Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh,
Kính chào bác ạ. Chúng cháu mới học xong đại học chuẩn bị khởi nghiệp, và tỉ lệ 75% thất bại đang chờ chúng cháu, hu hu. Câu hỏi đầu tiên mà chúng cháu muốn được bác “tham mưu” là: Làm gì khi bị thất bại? Hi hi bác đừng mắng chúng cháu chưa làm đã lo thất bại nghen bác.
Rất mong bác phản hồi
Kính chúc bác an lành trong mùa covid
Kính bác
Lê- Mi- Tựu- Hạnh (Nha Trang):sitinh99@gmail.com
—–
Lê – Mi – Tựu – Hạnh mến,
Bác đính chính ngay với các cháu không phải tỉ lệ thất bại 75% mà là 90%. Từ khi phong trào khởi nghiệp rộ lên đến nay, cứ 10 start up ra đời là có 9 đóng cửa, nói như vậy không phải để các cháu nhụt chí, mà đối diện với hiện thực. Đừng quá hào hứng với chuyện kinh doanh làm giàu để rồi sụp đổ và thất vọng khi gặp thất bại.
Trong 10/100 start up còn tồn tại, phải hiểu đó là “sống sót”, còn thành công thì chưa chắc có mấy doanh nghiệp.
Đi vào con đường kinh doanh thì thất bại là chuyện bình thường, nếu không thì thiên hạ thành doanh nhân giàu có hết. Còn ai đi làm những nghề nghiệp khác để phục vụ nhu cầu khác nhau của con người và xã hội.
Các cháu cố gắng tìm đọc, những tên tuổi doanh nhân trứ danh trong nước và thế giới, gần như tất cả đều từng gặp thất bại thê thảm. Chúng ta chỉ thấy hào quang của họ hôm nay, nhưng không biết có những chặng đường tăm tối mà họ từng đi qua.
Vấn đề đặt ra là một nhà khởi nghiệp ứng xử như thế nào trước thất bại như các cháu đặt câu hỏi với bác. Điều này thì chẳng cần sách vở gì hết, vì bác cũng là cuốn sách “sống” về thất bại đây.
Khi khởi nghiệp, gặp thất bại thì phải dừng lại ngay. Bác lưu ý thất bại khác với khó khăn tạm thời.
Đừng cố níu kéo, đừng vì tự ái cá nhân mà lao tiếp vào một dự án khởi nghiệp khi nó không thể có thị trường, khi sản phẩm hoặc dịch vụ không được người tiêu dùng chấp nhận. Nếu cứ khăng khăng mình đúng, bất chấp mọi lời can ngăn, đi vay đi mượn vốn để theo đuổi sự thất bại đó, thì sẽ lún sâu, đến lúc không thể ngóc đầu lên được nữa.
Dừng lại để “cắt lỗ”, để tìm một dự án khởi nghiệp khác.
Dừng lại để tự phân tích, quá trình triển khai dự án kinh doanh đã phạm sai lầm gì, do chất lượng sản phẩm, do yếu kém về marketing, do quản trị hay do nguồn nhân lực. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Dừng lại để mời những chuyên gia giỏi, giúp mình phân tích các nguyên nhân thất bại, lắng nghe họ một cách cầu thị.
Dừng lại để nghiên cứu, tìm kiếm cách thức, hướng đi mới, sản phẩm mới, cải tiến phương thức sản xuất kinh doanh mới. Tổ chức một bộ máy nhân sự xuất sắc.
Hai điều tối kỵ trong ứng xử trước thất bại đó là:
Một: Có người vội cho rằng mình không có khả năng kinh doanh nên chán nản bỏ cuộc.
Hai: Khăng khăng cho mình giỏi, lao đầu vào như con thiêu thân mà không cần sự tư vấn của người khác.
Phải có cái đầu lạnh, thoát ra khỏi vùng cảm xúc thất bại để lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình và lời khuyên của những chuyên gia giỏi, các cháu sẽ nhận ra mình và biết mình sẽ làm gì.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)