“Một bệnh nhân ở Sóc Sơn suýt ngừng tim do tin vào thuốc nam trị tiểu đường của thần y ba đời” – đó là đoạn tin tức được phát tiếp ngay sau phần quảng cáo ấy. Quả là cười ra nước mắt! Thế nhưng không phải ai cũng may mắn như tôi khi xem được tin tức đó bởi tin tức chỉ xuất hiện một vài lần còn quảng cáo của các thần y tự xưng nhan nhản từng giờ từng phút. Từ nông thôn đến thành thị, từ phố thị đến vùng sâu vùng xa có lẽ ai cũng đã từng nghe đến danh các thần y ba đời tự xưng… phủ sóng Youtube.
Điều trớ trêu đó, có lẽ những nhà báo như chúng tôi cũng khó mà lý giải tường tận được gốc rễ của vấn đề. Chúng tôi đã tìm gặp PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam – người đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp đông y, y học cổ truyền để giải mã về hiện tượng “thầm y” dỏm.
Bản thân tôi khi bất đắc dĩ phải xem những quảng cáo về thần y mạng tự xưng, với khẩu hiệu “Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh, không khỏi không lấy tiền” cảm thấy vô cùng khó chịu, thậm chí là ám ảnh. Vậy đối với bản thân ông, là một người đã dành cả cuộc đời gắn bó với đông y và y học cổ truyền, ông có cảm xúc như thế nào khi xem những đoạn quảng cáo đó?
Sau khi xem những đoạn quảng cáo của những người tự xưng là thần y 3 đời làm thuốc gia truyền, tôi cảm thấy hết sức bức xúc, sao họ trơ tráo được đến vậy. Những bài thuốc không được cấp phép, những quy trình quảng cáo chưa được chấp thuận và cả lương tâm của họ cũng không chấp nhận được. Họ tự nhận là thần y để quảng cáo nhằm trục lợi chứ hoàn toàn không nhằm mục đích chữa bệnh cho người dân một cách chân chính. Tôi nghĩ rằng đây là một hành động rất đáng lên án.
Theo tôi, từ cổ chí kim có lẽ phải đi khắp thế gian mới tìm được những “thần y” đếm trên đầu ngón tay. Vậy nguyên nhân nào đã khiến nở rộ hiện tượng thần y mạng tự xưng và tại sao việc xưng danh lại dễ dàng đến như vậy, thưa ông?
Trên thực tế, đông y hay ngành y học cổ truyền luôn chiếm vị trí cao quý trong lòng người dân nước ta. Đặc biệt là trong lịch sử phát triển nhân loại cũng có nhiều thầy thuốc được người dân tín nhiệm và phong danh “thần y”, ví dụ như thần y Hoa Đà ở Trung Quốc.
Từ đó, họ lợi dụng niềm tin của người dân đối với nền y học cổ truyền để kiếm tiền một cách dễ dàng. Hơn nữa từ thực trạng này một lần nữa nhắc chúng ta rằng việc quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa được thực hiện tốt. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để đưa thông tin không chính thống và thất thiệt đến cộng đồng xã hội. Dù đau lòng nhưng rõ ràng tin độc, tin bẩn và tin giả vẫn đang “đầu độc” gây ra tổn thương cho người bệnh.
Hơn nữa, những thông tin quảng cáo nếu xuất hiện ngày một ngày hai thì có lẽ họ cũng không chú ý đến. Nhưng đằng này quảng cáo từ ngày này qua ngày khác tràn lan trên mạng. Mở từ Youtube sang Facebook, từ ti vi đến điện thoại, người bệnh lại nhìn thấy những thông tin ấy một cách tự nhiên. Việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng khiến họ dần tặc lưỡi và muốn thử xem lỡ chữa được bệnh thật thì sao. Chính vì thế nên dù hợm hĩnh nhưng những quảng cáo ấy vẫn ngang nhiên tiếp tục tồn tại.
Rõ ràng những thần y 3 đời đánh vào tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của người bệnh”. Vậy thực chất những loại thuốc được các “thần y 3 đời” quảng cáo có tác dụng chữa bệnh hay không?
Về đông y, y học cố truyền đều có rất nhiều loại thuốc hiệu quả để chữa bệnh. Như chúng ta đã biết, nền y học cổ truyền gắn liền với 4000 năm lịch sử của dân tộc đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Còn những loại thuốc từ những nguồn trôi nổi do “thần y” quảng cáo, thực tế, chưa có ai kiểm chứng về tác dụng các loại thuốc này. Đôi khi, sự cả tin của người bệnh có thể mang lại những hậu quả khôn lường cho chính bản thân họ. Trong quá trình khám chữa bệnh của mình, tôi đã tiếp nhận những bệnh nhân sau khi uống nhầm thuốc dỏm có thể bị suy thận, suy gan, bị dị ứng thuốc hoặc bệnh trở nặng hơn. Thậm chí có những trường hợp suy hô hấp, ngừng tim.
Có ý kiến cho rằng các thần y tự xưng ngang nhiên lộng hành như vậy là bởi thuốc đông y, thuốc nam là sự kết hợp các loại thảo dược. Cho dù có sử dụng thuốc trong thời gian dài mà không có tác dụng thì cũng sẽ không gây nguy hiểm tới tính mạng hay sức khỏe của bản thân. Vậy ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Hoàn toàn sai lầm bởi đến cơm gạo ta ăn hàng ngày được ví như hạt ngọc trời nhưng nếu ăn sai cách, ăn quá no còn có thể gây hại huống hồ với những thứ gọi là thuốc dùng để chữa bệnh. Một số người lợi dụng chuyện thuốc nam, thuốc đông y ít độc để tự cho rằng loại thuốc này không có độc nhưng đó là hiểu sai bản chất. Bởi vậy, thuốc khi dùng đúng sẽ có tác dụng chữa bệnh, nhưng nếu dùng không đúng cũng mang lại độc tố cho người bệnh.
Thời gian vừa qua, hình ảnh của tôi cũng đã bị lợi dụng. Họ còn lấy tên tôi để tạo ra rất nhiều fanpage giả mạo trên Facebook. Hình ảnh tôi làm việc với một vị giáo sư trường Đại học Thiên Tân, Trung Quốc khi tôi có chuyến công tác cũng bị lợi dụng để quảng cáo cho nhiều loại thuốc đông y. Chúng tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền để dẹp bỏ những thông tin ấy. Tôi cảm thấy hết sức bức xúc và bị xúc phạm. Nhiều người bạn của tôi sau khi nhìn thấy những hình ảnh như vậy đã hốt hoảng gọi điện cho tôi, khiến tôi rất bất ngờ.
Vậy những quảng cáo thuốc gia truyền, thổi phồng sự thật với nhiều hình thức phản cảm đã khiến nhiều người có ác cảm với y học cổ truyền. Ông “giải oan” như thế nào cho những lương y chân chính?
Ngành y học cổ truyền là ngành có tác dụng khám chữa bệnh đã được người dân ghi nhận trong suốt 4000 năm lịch sử. Vai trò y học cổ truyền trong việc phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cũng như trong vấn đề thẩm định chất lượng cuộc sống đã được khẳng định. Tất cả những thầy thuốc chính thống của y học cổ truyền đều đã được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề, được hoạt động trong những môi trường được quản lý nghiêm ngặt bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Họ cũng là những người hàng ngày đang sử dụng các biện pháp y học cổ truyền để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Những thầy thuốc này rất đáng tôn trọng.
Gần đây trên nhiều diễn đàn có một số bình luận của nhân viên đã bỏ nghề của các đơn vị quảng cáo “thần y” mạng rằng “bỏ việc vì làm đông y thất đức lắm”. Vậy ông nghĩ sao khi nghe những câu nói như vậy?
Vậy thì trong vai trò là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, ông đã có những chỉ đạo và vào cuộc như thế nào để dẹp loạn nạn “thần y”?
Trên 63 tỉnh thành chúng tôi đều có hội Đông y cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hội Đông Y Việt Nam đã đưa ra chỉ đạo tới tất cả hội Đông y trên toàn quốc nhằm rà soát, kiểm tra xem những thành viên có những hoạt động quảng cáo hình ảnh sai sự thật trong thời gian vừa qua hay không. Qua đó chúng tôi đưa ra những giải pháp khống chế, tuyệt đối không để tình trạng đó xảy ra. Cùng với đó là những hình thức xử lý nghiêm trong hội. Đặc biệt, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường các biện pháp để phối hợp với Hội Đông y Việt Nam nhằm đưa ra những biện pháp nghiêm khắc và kịp thời để ngăn chặn tình trạng này.
Theo ông, cần có những chế tài xử lý như thế nào đối với hiện tượng “thần y mạng tự xưng nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh và chữa dứt điểm tất cả mọi loại bệnh”? Họ đã gây ra những hậu quả rõ ràng, có trường hợp còn suýt ngừng tim, nguy hiểm tính mạng. Vậy theo ông có nên xem xét xử lý hình sự?
Tôi cho rằng, những hoạt động quảng cáo sai quy định này cần phải nghiêm trị bởi đây là những hoạt động hết sức nguy hiểm đối với xã hội. Nó làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của người dân đối với đông y, nhất là khi vai trò chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân của nền y học cổ truyền đang ngày càng được đẩy mạnh.
Tôi nghĩ nên áp dụng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất với những người không có giấy phép theo đúng quy định pháp luật. Còn đối với những người đang hành nghề mà vẫn quảng cáo dối trá thì cần thu hồi giấy phép của họ.
Ở chừng mực nào đó, hành vi làm phương hại đến người khác về mặt tính mạng và sức khỏe cũng cần được xem xét để bổ sung vào hình phạt xử lý tội phạm mới. Đây là loại tội phạm phi truyền thống mà chỉ trong giai đoạn này mới xuất hiện. Thời gian qua chế tài xử lý đối với vấn đề này chưa thực sự đủ mạnh dẫn tới thực trạng “thần y” cũng “nhờn thuốc” và lại “ngựa quen đường cũ”.
Tôi nghĩ đây là vấn đề mà Bộ Công an cũng như những nhà làm luật cần xem xét để đề xuất với Quốc hội nhằm đưa ra những hình phạt phù hợp. Bởi lẽ hành vi của những “thần y” dỏm này làm tổn thương sức khỏe người dân và gây ra những hậu quả rất rõ ràng.