Phan Sông Ngân/ Báo Người Đô Thị
Để bước đi trên tinh thần ấy và để bước qua những thời khốn khó, con người và từng người Việt Nam cũng đừng quên “đồng loại” và “đồng bào” vẫn đang rất cần có nhau (đến như “sỏi đá cũng cần có nhau” – Trịnh Công Sơn).
Nhìn lại đồng loại…
Nhắc đến đồng loại, có một câu, được cho là của Các-Mác “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để chỉ chăm lo cho bộ lông của mình”. Câu ấy từ lâu đã trở thành “kinh điển nằm lòng” với rất nhiều người theo chủ nghĩa Mác, nhất là với những người Cộng sản.
Còn con người vốn được xem là loài có các khả năng về tư duy, tình cảm cao nhất so với nhiều loài, nên cũng được xem như là có khả năng ứng xử một cách tốt hơn trong quan hệ với đồng loại, so với mọi loài khác cùng tồn tại trên hành tinh này. Đồng loại không có sự phân biệt bởi ranh giới theo lãnh thổ hay dân tộc.
Theo sự phát triển của đời sống xã hội, nhất là nhờ có những tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày càng cao, với nhiều phường tiện truyền thông hiện đại mà ranh giới nhận thức về đồng loại của con người cũng có điều kiện được rộng mở dần dần theo đa chiều. Nhìn lại từ xa xưa đến nay, ranh giới hiểu biết ấy đã được tiến hóa, mở dần từ vài cá thể tới bầy đàn, bộ tộc; trong từng gia đình, ra làng xóm, quốc gia, khu vực cho đến cả thế giới lớn rộng – “thế giới phẳng” hôm nay.
Sự quan tâm, đồng cảm với đồng loại của con người theo đó cũng ngày càng được kết nối rộng mở nhiều hơn. Chỉ nhìn lại một phần thôi, chẳng hạn về sự chia sẻ của người dân thế giới và Việt Nam trong các cuộc chiến tranh từ thế kỷ 20 đến nay; hay sự đón nhận các cuộc di dân ở nhiều quốc gia như đã diễn ra. Hoặc đó là những san sẻ giữa các quốc gia, con người trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong các cuộc thiên tai, thảm họa xảy ra trong rất nhiều năm qua và ngay trong năm vừa rồi cũng thế. Tất cả những điều ấy chính là biểu hiện của sự quan tâm đến đồng loại và ranh giới đồng cảm của con người đã được mở rộng rất nhiều, mở rộng trong đời thực và cả trong lòng người.
Song, cũng chính theo sự phát triển ấy mà những mưu cầu chính đáng lẫn không chính đáng của con người cũng ngày càng tăng lên. Khả năng hành động để thỏa mãn cho các mưu cầu ấy, của từng cá thể hay những nhóm người cũng ngày càng cao hơn. Trong đó, tiếc thay có cả rất nhiều hành động biểu lộ sự “quay lưng với đồng loại” của con người cũng “văn minh” (theo nghĩa ngược lại) và cả tàn tệ hơn. Có biết bao nhiêu là dẫn dụ về sự “quay lưng với đồng loại” ấy. Chẳng hạn, đó là những cuộc chiến tranh đã và vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra biết bao nhiêu đau thương, thiệt hại cho con người, nhất là những người dân vô tội. Hay đó chính là những sản phẩm, thành tựu cũng do chính con người – một nhóm người tạo ra, đã đem lại biết bao nhiêu khổ đau cho đồng loại, như: ma túy, heroin, các loại độc dược phục vụ mưu hại, làm hại con người ngày càng nhiều và tràn lan hơn.
Xã hội vật chất càng phát triển thì dường như mưu cầu bất chính của những đối tượng “quay lưng với đồng bào” cũng càng tăng theo. Sự phục thiện tự thân, dựa vào truyền thống, tình cảm gia đình, dân tộc đối với những kẻ đã “quay lưng với đồng bào” có lẽ không thể đủ công hiệu nữa. |
Qua đó có thể thấy, có lẽ chính con người là loài có khả năng hành hạ ác độc và tàn sát đồng loại cũng cao hơn bao loài sinh vật khác. Và như thế thì dường như giữa văn minh và man rợ là hai “thuộc tính” vốn có ở loài người không tồn tại theo tỷ lệ nghịch mà đã song hành theo kiểu tỷ lệ thuận một cách rất khổ đau cho đồng loại. Vì vậy, có lẽ con người chỉ có thể đem lại hạnh phúc cao hơn cho đồng loại, trong sự văn minh của mình, khi cùng tạo ra được sự thay đổi tính chất của tỷ lệ như vừa nêu.
Nghĩ về Đồng bào…
Cùng với “đồng loại”, người Việt Nam thường nhắc, nhớ đến hai chữ “đồng bào”
Đồng bào có thể có từ nguyên (nguồn gốc hình thành từ ngữ) từ cả truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân của các dân tộc Việt Nam, vốn gắn bó, lưu truyền tự xa xưa. Đối với hầu hết người Việt Nam hai chữ “đồng bào” còn luôn gợi nên những tình cảm gắn bó máu thịt, gần gũi, cần quan tâm đến nhiều hơn. Thực tế ứng xử trong quan hệ đồng bào đã trở thành tình cảm dân tộc, mang tính truyền thống mà hầu hết người Việt Nam, dù đang sống bất cứ nơi đâu trên thế giới này cũng đều luôn thấy trân trọng, gìn giữ. Do đó, bất cứ ai quên điều ấy “quay lưng với đồng bào” sẽ bị coi như kẻ lạc loài.
Thế nhưng, trong cuộc sống xã hội hiện nay, cũng tương tự như trong quan hệ đồng loại đã nhắc trên, có không ít thực tế biểu hiện về sự “quay lưng với đồng bào”. Chẳng hạn, đó chính là hành vi gieo rắc, đầu độc chính đồng bào mình bằng ma-túy, heroin, các chất gây nghiện; tổ chức đánh bạc gây tan cửa nát nhà biết bao gia đình (như trong các vụ án đã bị xét xử năm qua).
Hoặc đó chính là những hành vi trục lợi, tham ô trong đầu tư, mua sắm thuốc men, thiết bị để chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh trong năm vừa qua. Hay đó cũng chính là những hành vi lạm dụng, chiếm đoạt công quỹ ở mọi cấp độ đối với ngân sách được góp nên từ mồ hôi, công sức của biết bao nhiều đồng bào và “ăn của dân không từ một thứ gì” đã diễn ra không ít.
Đặc biệt là những hành vi vơ vét tham nhũng, “siêu tham nhũng” của rất nhiều kẻ có chức, quyền, thậm chí “siêu quyền lực” đã bị phát giác, phanh phui, xử lý trong thời gian qua và ngay trong năm vừa qua. Hay những hành vi cấu kết giữa kẻ có tiền “đội lốt” nhà đầu tư với những kẻ có quyền đã tha hóa, lạm quyền để thông qua các dự án, điều chỉnh “xé” quy hoạch (như Thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm) để cưỡng đoạt đất đai, tước đi “nguồn sống” bình yên của biết bao gia đình nhiều nơi trên đất nước, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện tràn lan, kéo dài gây bao oan ức, đau khổ cho dân. Tất cả các hành vi đó, suy cho cùng đều là “để chỉ chăm lo cho bộ lông của mình” của những kẻ trong các nhóm lợi ích như đã nêu và đó cũng chính “quay lưng với đồng bào”.
Có thể nói, đối tượng dành để so sánh với sự “quay lưng với đồng bào” như kể trên có lẽ còn “thấp hơn” loài mà Các-Mác đã dùng để so sánh với sự “quay lưng với đồng loại”. Thế nhưng, xã hội vật chất càng phát triển thì dường như mưu cầu bất chính của những đối tượng “quay lưng với đồng bào” cũng càng tăng theo. Sự phục thiện tự thân, dựa vào truyền thống, tình cảm gia đình, dân tộc đối với những kẻ đã “quay lưng với đồng bào” có lẽ không thể đủ công hiệu nữa.
Chính vì vậy mà đất nước, xã hội và mọi công dân lương thiện rất cần phải có thêm những công cụ hữu hiệu hơn nữa để bảo vệ, ngăn ngừa, xử lý với những kẻ cố tình “quay lưng với đồng bào” để làm giàu trên nỗi đau của đồng loại và đồng bào như đã nêu. Các công cụ ấy chính là luật pháp phải được thực thi nghiêm minh và công bằng, bộ máy hành chính cần phải minh bạch, liêm chính và phòng chống tham nhũng cần phải được duy trì, thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên như tinh thần của các lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã từng tuyên bố… Có như thế mới hy vọng những thế lực tiền, quyền tha hóa, những nhóm lợi ích sẽ không dễ bành trướng, lộng hành tước đoạt của đất nước và của công dân.
Thực hiện được những điều ấy cũng chính là một cách chúc Xuân thiết thực đối với đồng bào trên đất nước hiện nay.
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Mùa xuân…
https://nguoidothi.net.vn/mua-