Thái Hà/ Báo Tiền Phong
Cuộc chạy đua sản xuất vaccine của các nước không phải ưu tiên cho mục đích thương mại, mà là khống chế đại dịch Covid-19. Việt Nam có 4 ứng viên trong tổng số 150 ứng viên đang trong giai đoạn thử nghiệm vaccine ngừa Covid -19 trên toàn thế giới.
Chúng ta có quyền hy vọng vào sự thành công của các nhà khoa học Việt Nam, để đến cuối năm 2021, có thể đưa vào sản xuất và tạo ra vaccine phục vụ cho người dân trong nước cũng như xuất khẩu.Quá trinh sản xuất thử nghiệm vaccine kéo dài từ khi dịch bùng phát, các nhà khoa học đã dành tâm huyết, trí tuệ để có kết quả cho đến đợt thử nghiệm trên người vừa qua.
Tui nghĩ đến những nhà khoa học ngày đêm làm việc trong phòng thí nghiệm, chạy đua với thời gian mới có kết quả ngày hôm nay. Họ là vốn quý của quốc gia, họ là ân nhân của người dân.Nhưng tui cũng vô cùng quý trọng 3 tình nguyện viên, làm người nhận mũi chích thử nghiệm đầu tiên. Họ xứng đáng để chúng ta ngả nón bái phục.
Không ai biết được những phản ứng gì sẽ xảy ra khi chích vaccine ngừa Covid-19, có thể bị phản ứng ngay tức thì, hoặc để lại hậu quả lâu dài, cho nên mới gọi là “thử nghiệm”. Vậy thì, sự tự nguyện hiến sức khỏe của mình cho khoa học là hành động của những hiệp sĩ.Chúng ta tự tin Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, lọt vào bản đồ các quốc gia sản xuất được sản phẩm này để ngăn chặn đại dịch, và qua đó cũng chứng minh sự tiến bộ về y học của nước nhà.
Khi có được sự thành công đó, chúng ta không thể quên ơn các nhà khoa học, và cũng không thể quên ơn những người tình nguyện chích thử nghiệm vaccine đầu tiên.
Sáng 17/12 trở thành thời khắc lịch sử của ngành Y tế Việt Nam khi liều vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học nước nhà nghiên cứu, điều chế được tiêm cho người tình nguyện.
Sự kiện mang tính thời sự nóng hổi thu hút cả trăm phóng viên đến tác nghiệp tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự (Học viện Quân y).
Tôi thoáng thấy một chàng trai ngồi lặng lẽ cuối dãy ghế ở sảnh Viện, nơi đang tập trung hàng chục người với không khí khá ồn ào. Anh đeo khẩu trang, để lộ đôi mắt to tròn và ánh nhìn thông minh. Một chút tò mò, tôi ngồi xuống bên cạnh bắt chuyện: “Anh thuộc đơn vị nào?”. “Mình là người tiêm thử nghiệm”, anh nói bằng chất giọng miền Nam. Câu chuyện xoay quanh việc anh sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc-xin do Việt Nam sản xuất. Từ Đồng Tháp ra Hà Nội đã vài ngày trước để thực hiện các công đoạn kiểm tra sức khỏe, anh ở nhờ nhà người quen. Cái lạnh buốt của miền Bắc, khiến anh khẽ so vai nhưng khi nhận được câu hỏi “Có lo lắng gì không khi những ngày vừa qua thông tin về tác dụng phụ khiến một số quốc gia phải dừng tiêm vắc-xin. Liệu anh có thấy mình mạo hiểm không?”, chàng trai chừng ngoài 30 tuổi ấy khẽ cười bằng ánh mắt và nói: “Không sợ, mình chủ động mà, tự hào là khác, mình tin vào vắc-xin của Việt Nam, mình muốn góp phần nhỏ vào thành công trong cuộc chiến chống đại dịch”. Nói đến đó, nữ nhân viên y tế mở cửa phòng tư vấn đối diện chỗ chúng tôi ngồi bước ra mời anh vào trao đổi trước khi thực hiện các quy trình để tiêm vắc-xin.
Cùng với 2 người khác, chàng trai mà tôi có may mắn được trò chuyện vài phút ấy đã trở thành chứng nhân cho thành công ban đầu của những nỗ lực miệt mài, bền bỉ, vất vả, cực khổ của các nhà khoa học Việt Nam trong cuộc chạy đua với thời gian và sự bùng nổ của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Ba người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc-xin do chính người Việt nghiên cứu, điều chế, sản xuất đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ các quốc gia nghiên cứu vắc-xin ngừa đại dịch COVID-19.
Dẫu quá trình thử nghiệm trên người mới bắt đầu, dẫu phía trước là hồi hộp, mong chờ xen chút lo lắng thì hơn ai hết chúng ta vẫn tin vắc-xin nội sẽ cho kết quả phòng bệnh hiệu quả, như chính niềm tin mà chàng trai đầu tiên tiêm thử nghiệm đang tin và kỳ vọng. Lại nhớ, trong buổi đăng ký tiêm thử nghiệm trước đó 1 tuần có rất nhiều bạn trẻ nộp hồ sơ với hy vọng mình sẽ được lựa chọn. Họ quyết định tham gia thử nghiệm tiêm một loại thuốc mới với ý nguyện sớm đem lại vắc-xin made in Việt Nam cho cộng đồng, để đẩy lùi căn bệnh đang hoành hành khắp toàn cầu. Họ biết có thể có những biến chứng, tác dụng phụ xảy ra song, họ chấp nhận mạo hiểm vì đồng loại. Nhưng hơn cả những con người dũng cảm, giàu đức hy sinh ấy đã tin tưởng vào tài trí của các nhà khoa học cùng chung dòng máu Việt…
Cuộc thử nghiệm vắc-xin đầu tiên đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy và tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân, bảo vệ sự an yên của dân tộc trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử loài người.