Một cá nhân trong xã hội cũng cần phải học, rèn luyện để trở thành con người có văn hóa, thì một doanh nghiệp đương nhiên phải “có văn hóa”.
Văn hóa là một giá trị rất chung, nhưng mỗi quốc gia, dân tộc gọi là bản sắc, còn với mỗi người gọi là phong cách riêng, hay một nét riêng.
Với một doanh nghiệp cũng vậy, xây dựng các giá trị văn hóa cho doanh nghiệp, mang cá tính riêng, triết lý riêng và mục đích riêng. Tất nhiên, không loại trừ triết lý và mục đích của mình trùng hợp với của ai đó.
Nói đến văn hóa doanh nghiệp là nói đến cái chung của một tổ chức, nhưng đầu tiên phải xuất phát từ tư duy của người sáng lập. Nhà khởi nghiệp đặt nền móng về văn hóa như thế nào thì nó sẽ có diện mạo văn hóa doanh nghiệp như vậy.
Cá nhân start up đặt ra một chân dung văn hóa cho mình và cho doanh nghiệp, thì phải theo đuổi, chăm sóc, gìn giữ các giá trị văn hóa đó. Nếu bản thân không làm gương, thì sẽ không có ai trung thành đi theo.
Một khi nhà sáng lập mang nỗi đam mê về xây dựng các giá trị văn hóa cho doanh nghiệp và cho từng thành viên trong đó, thì nó sẽ thuyết phục mọi người cùng hướng đến giá trị, tầm nhìn, mục tiêu chung.
Một tổ chức nào xây dựng được môi trường văn hóa, ở đó có yêu thương và tôn trọng.
Tất cả mọi thành viên cùng đồng lòng xây dựng các giá trị văn hóa thì tự thân đã xây dựng được tinh thần đoàn kết. Một doanh nghiệp có kỷ luật, có sự đoàn kết, mọi người yêu thương và tôn trọng nhau thì không việc gì mà không thành.
Trần Quí Thanh
Cần cả đội ngũ đồng lòng về tầm nhìn
Sau 5 năm “im hơi lặng tiếng”, gần đây, Nguyễn Thị Cẩm Vân, nhà sáng lập Osla bắt đầu tái xuất tại các chương trình về khởi nghiệp. Cô nói, Osla đang bước vào giai đoạn cải tổ hoạt động của tổ chức và mong muốn tìm kiếm những nhà cố vấn phù hợp cho giai đoạn chuyển mình sắp tới.
“Khi truyền thông ra bên ngoài đúng về sứ mệnh, tầm nhìn của tổ chức, sẽ có những cá nhân chung ‘tần số’ mong muốn được cùng tham gia Osla”, Vân nói và lấy ví dụ về Giám đốc công nghệ của Osla – một người Việt mang quốc tịch New Zealand mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và đặt niềm tin vào Osla.
Đây cũng là quan điểm trong tuyển dụng của nhà sáng lập Osla khi không chỉ quan tâm đến tài, mà còn coi trọng chữ tâm, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Với Vân, không thể đánh giá tài năng của một ứng viên qua bằng cấp, mà còn phải qua năng lực thể hiện. Ví dụ, tại Osla, có một nhân viên bỏ học Đại học Ngoại thương, IELTS 8.0 từ năm 17 tuổi và đã xây dựng được chiến lược vận hành, quản lý toàn bộ Công ty.
Vân rất hài lòng về đội ngũ hiện có của Osla, dù có thể trong số đó, có những người chưa từng tốt nghiệp đại học. “Nghe có vẻ lý thuyết khi nói về sứ mệnh hay tầm nhìn, nhưng ở Osla, việc trở thành một tổ chức giáo dục từ Việt Nam vươn ra thế giới, mang đến cơ hội cho các ứng viên đến từ các quốc gia đang phát triển được tiếp cận nền giáo dục toàn cầu như một ngôi sao ở trên cao và dù nhân viên có đi đường nào, thì ai cũng hướng về ngôi sao ấy”, Vân chia sẻ về sự đồng lòng của đội ngũ Osla.
Quan trọng trong truyền thông nội bộ
Để xây dựng được một đội ngũ có năng lực và thấu hiểu về sứ mệnh của công ty, Vân đã phải rút ra bài học sau lần vấp ngã về chính vấn đề này tại 2 dự án khởi nghiệp trước đây. Việc tham dự các cuộc thi khởi nghiệp chỉ để góp phần huy động nguồn lực cho 2 dự án này duy trì hoạt động. Nhưng có giai đoạn, Vân đã truyền thông trong nội bộ chưa rõ ràng về mục tiêu, sứ mệnh thực sự của các dự án, nên một số nhân sự là các sinh viên mới ra trường bị chìm trong sự hào nhoáng khi đoạt giải tại các cuộc thi.
“Việc luôn chiến thắng ở các cuộc thi khiến các bạn bị ảo tưởng, cứ nghĩ lập ra doanh nghiệp chỉ để đi thi, chỉ để lên truyền hình, chỉ để được danh tiếng. Tôi đã làm hư đội ngũ của mình – những thành viên tốt, có năng lực, có tài, có tâm. Thậm chí, có những cuộc thi, các bạn tự đăng ký mà tôi không hề biết”, Vân nhớ lại.
Thị trường chưa sẵn sàng để đón nhận sản phẩm, đội ngũ bị xao nhãng bởi sự hào nhoáng, nên Vân đã quyết định dừng hoạt động 2 doanh nghiệp xã hội trước khi bắt tay thành lập Osla.
Truyền thông nội bộ rõ ràng, minh bạch cũng là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Với Vân, văn hóa doanh nghiệp bắt đầu từ người sáng lập và truyền tải hiệu quả nhất đến các thành viên nội bộ để toàn bộ máy vận hành đồng nhịp.
Bà Thái Vân Linh, nhà sáng lập TVL Group (hoạt động trong mảng đào tạo từ các doanh nghiệp lớn đến các nhóm nhỏ) cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp bắt nguồn từ những người lãnh đạo. Để đội ngũ tự nguyện làm việc chăm chỉ, hiệu quả, chính người lãnh đạo phải thể hiện họ là người nhiệt huyết với công việc, kiên định với mục tiêu mà cả đội ngũ đều đang theo đuổi.
“Họ chính là những tấm gương để nhân viên nhìn và thực hiện theo. Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện ngay từ lần đầu email, trò chuyện và phỏng vấn ứng viên. Dù nhân viên của bạn có rời đi, văn hóa vẫn tiếp tục duy trì và không có kết thúc”, bà Thái Vân Linh chia sẻ.