Thuế, mưu sinh và sự công bằng của chính sách

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng (*)/ Báo DĐDN

Các tài xế ôm công nghệ sẽ phải chịu mức thuế GTGT tương đương với mức thuế suất của các doanh nghiệp vận tải.

—–

 

Kinh doanh thì phải đóng thuế, đó là quy định của pháp luật, không cần phải bàn. Tuy nhiên, thu thuế nhưng vẫn đảm bảo công bằng, đối tượng bị thu thuế sống được để nuôi dưỡng nguồn thu, thì khi đó quy định của luật mới thực sự có hiệu quả khi áp dụng vào đời sống.

Nghị định 126/2020 có hiệu lực thi hành quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Số tiền khấu trừ của Grab trên mỗi cuốc xe gồm tiền hoa hồng cho hãng, tiền thuế VAT 10% và tiền thuế thu nhập cá nhân cho tài xế là 1,5%.

Sau khi áp dụng tăng giá cước vận chuyển, hành khách của các hãng xe công nghệ phải chịu mất thêm tiền, và tất nhiên các hãng xe này sẽ bị giảm khách. Khi hành khách giảm thì thu nhập của lái xe của các hãng xe công nghệ cũng giảm theo. Tính ra, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế.

Chính vì vậy, ngày 7.12 vừa qua, hàng trăm lái xe GrabBike tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%.

Điều bất hợp lý chính là đánh thuế GTGT, vì không thể tính thuế suất với lái xe Grab tương đương với doanh nghiệp vận tải, trong lúc việc kê khai để khấu trừ đầu vào đối với các lái xe công nghệ là không thể.

Xung đột lợi ích và không công bằng là ở chỗ này.

Mời các bạn đọc bài viết dưới đây về vấn đề khá thú vị và thời sự hiện nay.

Trần Quí Thanh

—–

Việc các hãng xe công nghệ tăng giá khiến cả lái xe và người tiêu dùng cùng chịu thiệt. Trong bối cảnh ấy, chất lượng dịch vụ sẽ là chìa khóa cạnh tranh cho các hãng taxi.

Thuế gián thu sẽ đánh lên người dùng cuối cùng

Những người lái xe ôm, từ trước đến nay vẫn vậy, luôn thầm lặng mưu sinh nhưng lại đang là nhân tố quan trọng góp phần vào sự vận hành của đời sống xã hội đô thị, giúp mạch máu vận tải được thông suốt. Nhưng chính sách dường như lại chưa đối xử không công bằng và có lẽ cũng đang thiếu tính hỗ trợ với nhóm đối tượng này. Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020 về thuế, trong đó có thuế với nhóm tài xế “xe ôm công nghệ” là ví dụ như vậy.

Với quy định mới của Nghị định này, các công ty kết nối dịch vụ công nghệ bắt buộc phải gia tăng tỷ lệ khấu trừ đối với đối tác xe ôm khai và nộp hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho nhà nước.

Không ngạc nhiên khi cả bản thân các đối tượng chịu tác động – các tài xế Grab, Bee… đã phải “đình công” thể hiện thái độ không đồng ý khi chính sách đi vào thực thi.

Các công ty kết nối lâu nay đã trả thuế GTGT trên doanh thu được chia của họ (tạm gọi là khoản 20%). Nghị định 126 giờ yêu cầu Công ty kết nối phải khấu trừ tiền của ông xe ôm để trả hộ cho doanh thu 80% được chia như mức của doanh nghiệp.

Tức là sau ngày 5/12, doanh thu bác xe ôm phải trả thêm tiền thuế 7% cho doanh thu trên 100 triệu đồng, vì trước kia họ đang đóng thuế 3% theo phương pháp trực tiếp, còn ai có thu nhập dưới 100 triệu đồng thì mức tăng thêm lên tới 10% vì trước kia họ không phải đóng bất kỳ loại thuế nào.

Như vậy, Nghị định 126 buộc các tài xế ôm sẽ phải chịu mức thuế GTGT ở mức cao nhất, tương đương với mức thuế suất của các doanh nghiệp vận tải (10%), trong khi họ lại không được và cũng không có khả năng hạch toán các khoản khấu trừ như các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp. Chính sách dường như không được đánh giá tác động. Không lường được thiệt hại cho tài xế. Về lý thuyết, GTGT là thuế gián thu, đánh lên người dùng cuối cùng.

Chính sách thuế cần nuôi dưỡng nguồn thu

Công bằng mà nói, chúng ta không thể mong đợi rằng những cá nhân tài xế có khả năng thu thập đầy đủ từng hóa đơn mua xăng, sửa xe… để được khấu trừ thuế. Hơn nữa, phương tiện vận chuyển (xe máy, xe ô tô) là phần tài sản có giá trị nhất đối với cá nhân, hộ gia đình cung cấp dịch vụ vận tải. Nếu không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho khoản mua xe, thì sẽ làm cho các đối tượng này bị thiệt thòi và gây ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa cá nhân và tổ chức.

Nhưng thị trường có lý lẽ của thị trường, nó không chấp nhận cho người bán hàng áp đặt bất kỳ giá nào. Nhà làm luật sẽ rõ ràng là đã không thực tế khi cho rằng số thuế tăng thêm này sẽ tự động chuyển cho người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng không chấp nhận giá tăng, tài xế sẽ bị đối diện với khả năng bị thất nghiệp.

Trên thực tế, khi cá nhân kinh doanh phải chịu thuế GTGT mà không được khấu trừ, đây không còn là mức thuế đánh GTGT nữa, mà cá nhân tạo ra ra khi cung cấp dịch vụ, mà nó tương tự như một mức thuế thu nhập trên tổng doanh thu, được đánh rộng khắp, không phân biệt.

Chính sách này cũng đồng thời đi ngược lại một nguyên tắc trong việc thiết lập một chính sách thuế: nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu. Để nuôi dưỡng nguồn thu, chính sách thuế cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển, hướng tới việc xây dựng nguồn thu ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, chính sách thu thuế của cá nhân hợp tác với tổ chức trong Nghị định 126/2020/NĐ-CP lại đi ngược định hướng này khi gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của người lao động, của doanh nghiệp.

Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành, khi Chính phủ đang nỗ lực đang hết sức có thể để hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ các đối tượng nghèo trong xã hội cùng vượt qua khó khăn thì việc đưa ra một chính sách thiếu hợp lý tác động đến một trong những nhóm lao động đang mưu sinh vất vả nhất là điều không nên và cần sửa đổi. Nhưng chính sách không phải là bất biến, hi vọng Bộ Tài Chính sẽ sớm nhận ra các điểm thiếu hợp lý và sớm sửa đổi để chính sách thuế trở nên nhân văn và phục vụ người dân nhiều hơn.

(*)Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Ngày 5/12, Nghị định 126/2020 có hiệu lực thi hành quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Số tiền khấu trừ của Grab trên mỗi cuốc xe gồm tiền hoa hồng cho hãng, tiền thuế VAT 10% và tiền thuế thu nhập cá nhân cho tài xế là 1,5%.

Để bù lại mức thuế VAT tăng, Grab ra thông báo điều chỉnh tăng giá cước GrabBike cơ bản trên toàn quốc ở mức 6%. Giá cước hiện tại của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

 

NGUỒN:  Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Link bài: Thuế…

https://diendanphapluat.enternews.vn/thue-muu-sinh-va-su-cong-bang-cua-chinh-sach-n26439.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *