Phúc Tiến/ Báo Người Đô Thị
Bà cụ tóc trắng như bông, thanh thản ngồi ký tặng sách, chung quanh là các bạn trẻ tuổi đôi mươi. Đó là hình ảnh khó quên trong một buổi tối tháng 3.2017 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình. Bà cụ chính là nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, sau 4 thập kỷ sống thầm lặng và khó nhọc ở tỉnh lẻ, bất ngờ ra mắt 10 tác phẩm được phép tái bản cùng lúc.
Cũng tại không gian văn hóa thánh thiện ấy, vào một tối tháng 8 cùng năm, trong lúc ngoài trời mưa rào rạt, cuộc gặp gỡ nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn chen chúc người dự. Tác giả những bài hát Không tên nổi tiếng, nay sống xa xứ, chính thức “có tên” trở lại với khán giả cùng những bài hát bị cấm một thời. Tại đây, ông đã trình bày ca khúc mới Đời đá vàng và Nếu không gặp lại ở thế gian. Xem ra, ngày càng có nhiều tác phẩm văn nghệ và tác giả như ông, từ trong bóng tối đau buồn, đã và đang bước ra đĩnh đạc “gặp lại thế gian”!
Thế gian “gặp lại” ánh sao xưa
Trước đấy, cuối năm 2016, một bài hát bất hủ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng “bước ra” từ danh sách cấm. Bài hát Ly rượu mừng trở thành ca khúc phổ biến trong các chương trình âm nhạc mừng Xuân, như từng là phong vị Tết không thể thiếu trong thế kỷ trước. Càng vui hơn, từ cuối tháng 12.2020, Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch (VH-TT-DL) bãi bỏ việc cấp phép phổ biến bài hát sáng tác ở miền Nam trước tháng 4.1975. Mới đây, 5 quyển tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, cây bút nữ từng làm dậy sóng văn đàn với tiểu thuyết Vòng tay học trò, đã về lại với “vòng tay bạn đọc” vào tháng 3.2021.
Theo nghiên cứu của GS. Huỳnh Như Phương, từ sau tháng 4.1975 đến năm 2013, đã có khoảng 150 nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, dịch giả ở miền Nam có sách tái bản trong nước (1). Con số này còn chưa tính đến một số tác giả thời kỳ tiền chiến (trước 1945) và các tác giả ở miền Bắc sau 1954, vốn dĩ nhiều năm trước nằm trong các “danh mục sách cấm”. Giờ đây, công chúng, không chỉ miền Nam mà cả nước, gồm cả những thế hệ trong và sau chiến tranh, đang khám phá và tái khám phá một cách đường hoàng không ít các tác phẩm văn nghệ – tưởng chừng đã “mất tích” sau nhiều biến động lịch sử.
Với văn chương, có lẽ hành trình khám phá ấy, khởi đầu “dọ dẫm” từ một số thi phẩm của Bùi Giáng (1987) và nhất là tiểu thuyết của Dương Nghiễm Mậu (2007) – khi tái bản đã gây không ít tranh luận. Sau đó và cho đến hiện giờ, đã tái xuất hiện một số tác phẩm của các nhà văn thành danh ở miền Nam, như: Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Viên Linh, Du Tử Lê, Nguyễn Vỹ, Lê Xuyên, Lê Tất Điều, Võ Phiến (Tràng Thiên)… Kể cả truyện cho tuổi teen, như nhiều tập của tủ sách Tuổi Hoa được xuất bản năm 2017, theo dạng “phục chế” nguyên bản từ nội dung đến hình thức.
Trong khi ấy, với triết học, là các tác phẩm nổi tiếng của Trần Trọng Kim, Nguyễn Đăng Thục, Thích Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Kim Định… hay sử học như sách Trần Trọng Kim, Lê Văn Siêu, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Văn Hầu, Huỳnh Văn Tòng…
Trước đó nữa, từ thời kỳ đổi mới mở hé (1987), sách khảo cứu của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung… đã lần lượt “hồi sinh”. Tất cả đều bổ sung kịp thời cho thế giới sách học thuật xã hội và nhân văn hiện tại, vốn được coi là lĩnh vực rất “nhạy cảm” về dị đồng quan điểm.
Cũng từ thời kỳ đổi mới đến nay, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng và Tự Lực Văn Đoàn (Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo…), từng có mặt đầy đủ trong các sách giáo khoa quốc văn miền Nam, đã được tái bản. Đặc biệt, một số tác phẩm của các tác giả can dự vào vụ án Nhân văn – Giai phẩm năm 1957 ở miền Bắc như Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng… ngỡ như “tan biến”, cũng đã trở lại.
Chính nhờ đổi mới, nhiều người trong họ còn được phục hồi tên tuổi và được phổ biến tác phẩm, bao gồm cả những trang viết trong những năm tháng tai ương. Ngoài họ, tác phẩm tiếng Việt và tiếng Pháp của Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh – hai cây bút uyên bác thời Pháp thuộc, từng bị lên án nặng nề, cũng “tái ngộ” các thế hệ bạn đọc.
Khám phá kho báu lớn
Với mỹ thuật, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Chức – “cuộc hòa đồng” của giới hội họa sau chiến tranh bắt đầu sớm hơn. Nhìn chung, tác phẩm của các họa sĩ miền Nam không bị “nhập kho”, hay bị phê phán khắc nghiệt. Từ thời kỳ đổi mới đến nay, tranh của các tác giả nổi tiếng của miền Nam như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đỗ Quang Em, Văn Đen, Duy Thanh, Nguyễn Trí Minh, Rừng… được giới thiệu rộng rãi. Tranh còn được các bảo tàng mỹ thuật của Nhà nước mua và trưng bày.
Các bức tranh này ngày càng được giới sưu tập và thưởng ngoạn trong, ngoài nước “săn lùng” không kém so với tranh của các họa sĩ xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng cho rằng các tác phẩm văn nghệ từ thế kỷ trước vẫn có thể phải chịu “cách biệt thế hệ” với công chúng ngày nay. Tuy nhiên, một cách khiêm tốn, bà cho rằng chúng vẫn có thể dùng cho nghiên cứu, học hành và ngay cả tiêu khiển, giải trí (2). Mặc dầu vậy, công chúng nhiều thế hệ khi khám phá các tác phẩm một thời được coi là khác “quan điểm, lập trường” chính thống, hẳn ngạc nhiên trông thấy có một “kho tàng” đa dạng, nhiều sắc thái chưa từng biết.
Công chúng có thể phát hiện “nguồn của cải” này không chỉ có tiểu thuyết, sách khảo cứu, âm nhạc, mỹ thuật, phim ảnh mà còn bao gồm triết lý, tâm linh, phong tục, lễ nghi, trang phục và các tri thức giáo dục. Với những gì đã chính thức tái xuất hiện, người sử dụng không khó để nhận ra các giá trị lấp lánh nhất tại đây vẫn là tính dân tộc, lòng yêu chuộng hòa bình và nhân ái, tinh thần tự do và sáng tạo.
Khơi thông con đường đã mở
Ấn tượng về những cuộc tịch thu và đốt bỏ sách báo, những danh sách cấm, những cuộc “đấu tố – kiểm thảo”- sau tháng 7.1954 và tháng 4.1975, vẫn còn trong ký ức nhiều người. Đây đó vẫn bàng bạc những nỗi lo bị quy chụp “phản động” hay “đồi trụy” trong các tác giả xưa và nay. Bên cạnh đấy, những ai muốn khôi phục diện mạo văn hóa của các thời kỳ lịch sử không khỏi buồn lòng khi thấy không ít sách vở, tài liệu, hiện vật xưa ở các thư viện và các nơi lưu giữ tài liệu đã mai một, thất thoát trong nhiều năm qua.
Đó chính là những “vật cản” sản sinh từ một thời ấu trĩ và cực đoan trên con đường khơi thông văn hóa đã mở. Việc xóa đi những “vật cản” ngàn cân ấy là cả một quá trình kiên nhẫn và khéo léo. Trong đó, theo chúng tôi, trước nhất cần có đòn bẩy pháp lý mạnh mẽ. Cần xem xét, hủy bỏ những quy định cũ kỹ, không còn phù hợp với luật pháp hiện hành và thời đại. Đặc biệt, cần khởi đầu bằng việc thẩm định các quy định và danh mục về sách bị cấm lưu hành đã ra đời hơn 40 năm trước!
Theo Nhà nghiên cứu, TS. Trần Trọng Đăng Đàn, có ba văn bản (3) liên quan việc cấm lưu hành nhiều sách báo xuất bản ở miền Nam trước đây. Chúng bao gồm hai thông tri số 218/CT.75 (tháng 8.1975) và số 15/TTVH/MCTH (3.1976) của Bộ Thông tin- Văn hóa Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Kế đến là thông tri 12030/STTVH/XB (tháng 5.1977) của Sở Thông tin – Văn hóa TP.HCM. Cả ba văn bản đều kèm theo các danh mục sách cấm lưu hành.
Văn hóa chính là chất men kỳ diệu giúp con người đồng văn, đồng chủng gắn bó keo sơn vì mục tiêu cộng đồng hùng cường và văn minh! |
Cũng theo TS. Trần Trọng Đăng Đàn, người tổng hợp ba danh mục này, đã có đến 820 bút danh của tác giả có sách thuộc diện bị cấm, trong đó số bị cấm toàn bộ là 130 (chưa kể 17 tác giả truyện kiếm hiệp cũng bị cấm theo danh mục riêng). Trong khi ấy, bản tổng hợp danh mục các “sách tiếng Việt tạm được lưu hành” cho thấy chỉ có 1.607 tựa sách. Chủ yếu số này là sách khoa học – kỹ thuật, sách giáo khoa toán, lý, hóa, sinh và ngoại ngữ (không có sách về xã hội, nhân văn), sách từ điển chuyên môn. Còn lại, không thấy có các tựa sách về văn chương, nghệ thuật hay khảo cứu.
Thông tri 218/CT.75 cho biết danh mục sách cấm chỉ mới là kết quả nghiên cứu, phân loại bước đầu của một bộ phận công tác để thông báo “cấm lưu hành trong nhân dân”. Đồng thời, thông tri đề nghị chính quyền địa phương “có biện pháp tổ chức thu hồi các sách báo đó về cơ quan lưu trữ của địa phương”. Mặt khác, tại các thư viện, thông tri yêu cầu các sách báo trên “cũng cần phân loại, cất riêng, chủ yếu để cán bộ có trách nhiệm nghiên cứu khi cần thiết chớ không để cho nhân dân mượn xem”.
Giờ đây, sau bốn thập kỷ đất nước đã thay đổi nhiều mặt, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ VH-TT-DL cần tổ chức hội đồng chuyên môn liên ngành để thẩm định nội dung của các văn bản cấm sách và các bản danh mục sách cấm. Theo chúng tôi, trong tinh thần “dân biết, dân bàn, dân thụ hưởng”, cần công bố các danh mục sách cấm qua báo chí và các diễn đàn của giới nghiên cứu, xuất bản, cùng các hội đoàn chuyên môn, để lấy ý kiến đóng góp sửa đổi một cách rộng rãi. Trong thực tế, một số tên tác giả và tựa sách trong danh mục sách cấm thực sự đã được “giải tỏa”. Cho nên, Bộ VH-TT-DL không thể không xem xét đồng bộ, đầy đủ toàn bộ các danh mục, kể cả các loại sách cấm theo những văn bản nhất thời, không rõ ràng.
Đồng thời, để phục vụ việc thẩm định trên, Bộ VH-TT-DL nhất thiết phải yêu cầu các thư viện hay cơ quan lưu trữ, bảo tàng, nghiên cứu trực thuộc các ngành khác trên cả nước cần làm ngay việc tổng kiểm kê các sách báo thuộc diện cấm lưu hành từ nhiều thời kỳ trước, đã từng được lưu giữ và còn lưu giữ ở các cơ quan này. Các vụ mất mát, thanh lý sách báo xưa cần được điều tra kỹ lưỡng để làm rõ và truy cứu trách nhiệm cá nhân.
Cùng với tổng kiểm kê, Bộ VH-TT-DL và các ngành liên quan không thể không triển khai kế hoạch số hóa toàn bộ các sách báo tài liệu còn lưu giữ để công chúng dễ dàng truy cập. Đặc biệt là hai nguồn sách báo quý hiếm tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (nay trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao) và Thư viện Khoa học xã hội (ra đời từ 1920, nay trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Mới đây, Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam đã phối hợp đưa lên internet toàn bộ các sách báo của Đông Dương từ 1922-1954 còn lưu giữ tại hai thư viện (4). Điều này cho thấy kế hoạch “số hóa” các kho tàng văn hóa, trong đó nổi bật là sách báo là rất cần thiết và khả thi.
Sau sách báo, Bộ VH-TT-DL cần làm những việc tương tự trong các lĩnh vực mỹ thuật, phim ảnh, ca nhạc, sân khấu… Với sách giáo khoa xã hội và nhân văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khuyến khích các nhà làm sách giáo khoa sử dụng tham khảo nguồn tư liệu quý giá này và rất nên tái bản các sách giáo khoa tiêu biểu, như cách đã làm với bộ sách quốc văn giáo khoa thư thời Pháp thuộc do học giả Trần Trọng Kim chủ biên.
Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỷ. Kinh tế thị trường và vai trò tư nhân được chào đón trở lại từ 30 năm trước. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định và công ước quốc tế về kinh tế, chính trị và văn hóa. Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm chúng ta cần chọn lọc, nâng niu và tái sử dụng kho tàng văn hóa của cha ông, cũng như của nhiều thời kỳ lịch sử để tăng thêm nguồn lực hưng thịnh đất nước. Xét cho cùng, làm việc này cũng nhằm đẩy mạnh việc hòa giải dân tộc, trong đó đừng quên hòa giải văn hóa là vô cùng quan trọng. Bởi văn hóa chính là chất men kỳ diệu giúp con người đồng văn, đồng chủng gắn bó keo sơn vì mục tiêu cộng đồng hùng cường và văn minh!
NGUỒN: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Hoà giải…
https://nguoidothi.net.vn/hoa-