ST25 và bài học chọn tên nhãn hiệu

Ngân Trần/ Báo TBKTSG
 
—–
Sau vụ gạo ST 25 của kỹ sư Hồ Quang Cua bị một số công ty ở Mỹ và Úc đăng ký bảo hộ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực sự quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ và bảo hộ thương hiệu của mình.

Một sản phẩm nổi tiếng luôn bị nguy cơ sao chép trái phép, cho nên phải  đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và xác lập phạm vi bảo hộ.

Hội nhập với thị trường thế giới, điều quan trọng nhất chính là các doanh nghiệp, đặc biệt là start up nhận thức một cách rõ ràng về sở hữu trí tuệ, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu. Công việc này không phải đợi khi sản phẩm của mình đã thành công trên thị trường, mà ngay khi nó còn trong “trứng nước”.

Doanh nghiệp có nhận thức về tự bảo vệ tài sản trí tuệ, việc còn lại đã có các cơ quan, tổ chức chuyên ngành hỗ trợ. Luật pháp về bảo vệ tài sản trí tuệ đã có đầy đủ, căn cứ vào luật mà thực hiện. Chỉ khác nhau ở chỗ, đó là mỗi doanh nghiệp chọn cách nào phù hợp với sản phẩm nhất, có lợi nhất, nhanh nhất và tiết kiệm nhất. Ví dụ, với sản phẩm nào thì bảo hộ các quốc gia có nguy cơ bị uy hiếp, không thể bỏ tiền để bảo hộ theo chiến lược bao vây vì quá tốn kém.

Thế giới luôn vận động cho nên mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp cũng phải vận động theo quy luật chung. Hội nhập quốc tế nhưng vẫn mang tư duy ao làng thì sẽ bị lạc lõng và thất bại. Các bạn trẻ start up chắc chắn sẽ nhìn vào các đàn anh đi trước từng vấp váp trong tranh chấp về sở hữu trí tuệ để rút kinh nghiệm tự bảo vệ mình.

Trần Quí Thanh

 
—–

Dấu hiệu ST25 bị một số công ty ở Mỹ và Úc đăng ký bảo hộ là một thực tế, trong khi Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam khẳng định rằng ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm nên không được bảo hộ với chức năng là một nhãn hiệu (1). Vậy các doanh nghiệp cần lưu ý gì để nhãn hiệu được lựa chọn có khả năng đáp ứng các yêu cầu bảo hộ theo Luật SHTT Việt Nam và các nước trên thế giới?

Theo quy định của Luật SHTT, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau(2). Như vậy, nhãn hiệu là dấu hiệu có thể là từ ngữ (dấu hiệu chữ), hình ảnh (dấu hiệu hình), hay kết hợp cả hai yếu tố trên (dấu hiệu kết hợp) được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc khác nhau(3).

Một dấu hiệu để được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thì dấu hiệu đó phải có khả năng phân biệt tự thân và có khả năng phân biệt với dấu hiệu khác.Khả năng phân biệt tự thân của dấu hiệu

Thông thường một dấu hiệu làm nhãn hiệu phải đáp ứng yêu cầu đầu tiên là khả năng phân biệt tự thân. Tức dấu hiệu này không thuộc trường hợp các dấu hiệu không có khả năng phân biệt như dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, hay dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng… trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu (4).

Ngoài ra dấu hiệu này không thuộc trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước; tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan Nhà Nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội…(5)

Làm thế nào chọn nhãn hiệu có khả năng phân biệt?

Hình 1. Ví dụ về các loại dấu hiệu làm nhãn hiệu

1. Nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ cao

Liên quan đến cách thức lựa chọn một nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể tham khảo “Spectrum of Distinctiveness” (6) tạm dịch là “Phổ phân biệt” trong việc lựa chọn dấu hiệu làm nhãn hiệu của mình. Lý thuyết này chia khả năng phân biệt của nhãn hiệu thành năm cấp độ, càng giảm dần thì khả năng bảo hộ càng yếu. Lưu ý bài viết này chỉ tập trung vào dấu hiệu là từ ngữ (dấu hiệu chữ).

Đầu tiên, nhãn hiệu là chữ tự tạo (fanciful marks), chữ này không tồn tại trong từ điển tiếng Việt hay ngôn ngữ nào, cũng không có liên hệ gì với sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Ví dụ, Huda cho bia, G7 cho cà phê hay Kodak cho máy chụp hình… Do là chữ tự tạo nên ít có khả năng trùng hay tương tự với nhãn hiệu của người khác. Tuy nhiên, vì nó không có trong từ điển, và chưa tồn tại trên thực tế nên khó để khách hàng nhớ khi lần đầu tiếp xúc. Do đó, công tác truyền thông cần thực hiện một cách bài bản để hình thành ấn tượng liên kết giữa khách hàng và sản phẩm/dịch vụ cả về lý tính (chất lượng sản phẩm/dịch vụ), cảm tính (liên tưởng còn đọng lại trong tâm trí của khách hàng) và biểu tượng (thiết kế chữ) (7). Làm được vậy, đây sẽ là dấu hiệu đóng chức năng nhãn hiệu rất tốt. Vì đã khó nhớ, nên khi đã nhớ thì sẽ khó quên.

Thứ hai, nhãn hiệu “arbitrary marks” tạm dịch là bất quy tắc, đây là những chữ có nghĩa, được sử dụng thường ngày nhưng không liên quan đến sản phẩm/dịch vụ mà nhãn hiệu dự định sử dụng. Ví dụ, Kinh Đô cho bánh kẹo hay Trung Nguyên cho cà phê. Rõ ràng, chữ Kinh Đô chỉ “nơi nhà vua đóng đô” không hề mô tả trực diện tính chất hay đặc điểm của bánh kẹo. Nhưng qua quá trình truyền thông và tiếp thị, nhãn hiệu này đã có thêm “một ý nghĩa thứ hai” để khi nhắc đến Kinh Đô người tiêu dùng nghĩ ngay đến bánh kẹo. Những dấu hiệu này có khả năng được bảo hộ cao. Đây cũng là một lựa chọn nhãn hiệu tốt cho doanh nghiệp.

Thứ ba, nhãn hiệu gợi nghĩa (suggestive marks) tức dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu sẽ giúp khách hàng nhanh chóng gợi nhớ một đặc điểm nào đó của sản phẩm/dịch vụ và khách hàng phải dùng trí tưởng tượng hoặc/và nhận thức của mình để liên kết nhãn hiệu và sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ, ĐẠI TÍN cho lĩnh vực ngân hàng, Vinamilk cho sữa hay Airbus cho hàng không… Nhãn hiệu này cũng có khả năng phân biệt, tuy nhiên cần thời gian và tiềm lực tiếp thị để hình thành nên ấn tượng liên kết trong khách hàng như hai nhãn hiệu trước.

Hình 2. Phổ phân biệt trong chọn dấu hiệu làm nhãn hiệu

2. Nhãn hiệu khó có khả năng bảo hộ

Thứ tư, nhãn hiệu mô tả (descriptive marks) tức dùng những chữ mô tả tính chất, đặc điểm, phương thức sản xuất… của sản phẩm hay dịch vụ, như ngọt ngào cho bánh kẹo, mềm mại cho sữa tắm, hay tuyệt hảo cho mì tôm… trên nguyên tắc không có khả năng được bảo hộ, trừ khi tạo được một ý nghĩa thứ hai (secondery meaning required) thông qua việc truyền thông tiếp thị trong thời gian dài, nhưng phạm vi bảo hộ cũng rất hạn chế.

Cuối cùng là nhãn hiệu dùng những ngữ chung (generic marks), chúng chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm/dịch vụ, ai cũng cần những chữ này để gọi tên như Aspirin cho thuốc giảm đau, Cà Phê Ơi cho việc bán cà phê hay chữ ST25 cũng được xem chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm là gạo ST25 được sản xuất từ giống lúa ST25. Vì những dấu hiệu này được xem là những dấu hiệu loại trừ (không được bảo hộ riêng) cho những nhóm sản phẩm hay dịch vụ trùng hoặc tương tự như đã phân tích ở trên.

Khả năng phân biệt với dấu hiệu khác

Bên cạnh khả năng phân biệt tự thân, nhãn hiệu cũng cần có khả năng phân biệt với dấu hiệu khác tức không được trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ, hay nhãn hiệu đã nộp trước (có ngày ưu tiên sớm hơn) đối với các nhóm hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự.

Do đó, sau khi lựa chọn được một tập các nhãn hiệu, doanh nghiệp cần tiến hành tra cứu ở các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quốc gia mà mình muốn nộp đơn để kiểm tra về khả năng trùng hay gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đối chứng, có thể ngăn cản sự đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể truy cập dữ liệu này ở Thư viện số về sở hữu công nghiệp của Cục SHTT Việt Nam tại http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tra cứu các dấu hiệu mà mình định lựa chọn để hạn chế tối đa sự xung đột quyền với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như tên thương mại, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý hay các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã được thừa nhận rộng rãi…(8) Đặc biệt, tùy vào khả năng tài chính và sự hiểu biết của mình, doanh nghiệp có thể tự mình nộp đơn đăng ký trong nước, liên hệ với các công ty được cấp phép ở nước ngoài hay thuê các công ty đại diện để thực hiện việc nộp đơn ở trong hay ngoài nước.

Như vậy một quy trình lựa chọn nhãn hiệu thông thường trải qua các bước cơ bản như sau: (1) tập hợp thông tin và ý tưởng (đặc điểm hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh … ) để lựa chọn dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu; (2) thiết kế dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu, thẩm định và xếp hạng ưu tiên các mẫu thiết kế; (3) tra cứu pháp lý để sàng lọc; (4) cuối cùng là tiến hành đăng ký để bảo hộ độc quyền (9).

Tóm lại, việc lựa chọn và đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp ở trong và ngoài nước cũng không quá phức tạp nếu doanh nghiệp tiến hành nghiêm túc và bài bản từ đầu. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp khi đứa “con tinh thần” của mình ngày một lớn lên và hứa hẹn đem về “quả ngọt”.

Doanh nghiệp có thể tra cứu dữ liệu nhãn hiệu ở một số nước như sau:

– Mỹ: https://www.uspto.gov/trademarks/search
– Úc: https://search.ipaustralia.gov.au/trademarks/search/quick
– Châu Âu: https://euipo.europa.eu/ohimportal/en/search-availability
– Anh: https://www.gov.uk/search-for-trademark

(*) Ths. Ngân Trần, Giám đốc Công ty Maygust Trademark Attorneys Canberra, Úc

(1)Một số vấn đề liên quan đến thông tin thương hiệu gạo ST25 bị “đánh cắp” tại Mỹ http://ipvietnam.gov.vn/web/guest/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/mot-so-van-e-lien-quan-en-thong-tin-thuong-hieu-gao-st25-bi-anh-cap-tai-hoa-ky?fbclid=IwAR1ikWgDBz8aAU9hcPqvBd5YCNsp-bBY3hy4FGsmJii77AWa85PWWVdLCas

(2)Khoản 16, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ VN.

(3)Khoản 1, điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ VN.

(4) Khoản 2, điều 74, Luật Sở hữu trí tuệ VN.

(5)Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ VN

(6)https://en.wikipedia.org/wiki/Trademark_distinctiveness

(7) Đào Minh Đức, Khả năng “phân biệt” của nhãn hiệu, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 4/2003, Đại học Luật TPHCM, trang 33

(8)Đào Minh Đức, Chọn lựa & Thiết kế nhãn hiệu, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 5-6/2003

(9) Đào Minh Đức, Chọn lựa & Thiết kế nhãn hiệu, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 5-6/2003

 
NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: ST25 và…
https://www.thesaigontimes.vn/316433/st25-va-bai-hoc-chon-ten-nhan-hieu.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *