Võ Quyết Thắng/ Báo Tuổi Trẻ
Hiện nay đại dịch COVID-19 không chỉ hoành hành ở một vài thành phố, khu vực mà đã lan rộng khắp cả nước, đặc biệt là các thành phố có vai trò quan trọng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…
Đại dịch không chỉ cướp đi quá nhiều sinh mạng vô tội, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội… Khi dịch kéo dài dai dẳng, tôi không dám tưởng tượng hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào.
Người dân và doanh nghiệp đánh giá cao những chính sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, những nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã sớm vào cuộc và quyết tâm cao trong suốt quá trình chống dịch.
Đặc biệt, chúng tôi xin tri ân những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã hi sinh cuộc sống bình thường của bản thân để đổi lại sức khỏe, an toàn và tính mạng của hàng triệu người dân Việt Nam.
Chúng ta cần nhận thức rõ: chỉ khi mỗi cá nhân, mỗi tổ chức vững vàng duy trì được sinh kế và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình thì mới có thể giải tỏa bớt gánh nặng cho Nhà nước.
Dù phát sinh một ổ bệnh hay một địa phương bị phong tỏa cũng không có nghĩa là cả khu vực sẽ “thất thủ”. Chúng ta vẫn phải ứng phó, có thái độ tích cực trong “tâm bão”, từ đó mới có thể cùng nhau nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Để việc chống dịch hiệu quả hơn, để nhanh chóng chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch này, tôi nghĩ cả xã hội cần phải chung tay “kháng chiến” bằng nhiều biện pháp.
Trước hết, tất cả những người dân, kể cả công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, phải tự giác tuân thủ triệt để các quy định, yêu cầu, hướng dẫn phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan y tế; đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa, khoanh vùng dập dịch là để hạn chế lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, mỗi người dân cần nghiêm túc hợp tác, tuân thủ.
Tuy nhiên, quyết định phong tỏa cần thận trọng và cân nhắc, dựa trên cơ sở khoa học và phân tích cũng là nhằm đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ – vừa chống dịch vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mỗi công dân Việt Nam, trong khả năng của mình, hãy tham gia chia sẻ, đóng góp vào các quỹ hỗ trợ hoạt động phòng chống COVID-19, quỹ vắc xin phòng COVID-19… của trung ương và địa phương và các hội đoàn nhằm chia sẻ một phần gánh nặng cho ngân sách vốn đã có quá nhiều khoản phải đảm đương kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Chúng tôi ủng hộ giải pháp tự nguyện góp tiền mua vắc xin. Doanh nghiệp đóng góp cho quỹ vắc xin của địa phương bằng hoặc nhiều hơn chi phí trang bị vắc xin cho toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp mình, như một hình thức hoàn lại chi phí cộng với hỗ trợ thêm cho cộng đồng.
Doanh nghiệp sẵn sàng chi phí cho việc tiêm ngừa vắc xin cho người lao động để bảo vệ sức khỏe cho họ cũng là bảo vệ nguồn nhân lực phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Cá nhân có điều kiện khi đến tiêm vắc xin có thể đóng góp tại chỗ vào quỹ để góp phần giúp đỡ người khác.
Người có hoàn cảnh khó khăn thì đăng ký với địa phương, cơ quan, tổ chức nơi mình sinh sống, làm việc, học tập để được hưởng chế độ tiêm ưu đãi… Từ đó đảm bảo đạt được mục tiêu mọi người dân đều được tiêm vắc xin, sớm đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới.
Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi/phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục vay mới, thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Các tổ chức tín dụng có thể xem xét hỗ trợ thu trước 50% lãi vay cho các khoản đến kỳ trả lãi, còn lại 50% lãi vay sẽ thu trong vòng 12 tháng tiếp theo liền kề, tùy mức độ khó khăn của doanh nghiệp và tùy vào chính sách cụ thể của từng tổ chức tín dụng mà áp dụng cho phù hợp.
Tôi tin rằng khi Chính phủ hỗ trợ về chính sách, cơ chế và toàn dân đồng lòng chống dịch thì nhất định thắng lợi.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Đồng lòng…
https://tuoitre.vn/dong-long-