Thương hiệu quốc gia, vị thế mới, giá trị mới

Nguyễn Khanh/ Báo Thanh Niên
 
Từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, có một điều rất tích cực cũng ‘bùng phát” trong xã hội, đó là người Việt Nam tự tin hơn về đất nước mình. Bởi vì thực tế cho thấy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia chống dịch thành công, được quốc tế ghi nhận.

Chống một cơn đại dịch dữ dội mang tính toàn cầu được, thì bản lĩnh và trí tuệ của người Việt Nam không hề là “nhược tiểu” như tính tự ti của không ít người. Chúng ta xóa ngay được mặc cảm đó, để có thể tự tin ngẩng đầu trong nhiều lĩnh vực khác.

Cụ thể nhất là lĩnh vực kinh tế. Và cụ thể trong cụ thể đó chính là sản xuất ra được những sản phẩm thương hiệu Việt.

Chúng ta từng nói đến “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để cổ xúy cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước. Nhưng đến thời này, việc cũ vẫn cứ làm, nhưng xây dựng thương hiệu Việt phải nâng lên ở tầm cao hơn, đặt vào tầm thời đại và chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản phẩm “Thương hiệu quốc gia” không có nghĩa chỉ là trong biên giới quốc gia, mà gắn thương hiệu quốc gia với sự phát triển kinh tế quốc tế, đứng chung được với các thương hiệu lớn trên thế giới. Thương hiệu thế giới có xu thế rất rõ, đó là giá trị công nghệ, thân thiện môi trường.

Thời đại số thì sản phẩm ưu tiên cũng là công nghệ, phải là những giá trị mang tính toàn cầu. Nếu chúng ta không có những đột phá về công nghệ, thì “mãi mãi là người đến sau”.

Trần Quí Thanh

 
—–
Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam (19 – 25.4) đã chính thức bắt đầu với rất nhiều hoạt động thiết thực. Thống kê cho thấy, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã tăng lên rõ rệt.

Thế nên, sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch đã hoành hành hơn 1 năm nay, sức khỏe của nhiều công ty đã giảm sút rõ rệt.

Từ năm 2003 tới nay, qua gần 20 năm triển khai, chương trình thương hiệu quốc gia đã thu hút sự quan tâm, tạo uy tín với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng. Minh chứng cụ thể nhất là giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo báo cáo của Brand Finance, năm 2020, Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu của quốc gia nhanh nhất thế giới (29%), so với năm 2019, lên 319 tỉ USD. Nhờ đó, thương hiệu quốc gia của Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

Trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có hiệu lực như CTTPP, EVFTA… Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 lấy chủ đề “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Vị thế mới, giá trị mới” là hết sức thiết thực, phù hợp. Nhưng đã xác định bối cảnh mới thì các thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng phải “bắt trend” với xu hướng mới của thời đại chứ không chỉ đơn thuần là chất lượng tốt, dịch vụ tốt. Vậy xu hướng tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ 21 và tương lai xa hơn là gì?

Đầu tiên là kinh tế số. Ở góc nhìn đơn giản, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen mua sắm, tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Thói quen mua sắm thay đổi khiến các doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chú trọng hơn vào quảng cáo số, dịch vụ vận chuyển… Nhìn xa hơn thì rõ ràng, những đột phá công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi những nền tảng truyền thống của kinh tế thế giới. Khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ số sẽ vẫn là động lực lớn cho sự phát triển ở cấp độ toàn cầu. Lịch sử thế giới chứng minh rằng các cuộc cách mạng công nghiệp là bước ngoặt thay đổi thứ hạng của nhiều quốc gia. Có những quốc gia bắt kịp, phát triển mạnh và có những quốc gia bị thụt lùi.

Thứ hai là phát triển xanh. Trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, xu hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là tất yếu. Kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng về mặt xã hội.

Thứ ba là sở hữu trí tuệ, yếu tố đóng vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế thời hội nhập. Một công ty có thể bảo mật tốt về công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa sẽ tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư lớn. Thế nên, một trong những vai trò của sở hữu trí tuệ là thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia. Đặc biệt, một quốc gia vững chắc về hệ thống quyền sở hữu trí tuệ sẽ có cơ hội tiếp nhận những công nghệ tiên tiến, hiện đại hơn với các quốc gia có sở hữu trí tuệ lỏng lẻo.
Dẫn một vài vấn đề để thấy, thương hiệu quốc gia, nhãn hiệu quốc gia không thể không gắn với xu hướng phát triển của thế giới. Vị thế của Việt Nam sau đại dịch đã khác nên thương hiệu cũng phải được tạo nên từ những giá trị mới.

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Thương hiệu….

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/vi-the-moi-gia-tri-moi-1371955.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *