Vĩnh Ngọc theo China/ Báo Dân Trí
Đền treo Hoành Sơn ở Trung Quốc được xây dựng vô cùng kỳ lạ. Ngôi đền hơn 1500 năm tuổi gắn vào vách đá cách mặt đất 75 m.
Đền Treo Hoành Sơn là một kỳ quan kiến trúc nổi tiếng của Trung Quốc. Ngôi đền nằm ở huyện Hồn Nguyên, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.
Được xây dựng cách đây hơn 1.500 năm, ngôi đền này nổi tiếng không chỉ bởi vị trí nằm lơ lửng trên một vách đá tuyệt đẹp mà còn bởi đây là ngôi đền duy nhất còn tồn tại với sự kết hợp của ba tôn giáo truyền thống Trung Quốc: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.
Đền Treo là một trong những điểm thu hút khách du lịch và di tích lịch sử chính trong khu vực Đại Đồng, Sơn Tây. Theo truyền thuyết, việc xây dựng ngôi đền được bắt đầu vào cuối triều đại Bắc Ngụy bởi một nhà sư tên là Liaoran vào năm 491 sau Công nguyên. Trong vòng 1400 năm tiếp theo, ngôi đền nhiều lần sửa chữa và mở rộng để có quy mô như ngày nay.
Toàn bộ 40 gian phòng trong đền Treo đều được xây dựng trên những vách đá cao. Tạp chí Times đã bình chọn đền Treo là một trong 10 công trình kiến trúc độc đáo và nổi tiếng nhất năm 2010. Hầu như tất cả những ai từng nhìn thấy đền Treo đều sẽ thắc mắc: Tại sao nó có thể đứng vững trên vách núi trong 1500 năm?
Một số người cho rằng ngôi đền Treo đứng vững bên vách đá bởi có hàng chục cây cột nhưng sự thực thì những cây cột này hình thành khá lâu sau khi đền Treo được xây dựng. Những thứ thực sự hỗ trợ ngôi đền đứng vững bên vách đá là 27 dầm công xôn cắm sâu vào vách đá.
Đỉnh của dầm công xôn được kích bằng nêm. Khi chúng được đưa vào các lỗ đã khoan trên tường, các nêm sẽ bám chắc vào các bức tường đá, tương tự như bulong nở ngày nay. Càng được khoan sâu, chúng càng được cố định chắc chắn hơn.
Việc thiết kế và lựa chọn địa điểm của đền Treo là một lý do quan trọng khác để bảo tồn nó. Ngôi đền nằm ở phần lõm vào trong của vách đá và phần nhô ra giống như một chiếc ô giúp ngôi đền không bị mưa và đá rơi vào. Vị trí cao của đền cũng tránh được nguy cơ bị ngập lụt.
Nhìn từ xa, ngôi đền Treo giống như một bức phù điêu tinh xảo được khảm trong vách đá và dường như bên trong khá chật hẹp nhưng khi du khách vào bên trong, họ sẽ thấy kinh ngạc khi ngôi đền có tất cả những thứ mà một ngôi đền cần phải có. Toàn bộ ngôi đền dài 32m và có thể được chia thành ba phần.
Phần phía nam có tổng cộng ba tầng, dài khoảng 8 m và rộng 4 m. Khu vực này bao gồm cung điện Chunyang, sảnh Sanguan và sảnh Leiyin. Cung điện Chunyang chủ yếu thờ Lã Động Tân – một trong tám vị thần bất tử của Đạo giáo.
Sảnh Sanguan là sảnh lớn nhất của đền Treo. Sanguan có nghĩa là ba vị quan, dùng để chỉ vị quan trên trời phù hộ cho mọi người, vị quan dưới đất tha thứ tội lỗi và vị quan dưới nước, người giải tỏa những rắc rối của dân chúng.
Các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét trong hội trường là những tác phẩm quý giá từ thời nhà Minh (1368 – 1644 sau Công nguyên), trong đó bức lớn nhất có chiều cao 2 m. Hội trường Leiyin là một hội trường Phật giáo và nó nằm ở phần cao nhất của phía nam.
Phần phía bắc dài khoảng 7 m và rộng 4 m. Sảnh Wufo là sảnh thấp nhất trong ba sảnh ở phía bắc và nổi tiếng là nơi thờ Ngũ trí Như Lai. Guanyin Hall nằm ở phần giữa, trong khi Sanjiao Hall nằm ở trên cùng. Sảnh Sanjiao là biểu tượng của sự kết hợp của ba tôn giáo. Bức tượng của những người sáng lập ra ba tôn giáo: Thích Ca của Phật giáo, Lão tử của Đạo giáo và Khổng Tử của Nho giáo được thờ trong hội trường này.
Phần còn lại của ngôi đền là cầu Changxian, đây là một con đường bằng ván treo dài 10 m kết nối phần phía nam và phần phía bắc của khu đền. Đền Treo là di tích lịch sử có thể tham quan quanh năm. Tuy nhiên thời tiết Đại Đồng vào mùa đông tương đối lạnh nên nơi này đón nhiều khách du lịch hơn vào tháng 7 và tháng 8.
NGUỒN: Theo Báo Dân Trí
Link bài: Sửng sốt…
https://dantri.com.vn/du-lich/