà các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh để thích nghi, tồn tại và phát triển.
Nhấn mạnh vai trò của số hóa trong sự phát triển của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Covid-19 đã cho doanh nghiệp thấy vai trò của số hóa, buộc phải sử dụng các giải pháp công nghệ để làm việc, bán hàng… Ông Lộc khẳng định số hóa là không khác gì “đôi cánh” của doanh nghiệp trong một nền kinh tế đang có những thay đổi nhanh chóng.
Những câu chuyện thực tế
Tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, trước đại dịch Covid-19, nhiều khách hàng chưa bao giờ sử dụng dịch vụ ngân hàng hay thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm thay đổi điều đó, đã có nhiều khách hàng đã tham gia dịch vụ thanh toán trực tuyến hơn khi giãn cách xã hội. Ông Minh cũng dự báo, ngay cả khi có vaccine ngừa Covid-19, xã hội quay trở lại giai đoạn bình thường mới thì lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử vẫn sẽ tăng lên rất nhiều, do thói quen đã hình thành trong giai đoạn dịch bệnh.
Ông Minh cho rằng trong và sau khi dịch Covid-19 diễn ra là cơ hội để tận dụng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thời gian tới, Napas sẽ tiếp tục triển khai chương trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi thẻ công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip, phát triển hệ sinh thái thanh toán thẻ, xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia. Đồng thời, đưa ra các chương trình có thể phát triển dịch vụ thanh toán tiện lợi cho khách hàng như nghiên cứu thanh toán sử dụng khuôn mặt. Khách hàng khi thanh toán điện tử có thể không cần thẻ mà chỉ cần dùng khuôn mặt và một vài yếu tố xác thực khác để hoàn tất giao dịch thanh toán.
Cũng tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, Giám đốc Tiếp thị (Marketing) của sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam, cho biết nhận thấy giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn, Lazada đã tăng cường đầu tư để doanh nghiệp mở gian hàng nhanh chóng hiệu quả, hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các nhà bán hàng hai tuần đầu tiên trên Lazada…
Lazada còn có những sáng kiến mới để đối phó với Covid-19 như Tổ giao hàng thông minh, hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng, ví điện tử để thúc đẩy khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt… Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp mở gian hàng mới trên Lazada trong 5 tháng đầu năm 2020 là 110.000. Doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp cũng tăng trưởng vượt bậc.
Bà Hà còn cho biết: “Mặc dù vẫn đối diện với khó khăn do Covid-19 gây ra, nhưng trong ngày 12-12, ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm của Lazada, kết quả kinh doanh 2 tiếng đầu cho thấy mức độ tăng trưởng số người mua, đơn hàng mua gấp đôi so với năm 2019. Trước đây các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nghĩ qua thương mại điện tử có thể duy trì doanh thu, thậm chí doanh thu trong một ngày tăng rất nhiều lần so với doanh thu của vài tháng.”
Còn ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay bất động sản là một trong những ngành nghề bị tác động lớn do Covid-19 khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý thăm dò và chờ đợi bắt đáy thị trường. Tuy nhiên, nhu cầu ở thực vẫn rất lớn.
Theo ông Khang, Covid-19 đã tác động, làm thay đổi ba vấn đề chính đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Thứ nhất, trong giai đoạn Covid-19, việc ra quyết định của lãnh đạo áp lực thời gian nhanh chóng và ngay tức thì, động lực áp dụng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ nhanh hơn.
Thứ hai, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh môi trường làm việc, phương thức làm việc. Trong thời kỳ giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải có phương thức làm việc mới thích nghi. Đối với doanh nghiệp, quản lý động lực làm việc rất quan trọng. Giai đoạn Covid-19 lao động làm việc vất vả hơn rất nhiều trong giai đoạn bình thường.
Thứ ba, doanh nghiệp cần phải có những biện pháp thích ứng trong ngắn hạn làm sao không ảnh hưởng đến chiến lược dài hạn, nếu thay đổi quá nhiều thì khi điều kiện bình thường quay lại, lại phải mất một lần nữa chuyển đổi để thích nghi.
Ông Khang cho hay Hưng Thịnh đã chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian gần đây với đầu tư công nghệ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Bên cạnh đó doanh nghiệp này còn hoàn thiện hệ sinh thái về sản xuất kinh doanh, đầu tư, thiết kế, xây dựng kinh doanh và quản lý, chủ động cắt giảm chi phí…Công ty cũng kịp thời điều chỉnh chiến lược khách hàng là trọng tâm, chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm giá thành đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả phù hợp. Với đối tác, công ty đưa ra các phương thức hợp tác phù hợp để cùng chiến thắng trong giai đoạn khó khăn…
Nhờ thích ứng và thay đổi kịp thời trong tình hình mới, ông Khang cho biết doanh thu 9 tháng của Hưng Thịnh đã vượt kế hoạch cả năm. “Trong nguy luôn có cơ, linh động điều hành thích ứng sẽ biến khó khăn thành cơ hội lớn”, ông Khang nhấn mạnh.
Là một doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho hay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giao dịch với khách hàng bị gián đoạn. Trong khi nhu cầu tích trữ lương thực của người dân gia tăng, doanh nghiệp đã áp dụng dịch vụ số, đặt hàng, thanh toán trực tuyến.
Thông qua phần mềm trên điện thoại di động, Tân Long cho phép khách hàng có thể đặt gạo. Qua đó công ty cũng có thể giao tiếp với khách hàng cũng như các nhà phân phối, từ đó hình thành thói quen sử dụng phần mềm này thường xuyên cho khách hàng.
“Trong thách thức luôn có cơ hội lớn. Tại thời điểm dịch bệnh, qua phần mềm đặt hàng mà Tập đoàn Tân Long cháy hàng. Tập đoàn Tân Long xem chuyển đổi số là chiến lược của doanh nghiệp với định hướng bán hàng trực tuyến và thanh toán qua mạng”, ông Trung nói.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Doanh nghiệp….
https://www.thesaigontimes.vn/