Nguyên khanh/ Báo Thanh Niên
Có nhiều loại rác, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác viễn thông (dây điện, và các loại dây của nhà mạng), rác pa nô, áp phích. Nhưng có một loại rác kinh khủng nhất, tra tấn con người ta bất cứ lúc nào, đó là rác tin nhắn, cuộc gọi.
Đang tập trung làm việc, có một cuộc gọi đến, thường thì ai cũng phải nghe vì biết đâu có cuộc gọi quan trọng. Và rồi phải bực mình vì người gọi giới thiệu đủ thứ trên đời, từ bất động sản, chứng khoán, học tiếng Anh, tập gym, du lịch và nhiều dịch vụ khác.
Rất nhiều người khổ sở vì tin nhắn rác, cuộc gọi rác, nhưng không thể tránh được. Cho dù có từ chối cuộc gọi, thì trước đó cũng bị điện thoại quấy rầy, mất thì giờ và mất tập trung.
Báo chí phản ánh thực tế này, nhưng cho đến nay vẫn không dọn được loại rác này. Nguyên nhân vì sao?
Một là chưa có các quy định của pháp luật đầy đủ để điều chỉnh mối quan hệ này, để chế tài xử phạt đúng thực chất và có hiệu quả ngăn chặn.
Hai là vấn đề liên quan đến lợi ích. Đó là nhà mạng có vai trò quan trọng trong việc chặn rác tin nhắn, điện thoại, nhưng nhà mạng lại thu lợi từ tin nhắn, điện thoại. Nếu chặn là chặn chính quyền lợi của họ.
Bài toán này giải như thế nào?
Giải bằng cách xử phạt nhà mạng, theo đề xuất của tác giả bài viết mà tui giới thiệu dưới đây là: “Cơ quan có thẩm quyền quyết liệt chế tài những nhà mạng nào để cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác làm khổ khách hàng triền miên”.
Nếu vẫn không xử lý được, để cho loại rác này hoàng hành, tra tấn khách hàng hằng giờ hằng ngày, thì đó là sự thất bại của nhà quản lý.
Trần Quí Thanh
—–
Biểu hiện đầu tiên là tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã trở lại “lợi hại hơn xưa”. Nói “lợi hại hơn” là vì trước đây, rác này đa số xuất phát từ SIM 11 số, nên “kinh nghiệm” của khổ chủ là cứ thấy 11 số lạ thì không nghe, không trả lời. Nhưng bây giờ, rác cuộc gọi đến từ chính các số di động 10 số của các nhà mạng, có cảnh giác cỡ nào thì trong 10 cuộc gọi rác cũng “dính” vài cuộc.
Biểu hiện thứ hai là rất nhiều người thực hiện theo cách được hướng dẫn, nghĩa là vào website của Cục An toàn thông tin đăng ký số điện thoại di động cá nhân vào danh sách không nhận cuộc gọi quảng cáo bán hàng (DoNotCall) nhưng rồi mỗi ngày vẫn nhận 5 – 7 cuộc gọi rác.
Có người thì làm thủ công, nghĩa là cứ số nào gọi điện đến quảng cáo bất động sản, mời mua chứng khoán gọi đến thì “chặn” luôn. Nhưng chặn số này thì số khác gọi tới, chẳng bõ tốn công, chưa kể một số dịch vụ chặn tin nhắn, điện thoại rác nạn nhân còn phải mất tiền.
Ngoài ra còn tin nhắn rác từ chính các nhà mạng cũng “dội bom” khách hàng. Đặc biệt, mức phạt về phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo Nghị định 91 cũng khá nặng tay.
Theo đó, người quảng cáo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet gọi điện quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo hay gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng; phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng nếu thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ hay gọi sau 17 giờ; phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn, gọi điện quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo…
Thế nhưng từ khi Nghị định có hiệu lực đến nay đã hơn nửa năm, tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã hoành hành trở lại nhưng chưa thấy công bố trường hợp nào bị phạt.
Để chặn rác tin nhắn, điện thoại, nhà mạng có vai trò rất lớn, nói đúng ra là lớn nhất. Vì thế nên trong các chiến dịch, giải pháp… cơ quan quản lý luôn yêu cầu nhà mạng tham gia. Cách đây vài năm, tất cả nhà mạng lớn thậm chí đã ký cam kết chặn tin nhắn rác. Thế nhưng tỷ lệ ngăn chặn trên thực tế vẫn còn khá thấp. Đơn cử trong tháng 2, nhà mạng Viettel đã ngăn chặn được 68% tổng số cuộc gọi rác, VNPT chặn được 23%, MobiFone chặn được 8%, ITelecom chặn được 1% còn Vietnamobile chỉ chặn có 0,19%. Phải chăng nhà mạng chưa quyết liệt vì mỗi cuộc gọi rác, tin nhắn rác đang mang lại doanh thu, lợi nhuận cho họ?
Rác tin nhắn, cuộc gọi có chặn được không? Câu trả lời là có. Chặn như thế nào, cũng được các chuyên gia đề xuất, dẫn chứng kinh nghiệm của các nước rất nhiều. Thế nhưng “cuộc chiến” với tin nhắn rác đã trải qua hàng thập kỷ, từ chiến dịch thu hồi SIM rác, đăng ký SIM chính chủ và mới nhất là Nghị định 91 nhưng kết quả vẫn chưa cao.
Cần thiết việc cơ quan có thẩm quyền quyết liệt chế tài những nhà mạng nào để cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác “làm khổ” khách hàng triền miên.
NGUỒN: Theo Báo Thanh Niên
Link bài: Sống chung…
https://thanhnien.vn/chao-
(Xin phép thêm chữ cái tựa)