Nguy hiểm như bệnh dịch

Kim Trí/ Báo Thanh Niên

Nguồn hình: cafef.vn

Từ khi bùng dịch lần một vào đầu năm 2020, đã có nhiều trường hợp bị xử phạt vì đưa tin sai sự thật. Tui còn nhớ một bản tin với cái tít khá thú vị, “Thừa Thiên – Huế: Viết 10 chữ trên facebook, một phụ nữ bị phạt 5 triệu đồng”.

Có những người đưa thông tin sai sự thật vì hóng hớt mà ra, nhưng không ít người ác tâm, muốn gây hoang mang cho xã hội. Còn có những người muốn gây sự chú ý, câu view, câu like, nên thích bịa đặt hay chia sẻ những tin tức giật gân, không cần kiểm chứng, bất chấp sự thật.

Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, chính quyền và người dân căng mình phòng dịch, cộng đồng xã hội phải chịu nhiều thiệt hại vì các hoạt động kinh doanh, thương mại bị hạn chế, thì rất cần những thông tin chính xác, với thái độ chia sẻ và cảm thông.

Nhìn rộng ra, sẽ thấy mạng xã hội có quá nhiều thông tin tiêu cực, sai sự thật, gây thiệt hại và tổn thương cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Không ít người hả hê đưa tin, hoặc chia sẻ thông tin sai sự thật về cá nhân hay doanh nghiệp nhưng không chịu trách nhiệm. Họ đưa tin nhưng không quan tâm đến sự thiệt hại của đối tượng, họ làm điều ác một cách tự nhiên, tự do, trong một xã hội có pháp luật.

Đã có nhiều người bị tổn thương, đau khổ, đặc biệt doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do những thông tin bịa đặt, bôi xấu trên mạng xã hội, nhưng chẳng biết kêu ai, hoặc “chờ mạ thì má sưng”.

Thông tin bịa đặt tràn lan như nạn dịch trên mạng xã hội, gây thiệt hại ghê gớm, và sự ác tâm trong cộng đồng là môi trường cho virus  hoang tin lây lan. Dập được loại dịch này không dễ, nó đang lây nhiễm trên diện rộng và không mấy ai có ý thức phòng dịch cũng như điều trị khi bị lây nhiễm.

Chỉ có pháp luật trị loại dịch này.

Đừng nói tới văn minh khi con người còn ứng xử với nhau mông muội, và đừng nói tới trật tự xã hội khi pháp luật không được tôn trọng và thực thi nghiêm minh.

Trần Quí Thanh

—–

Tuần qua, Công an H.Hòa Vang (Đà Nẵng) đã lập biên bản xử phạt một công dân về hành vi đưa thông tin sai sự thật.

Người này đã dùng kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân Covid-19, sửa chữa tên tuổi, năm sinh, địa chỉ rồi tung lên mạng gây hoang mang dư luận. Ngày 7.5, Công an tỉnh Hà Nam cũng đã xử lý vi phạm hành chính 2 người dùng Facebook với số tiền 15 triệu đồng do đưa thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh ở địa phương…Tương tự, hôm qua (10.5), Cơ quan Công an tỉnh Quảng Bình cũng đã làm việc với một phụ nữ vì tung tin địa phương này có người nhiễm Covid-19.

Những vụ việc như trên cứ thỉnh thoảng lại bùng lên mỗi khi dịch bệnh bùng phát. Giờ đây, dù phần lớn cộng đồng đã hiểu biết hơn về dịch bệnh, bình tĩnh và hoàn toàn tin tưởng vào năng lực chống dịch của Việt Nam, nhưng những thông tin lệch lạc, gây bất ổn vẫn gây ra tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân; gây hiểu sai về các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền…

Cơ quan chức năng các địa phương đã liên tục đưa ra nhiều khuyến cáo “không chia sẻ, phát tán các thông tin thiếu nguồn gốc, thiếu kiểm chứng, đặc biệt là các thông tin liên quan đến dịch bệnh” lên mạng xã hội. Công an các địa phương cũng đã tích cực truy tìm các nguồn phát tán thông tin về dịch bệnh sai sự thật để giáo dục, xử lý.

Bộ Công an thống kê từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay đã làm việc với gần 1.000 trường hợp như trên và xử lý gần 150 trường hợp, trong đó có cả những người nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhờ đó, trong đợt dịch lần này, các trường hợp cố tình đưa tin sai sự thật về dịch bệnh có giảm, nhưng chưa dứt. Qua đó cho thấy, hình như các biện pháp xử phạt hành chính, phạt tiền chưa đủ sức làm thức tỉnh những Facebooker thiếu ý thức, chỉ thấy cái lợi của cá nhân mình (tăng view, tăng like, tăng tương tác…) mà bất chấp những tác hại gây ra cho xã hội.

Ý thức được tác hại này, gần đây các trang mạng nghiêm túc đã thẳng tay loại bỏ hầu hết các thông tin không có nguồn gốc, không đáng tin cậy; trước mắt là vì cộng đồng, sau đó là vì sự tồn tại của chính mình. Cộng đồng mạng cũng kêu gọi sự cảnh giác, cùng nhau lên án, “bóc phốt” những nguồn tin thiếu kiểm chứng, sai trái.

Đó là những tín hiệu đáng ghi nhận và cho thấy có sự chuyển biến tích cực của người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những cá nhân thiếu ý thức, được sự cổ vũ của những người thiếu hiểu biết làm phát tán những thông tin gây tác hại đến công cuộc phòng chống dịch bệnh của toàn xã hội, để phải bị giáo dục, phạt tiền. Để tránh những tác hại to lớn hơn, các chuyên gia pháp lý cho rằng tuyên truyền và phạt tiền có lẽ chưa đủ, đến lúc cần đến cả hình thức xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự cũng đã được đề cập đầy đủ trong các quy định về xử phạt của nhà nước.

Nghe thì có vẻ “lên gân”, nhưng ai cũng hiểu “chống dịch như chống giặc”. Các thông tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh cũng có tác hại không thua gì dịch bệnh. Vì vậy, cũng cần xem việc phát tán thông tin dịch bệnh sai sự thật ngang với hành vi phát tán dịch bệnh.

NGUỒN:  Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Nguy hiểm…

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/nguy-hiem-nhu-benh-dich-1381559.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *