Nơi gấu Bắc Cực nhiều hơn con người

Hoài Anh/ Báo Zing

Svalbard là vùng đất đặc biệt, thu hút du khách hiếu kỳ nhờ những trải nghiệm hiếm có như cực quang, xem gấu Bắc Cực…

Svalbard là một quần đảo tại vùng Bắc Cực, thuộc phần cực bắc của Na Uy. Khí hậu nơi này đặc biệt khắc nghiệt. Vào mùa đông, nhiệt độ có thể giảm tới âm 14 độ C. Tuy vậy, không ít du khách vẫn tìm đến vùng đất này. Ảnh: Nordic Visitor.

Svalbard được biết đến là “vùng đất của băng và gấu Bắc Cực”. Số lượng gấu Bắc Cực ở đây lên tới 3.000 con, vượt quá dân số của đảo (khoảng 2.600 người). Theo một cuộc khảo sát vào tháng 8/2015, tổng cộng có 1.000 con gấu Bắc Cực đang sống ở Na Uy. Khoảng 1/3 số này tập trung ở gần rìa băng thuộc Svalbard. Ảnh: Getty.

Theo Visit Svalbard, du khách nên chuân bị tinh thần gặp gấu Bắc Cực ở bất kỳ đâu khi tới đây. Chúng xuất hiện rất nhiều vào mùa đông. Tới hè, gấu Bắc Cực di cư về phía đông bắc. Dù chủ yếu ăn hải cẩu, cá, loài vật này vẫn sẽ tấn công con người. Chúng nặng từ 200-800 kg. Những con khoảng 100 kg cũng có thể gây nguy hiểm cho con người. Ảnh: TOM DREAMS BIG.

Từ năm 1973, luật pháp quốc tế đã nghiêm cấm săn bắn, cho ăn hoặc gây ảnh hưởng tới môi trường sống của gấu Bắc Cực. Do đó, tại Svalbard, về cơ bản, việc săn bắn là bất hợp pháp. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, không phải người dân Svalbard nào cũng sẵn sàng tuân thủ quy định này. Nhiều báo cáo cho thấy việc bắt gặp gấu Bắc Cực ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt vào những tháng mùa đông. Do đó, người dân thường đem theo súng trên người khi ra đường. Một số người vẫn sống theo nếp cũ và tiếp tục bẫy gấu, săn cá voi, hải cẩu… Ảnh: The Guardian

Gấu Bắc Cực không phải điều đáng chú ý duy nhất ở Svalbard. Du khách cũng thường đến đây để chiêm ngưỡng cực quang. Từ đầu tháng 3, Svalbard bước vào giai đoạn “mùa đông màu pastel”. Trên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng, ánh sáng mặt trời tạo nên những gam màu huyền ảo. Ngoài ra, trải nghiệm ngồi chó kéo xe cũng khiến nhiều du khách thích thú. Ảnh: Became Explorer.

Longyearbyen là trung tâm của Svalbard với khoảng 2.000 người sinh sống. Đây là điểm đến nổi tiếng nhờ điều luật kỳ lạ: cấm chết. Do khí hậu rất lạnh, thi hài người chết thường đóng băng, khó phân hủy, tạo điều kiện cho virus gây bệnh sống sót. Từ thập niên 1950, chính quyền Longyearbyen đã yêu cầu chuyển người bệnh giai đoạn cuối đến Oslo (Na Uy) cách đó khoảng 2.000 km. Ảnh: Mirror.

Bên cạnh đó, chính quyền Longyearbyen cũng cấm người thất nghiệp sinh sống. Do địa hình vùng cực, cuộc sống ở đây luôn khó khăn. Người dân cần tự ý thức để kiếm cho mình một công việc ổn định. Ảnh: Inkl.

Dù thuộc Na Uy, du khách vẫn có thể đến Svalbard mà không cần xin visa. Tuyến đường phổ biến nhất để tới Svalbard là bay từ Oslo đến Longyearbyen. Nếu muốn đi tàu, bạn phải chờ từ 9-14 ngày vì chỉ có một đoàn tàu thám hiểm duy nhất đến đây. Ảnh: Freya. 

 

NGUỒN:  Theo Báo Zing

Link bài: Nơi gấu….

https://zingnews.vn/noi-gau-bac-cuc-nhieu-hon-con-nguoi-post1164112.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *