Xuân Dương/ Báo GDVN
Trong các bệnh mà giáo dục mắc phải, bệnh “sợ chữa bệnh” là nguy hiểm nhất.
3. Bệnh dối trá ở những nơi khác
Báo Nhandan.com.vn viết về việc tặng giấy khen cho học sinh như sau:
“Một lớp có 40 học sinh nhưng có tới 38 học sinh được khen. Giấy khen không chỉ dừng lại ở việc khen các thành tích môn học, còn nhiều giấy khen khiến phụ huynh đọc xong phải bối rối…”. [11]
Khen mà khiến phụ huynh học sinh bối rối, không hiểu con em mình sao lại được khen. Lại có lớp chỉ duy nhất một học sinh không được tặng giấy khen, vậy đậy thực sự là khen thành tích của học sinh hay chỉ là trò vui cuối học kỳ?
Tất cả đều là cá biệt thì sẽ không có cá biệt.
Ra ngõ gặp người tài thì quốc gia sẽ không có người tài.
Tất cả nhân viên đều nói dối thì cơ quan sẽ không có người nói dối.
Những kết luận trên là chân lý hay chỉ là lời nói của kẻ “thần kinh”?
Năm học 2006-2007, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã phát động cuộc vận động “hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích”.
Kết quả là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc năm 2007 là 67,5%, năm 2008 tỷ lệ này là 75,96%, còn gần đây tỷ lệ đỗ luôn lớn hơn 95%.
Chỉ có hai khả năng xảy ra với kết quả thi cử như trên:
Hoặc là chất lượng giảng dạy trung học phổ thông những năm trước năm 2007 dưới mức bình thường hoặc là chất lượng giảng dạy vẫn thế nhưng vì “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích” nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm.
Nhiều người biết nhưng hình như ai cũng ngại nói ra khả năng nào trong hai khả năng nêu trên khiến tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm.
Một sự “hình như” khác ai cũng biết là vì sao có lúc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông gần 100% nhưng lại chẳng thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết kinh nghiệm, không thấy ai đưa vào công trình nghiên cứu hay tham luận tại các hội nghị ngoại trừ một số câu hỏi:
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%: Nên giữ hay bỏ kỳ thi? [12]
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%: Có nên bỏ kỳ thi THPT? [13]
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100%, có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia? [14]
Vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát hiện cho thấy sự dối trá không còn là cá biệt tại một vài cơ sở giáo dục hoặc trong một nhóm người mà là quy mô cấp tỉnh với thành phần tội phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền địa phương.
Vụ việc gióng lên hai câu hỏi:
Một là sự gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chỉ xảy ra vào năm 2018 hay còn cả những năm trước đó?
Hai là ngoài ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, có cơ sở nào để “yên tâm” khẳng định 60 tỉnh, thành phố còn lại không có gian lận thi cử vào năm 2018?
Bệnh dối trá trong giáo dục không chỉ làm băng hoại đạo đức một số người có chức, có quyền mà nguy hiểm hơn, nếu không kịp ngăn chặn sẽ làm băng hoại đạo đức rất nhiều học trò, những người sẽ kế tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước bởi sau con đường vào đại học là những vị trí đã được dọn sẵn trong cơ quan công quyền.
Thứ tư, bệnh không chịu tìm thuốc chữa
Biết là có bệnh, biết là bệnh gì, biết nguyên nhân gây bệnh nhưng cuối cùng thì không tìm thuốc chữa, đây phải chăng là căn bệnh “Sợ chữa bệnh”?
Truyền thông quốc tế, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách tại nhiều quốc gia ngạc nhiên, thán phục sự phát triển kinh tế của Việt Nam sau ba thập niên cải cách, mở cửa (một số chuyên gia gọi là đổi mới 1.0). Từ chỗ là nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, Việt Nam giờ đã được đánh giá là nước có thu nhập trung bình thấp.
Vấn đề là sau ba thập niên chú tâm vào làm ăn kinh tế, liệu có chuyện chúng ta đã và đang sao nhãng chuyện giáo dục và đào tạo?
Câu hỏi này được đặt ra một cách nghiêm túc bởi nhìn vào hai yếu tố bảo đảm thành công cho giáo dục là nhân lực và vật lực.
Về nhân lực giáo dục:
Gần đây hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai bỏ việc với nhiều lý do, một trong những lý do được báo chí đề cập là “làm cho tư nhân họ được trả lương khoàng 100 triệu đồng/tháng trong khi tại bệnh viện công họ chỉ thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng”.
Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập từ phổ thông đến đại học, nếu nhà giáo được trả khoảng 10 triệu đồng/tháng thì đó chắc chắn là mơ ước của rất nhiều người.
Phải chăng thu nhập là nguyên nhân duy nhất khiến phần lớn học sinh học lực khá, giỏi bỏ qua ngành sư phạm?
Biết xã hội quay lưng với nghề dạy học, biết không ít nhà giáo cắn răng bám nghề vì đã trót theo ngành sư phạm nhưng vì sao lại không dám trả lương cho nhà giáo như công an, quân đội? Vì sao sau quyết tâm “Đổi mới giáo dục và đào tạo” cuối cùng thì đến năm 2021 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại phải thanh minh:
“Lương mới của nhà giáo không thấp hơn mức hiện hưởng”
Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời thế nào về ý kiến trên báo Laodong.vn:
“Thu nhập theo lương mới giảm tới 3 triệu đồng, nhiều giáo viên băn khoăn”. [15]
Nếu đã xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển thì vì sao đến năm 2021 này, cả nước lại thiếu tới 95.000 giáo viên?
Nói đến nhân lực giáo dục, không thể quên đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Cán bộ quản lý giáo dục là một bộ phận thuộc đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và vì thế những hạn chế của đội ngũ này không nằm ngoài tình trạng chung.
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy riêng trong năm 2017, số văn bản trái pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là 1.236 văn bản, năm 2018 Bộ này đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật.
Điều đáng nói là phần đông cán bộ quản lý giáo dục được cất nhắc từ đội ngũ giáo viên, Họ được bổ túc kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị song gần như theo hình thức “vừa học, vừa làm”.
Báo chí viết về Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Dũng như sau:
“Ông Dũng sử dụng bằng tốt nghiệp trung học phổ thông không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc… Hiện ông Dũng có bằng cử nhân tiểu học, cao cấp chính trị”. [16]
Báo Nhandan.com.vn trong bài “Nhiều sai phạm của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòn Đất” viết:
“Những sai phạm, khuyết điểm của đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng (Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Hòn Đất) là rất nghiêm trọng, vi phạm Điều 1 và Điều 8 Quy định 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng uy tín tổ chức Đảng, tập thể cơ quan và bản thân đồng chí”. [17]
“Qua hơn một năm thực hiện việc kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức tại tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của tỉnh này phát hiện 284 cán bộ sử dụng bằng giả, trong đó có 107 viên chức ngành giáo dục”. [18]
“Cán bộ Sở Giáo dục sử dụng bằng giả”. [19]
Những thông tin mà báo chí nêu trên đây mới chỉ hé lộ một phần sự thật.
Việc để lọt vào hàng ngũ cán bộ quản lý những người như thế liệu ngành Giáo dục có liên đới chịu trách nhiệm cùng ngành Nội vụ hay đây không phải là lỗi của Giáo dục?
Về vật lực giáo dục:
Về điều này, có mấy vấn đề cần được làm rõ:
Một là công khai, minh bạch tỷ lệ phần trăm ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo;
Hai là công khai quy hoạch mạng lưới trường học 63 tỉnh, thành phố cả nước;
Ba là có chế tài điều chỉnh hành vi tăng học phí một cách tùy tiện của tất cả các loại hình trường học (dân lập, tư thục, công lập);
Điều kiện kinh tế hiện nay chưa cho phép nhà nước bao cấp toàn bộ nền giáo dục, để tập trung các nguồn lực cho giáo dục cần ban hành chiến lược tổng thể, theo đó Nhà nước tập trung ngân sách cho ba bậc học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong đó giáo dục tiểu học và trung học cơ sở phải là giáo dục bắt buộc.
Giáo dục trung học phổ thông và đại học hoạt động theo hình thức xã hội hóa, tăng cường tự chủ, xóa bỏ bao cấp.
Mong mỏi của tất cả những người quan tâm đến giáo dục là bao giờ thì cơ quan chức năng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 29-NQ/TW, theo đó ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đào tạo phải đạt ít nhất là 20% tổng chi ngân sách hàng năm.
Nhà nước có thể giao cho tư nhân hơn 170 ha đất rừng trồng thông đã 50 năm để làm sân golf nhưng vì sao lại chấp nhận tình trạng thiếu đất xây trường, thiếu phòng học đến mức hàng nghìn lớp học có sĩ số từ 50-60 học sinh (quy định là 35)?
Kết luận:
Trong các bệnh mà giáo dục mắc phải, bệnh “sợ chữa bệnh” là nguy hiểm nhất.
Phải chăng vì bận làm kinh tế, vì thành tích kinh tế nên tạm thời phải gác giáo dục sang một bên?
Phải chăng vì sợ chữa bệnh nên không muốn nghiên cứu tìm thuốc chữa hay vì giáo dục tuy không khỏe nhưng chưa đến mức đe dọa sự sống còn?
Rất nhiều câu hỏi cần phải nêu lên nhưng nếu bệnh nhân sợ chữa bệnh còn thày thuốc thì chỉ muốn kê bệnh chứ không kê đơn thì các “căn bệnh” trong giáo dục sẽ ngày càng trầm trọng./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/chay-viec-hang-tram-trieu-nham-mat-dua-chan-doi-lai-duoc-gi-438019.html
[2] http://hoinhabaovietnam.vn/Chay-bien-che-giao-vien-Tien-mat-tat-mang_n40528.html
[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/noi-buon-thi-cong-chuc-nganh-giao-duc-1243635575.htm
[4] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/can-cham-dut-tinh-trang-tu-nguyen-boi-khong-the-tu-choi-677445.html#inner-article
[5] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/quoc-sach-hang-dau-chu-truong-chinh-sach-va-thuc-hien-ky-1-post212615.gd
[6] https://laodong.vn/giao-duc/luong-giao-vien-se-duoc-xep-cao-nhat-trong-he-thong-thang-bang-luong-577507.ldo
[7] https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/luong-moi-cua-nha-giao-khong-thap-hon-muc-hien-huong-S1MJowpGR.html
[8]https://vtv.vn/giao-duc/nan-giai-voi-tinh-trang-thieu-giao-vien-20210418220600516.htm
[9] https://tuoitre.vn/si-so-hoc-sinh-can-tro-chuong-trinh-moi-20200826083543528.htm
[10] https://www.giaoduc.edu.vn/ngan-ngua-hoc-sinh-noi-doi.htm
[11] https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-songtre/boi-roi-voi-giay-khen-hoc-sinh-tieu-hoc-296185/
[12] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/ty-le-do-tot-nghiep-thpt-gan-100-nen-giu-hay-bo-ky-thi-332781.vov
[13] https://tienphong.vn/ty-le-do-tot-nghiep-gan-100-co-nen-bo-ky-thi-thpt-post966471.tpo
[14] http://laodongxahoi.net/ty-le-do-tot-nghiep-gan-100-co-nen-bo-ky-thi-thpt-quoc-gia-1307278.html
[15] https://laodong.vn/ban-doc/thu-nhap-theo-luong-moi-giam-toi-3-trieu-dong-nhieu-giao-vien-ban-khoan-832177.ldo
[16] https://thanhnien.vn/giao-duc/ky-luat-truong-phong-gd-dt-chua-tot-nghiep-thpt-1082027.html
[17] https://nhandan.com.vn/dang-va-cuoc-song/nhieu-sai-pham-cua-truong-phong-giao-duc-va-dao-tao-huyen-hon-dat-377579/
[18] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/284-can-bo-o-soc-trang-dung-bang-gia-20110708115937833.htm
[19] https://vnexpress.net/can-bo-so-giao-duc-su-dung-bang-gia-2429132.html
NGUỒN: Theo Báo Giáo Dục Việt Nam
Link bài: Giải mã…
https://giaoduc.net.vn/goc-