—–
Đã có nhiều hội thảo về định hướng phát triển TPHCM như đô thi thông minh, cơ chế đặc thù cho chính quyền đô thị. Hội nghị nào cũng sôi nổi, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp rất hay.
Nhưng trên thực tế, sự chuyển động của đời sống xã hội của thành phố này mới là câu trả lời cho mọi lý thuyết. Người dân không quan tâm đến các lý con số siêu đẹp trên giấy hoặc từ các phòng hội nghị, mà cần thụ hưởng các giá trị thật. Người dân phải sờ được, thấy được, cảm nhận được các sản phẩm hành chính, sản phẩm quản lý do chính quyền tạo ra.
Ví dụ, đã nói tới thông minh thì người dân, doanh nghiệp chỉ cần ngồi ở nhà, ở văn phòng cũng có thể thực hiện được mọi thủ tục hành chính mà không cần phải đến cơ quan chính quyền.
Đã nói tới chính quyền điện tử thì không thể có chuyện cán bộ của các cơ quan xách xe chạy đi họp trực tiếp, không có chuyện chi phí cho cán bộ công chức bay đi bay lại để họp hành, hội nghị, hội thảo.
Đã là số hóa thì doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành bằng cách thủ công. Tất cả các thủ tục đó được xử lý bằng các ứng dụng của một chính quyền điện tử.
Đã là đô thị thông minh thì hệ thống camera giám sát giúp quản lý đô thị, trật tự an toàn xã hội, người dân yên tâm được sống môi trường an toàn.
Đã là thông minh thì phải hiện đại, vậy thì sẽ không thể có một thành phố đầy rác.
Đã là thông minh thì không thể để cho ngập lụt, người dân phải đi lại khổ sở trong mùa mưa như bao năm qua.
Đã là đô thị thông minh thì tổ chức giao thông khoa học, hạn chế tối đa kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Đã là đô thị thông minh thì không thể để cho bầu không khí ô nhiễm vượt mức cho phép nhiều lần, không để cho ô nhiễm âm thanh bằng tiếng còi xe inh ỏi, loa kẹo kéo đầy đường và karaoke tra tấn ngày đêm.
Người dân cần những điều thiết thực nhất cho đời sống của mình hằng ngày, ở chất lượng cao. Có được các giá trị đó thì dù không treo một câu khẩu hiệu nào, dân cũng biết họ đang sống trong một đô thị thông minh.
Trần Quí Thanh
—–
Đó là ý kiến của các chuyên gia nêu ra tại Hội thảo “Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được UBND TP.HCM tổ chức.
Nhấn mạnh trong hơn 45 năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, trong phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng thời cho biết thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Ở tầm nhìn xa hơn (đến năm 2045) thành phố sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng sống cao.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để làm được điều đó, thành phố nhận thức cần phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù, nhất là khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của mình. Đồng thời tìm kiếm các mô hình, giải pháp đột phá để phát triển thành phố trong bối cảnh mới: “Việc tổ chức hội thảo là một trong nhiều giải pháp để thành phố lắng nghe các ý kiến, hiến kế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên mạnh mẽ của thành phố, hướng tới là một đại đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế”, ông Phong nói và mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, hiến kế và các giải pháp của đại biểu để phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Là người mở đầu cho phần tham luận, TS. Trần Du Lịch nêu một số ý kiến xoay quanh vấn đề làm gì để TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống “Năng động, sáng tạo” và giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước? Ông cho rằng, thách thức đối với sự phát triển của TP.HCM trong 10 năm tới là phải vượt qua những rào cảng về tâm lý và thể chế để hình thành được tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm thế nào thành phố trở thành “một điểm đến” thu hút các doanh nghiệp toàn cầu, là điểm ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng chính là thách thức đối với TP.HCM.
Nhìn lại quá trình phát triển thành phố trong 20 năm gần đây, TS. Trần Du Lịch nói có nhiều vấn đề đặt ra cho bài toán phát triển bền vững của một siêu đô thị. Sự bất cập trong mô hình quản lý một đô thị loại đặc biệt như TP.HCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000 với sự hình tượng dễ hiểu là “thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”.
Theo TS. Trần Du Lịch, giải quyết các vấn đề phát triển đô thị sẽ tạo động lực phát triển kinh tế. Trong vài thập niên tới một siêu đô thị của “Vùng TP.HCM” sẽ hình thành. Do đó, vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất là phải triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng đô thị TP.HCM. TP.HCM là hạt nhân phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do vậy, các quy họach, định hướng phát triển của thành phố phải gắn kết chặt chẽ với toàn vùng. Đồng thời, cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy “phát triển kinh tế vùng” thay cho tư duy “kinh tế tỉnh” thông qua cơ chế điều hành kinh tế và phân bố ngân sách của Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong đó, khi lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch cần lồng ghép chính sách phát triển vùng trong nội dung thực hiện quy hoạch.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này thì đối với một vùng kinh tế trọng điểm cần liên kết phát triển bốn nội dung, gồm: Quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; Liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; Liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung.
Ông cũng cho rằng, thế mạnh về 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 nhóm ngành công nghiệp và sản phẩm chủ lực khi định hướng phát triển kinh tế thành phố trong 10 năm tới phải phát triển trên nền tảng công nghệ số. “Trong những năm tới cần ưu tiên những chính sách và giải pháp mang tính đột phá. Đó là sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối Vùng và cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của TP.HCM…
Chúng ta hay nói là cơ chế đặc thù cho thành phố nhưng quan điểm của tôi là không cần cơ chế đặc thù mà cơ chế phù hợp với siêu đô thị”, TS. Trần Du Lịch nhận định.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, cho rằng chính quyền thành phố khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố để phù hợp với yêu cầu phát triển, ứng phó những thách thức mới. Ông Hùng phân tích, về quy hoạch đô thị, dân số TP.HCM hiện nay đã vượt quá chỉ tiêu dự báo dân số cho năm 2025, phân bổ không đồng đều giữa các khu vực. Hệ thống giao thông đô thị đã có quy hoạch nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, chưa có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đô thị hóa ở nhiều khu vực tương đối tự phát.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quy hoạch chung xây dựng phải phù hợp quy hoạch phát triển thành phố theo Luật Quy hoạch, phải đặt trong mối quan hệ liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có phân kỳ phù hợp và lộ trình thực hiện khả thi. Nghiên cứu định hình rõ mô hình đô thị thành phố với vai trò siêu đô thị là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP.HCM.
Các chương trình dự án quan trọng của thành phố phải đặt trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn, có tính thực thi cao. Khu vực đô thị hiện hữu và thành phố Thủ Đức có thể phát triển thành trung tâm tài chính, đô thị thông minh. khu vực Cần giờ thành khu dự trữ sinh quyển; xem xét hướng phát triển mới lên Củ Chi vì có địa hình tương đối cao. Việc lập quy hoạch cần bám sát các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Một vấn đề khác, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng là hiện nay công tác thu gom, xử lý rác thải cũng cần được chú trọng hơn do tỷ lệ chôn lấp rác còn rất cao. Thành phố cần nghiên cứu, có chiến lược lâu dài để có thể chủ động giải quyết yêu cầu về xử lý rác thải áp dụng công nghệ đốt.
Về phát triển nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, lãnh đạo TP.HCM cần sắp xếp thứ tự ưu tiên theo từng nhóm, trước hết chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp, cải tạo nhà ở chung cư cũ và nhà ở ven kênh rạch. Đối với phân khúc nhà ở thương mại, cần tiếp tục nghiên cứu để ưu tiên một phần tỷ trọng quỹ nhà nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, gắn với liên kết vùng để người dân các tỉnh có thể đến làm việc ở thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM cần đổi mới mô hình quản lý đô thị, cụ thể, khi xuất hiện các khu vực có tính liên kết cao giống như thành phố Thủ Đức thì có thể thành lập đơn vị hành chính độc lập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy sáng tạo, giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý siêu đô thị.
Góp ý cho định hướng phát triển của TP.HCM, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cũng đã chỉ ra các hạn chế và đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá. Ông cho rằng thay vì chỉ coi TP.HCM là đầu tàu của cả nước (điều đó đúng nhưng chưa đủ), thì cần coi TP.HCM là siêu đô thị toàn cầu, trung tâm kinh tế – tài chính – văn hóa ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là châu Á. Đây là vị thế mà TP.HCM nên hướng tới và để hiện thực hóa vị thế này thành phố cần có một số ưu tiên chiến lược thay vì chọn làm quá nhiều thứ cùng một lúc sẽ không đủ nguồn lực cả về thời gian, con người và thể chế tổ chức để thực hiện. Lựa chọn ưu tiên của TP.HCM, theo TS. Tự Anh là hạn chế và tiến tới không còn ngành công nghiệp và quyết liệt chuyển sang dịch vụ, bởi lẽ đây là xã hội hậu công nghiệp. “Nếu TP.HCM tiếp tục định vị mình như một thành phố phát triển công nghiệp thì không chỉ bất khả thi, mà còn đánh mất cơ hội của TP.HCM trong 10-20 năm nữa”, vị chuyên gia này nói.
Vấn đề tiêp theo được TS. Vũ Thành Tự Anh chỉ ra là xác định động lực phát triển và ông cho rằng “trong 10 năm tới, động lực của thành phố phải là năng suất”. Để nâng cao năng suất, TP.HCM phải phát triển được khu vực tư nhân nội địa và tăng cường cạnh tranh nội địa. Cùng với đó là mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; đưa ra được các chính sách khuyến khích tăng năng suất, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, cần hình thành các cụm ngành then chốt của TP.HCM, phải hình thành cụm ngành then chốt, trong đó phát triển trung tâm tài chính quốc tế của cả nước tại TP.HCM.
Một điều quan trọng nữa là TP.HCM cần chuyển sang nền kinh tế có tính đổi mới sáng tạo chứ không thuần túy dựa vào đầu tư, điều đó đòi hỏi thành phố phải có nhân lực có kỹ năng rất cao, có cơ sở khoa học, công nghệ, có các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo các cụm ngành có năng lực cạnh tranh nổi trội: “Cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2030 – 2045 không chỉ đơn thuần là điện, đường, trường, trạm mà là cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, truyền thông, khả năng chia sẻ, bảo mật dữ liệu. Việc hội nhập quốc tế giữ vai trò quan trọng nhưng thành phố phải xem nội lực là then chốt. Thành phố cũng sẽ phải cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư, trở thành “đất lành” cho người dân và “lót ổ” đón “đại bàng” (doanh nghiệp lớn) đến với mình”, TS. Tự Anh nêu ý kiến.
Ngoài ý kiến của các chuyên gia nêu trên, hội thảo cũng được nghe những góc tiếp cận khác của nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực hữu quan, đại diện bộ/ban ngành và lãnh đạo các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang… Các ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề, gồm: Đô thị bền vững, đô thị thông minh trong đó cần tập trung đẩy nhanh chính quyền số, xã hội số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; Định hướng cơ cấu kinh tế thành phố trên quan điểm kinh tế vùng, kết nối giao thông và giao thương của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo và mô phỏng kinh tế – tài chính bằng việc phát triển điện toán lượng tử hay ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh, xã hội số; Kinh tế tuần hoàn và gợi ý một số chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại thành phố hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; Phát triển nguồn nhân lực TPHCM, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, một số giải pháp để thu hút các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời gian tới; Phát triển du lịch bền vững, an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế – xã hội, mô hình bệnh viện thông minh, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, định hướng phát triển ngành cấp nước…
Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những ý kiến rất hữu ích và ghi nhận tất cả các ý kiến, góp ý, hiến kế để nghiên cứu, chuyển hoá thành những giải pháp cụ thể, đưa vào công tác lập nhiệm vụ quy hoạch của thành phố. Ông Phong cũng thông tin là hiện nay, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý dự án, Hội đồng thẩm định dự toán nhiệm vụ lập quy hoạch. Đồng thời, giao Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND quận/huyện và thành phố Thủ Đức hoàn chỉnh Đề cương và xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch lập quy hoạch, dự toán kinh phí lập quy hoạch.
Qua buổi hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Viện Nghiên cứu Phát triển, hệ thống lại các ý kiến góp ý, hiến kế của các đại biểu, phân nhóm theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề và chuyển thể thành đầu bài đặt ra cho công tác lập quy hoạch thành phố. Đồng thời, mời gọi các đơn vị tư vấn, uy tín trong và ngoài nước tham gia lập quy hoạch TP.HCM. Kinh phí có thể một phần ngân sách và một phần xã hội hóa để công tác quy hoạch phải đạt chất lượng cao nhất, chuyển tải được những khát vọng vươn lên mạnh mẽ của TP.HCM.
“Hiện nay, thành phố đang chuyển mình trở thành đô thị sáng tạo, thành phố thông minh. Thành phố mong muốn thông qua công tác quy hoạch để chuyển thể những khát vọng phát triển của mình. Trong đó, những ý kiến góp ý, hiến kế tại Hội thảo hôm nay là rất quan trọng, là những tư liệu hết sức quý giá để TP.HCM áp dụng vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, là đầu bài để lập quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045”, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu.
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Tp. HCM…
https://nguoidothi.net.vn/tp-