Cộng đồng doanh nghiệp hiến kế để phục hồi kinh tế đất nước

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo CAND

—–

Chú Thanh kính mến,

Giãn cách lâu ngày mệt quá chú ơi. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu không thấu. Tụi  con  cũng đang chống chọi đến hơi thở cuối cùng đây và mơ tới ngày tươi sáng. Thưa chú, hết giãn cách thì phải làm sao để các doanh nghiệp mau chóng hồi phục và phát triển? Mong chú có câu trả lời giúp tụi con.

Kính chúc chú an lành vạn hạnh. 

Lê Minh Hạnh (Đồng Nai): hanhhuethuong@gmail.com

—–

Lê Minh Hạnh thân mến,

Về các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với đại dịch, chú đã viết nhiều bài rồi, cháu có thể search trên trang của chú. Trong thư này, chú chia sẻ với cháu một cách khác.

Đã đến lúc, chúng ta có sự nhìn nhận tỉnh táo hơn với dịch bệnh để đưa ra sự ứng phó mang tính chiến lược, hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất có thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rằng, không thể khống chế tuyệt đối dịch COVID-19, phải thích ứng và có cách làm phù hợp.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng tuyên bố, không thể cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được, nhưng cũng không thể nới giãn cách xã hội khi chúng ta chưa có điều kiện.

Chú đưa vài thông tin tuy hơi xấu, nhưng đó là thực tế.

10.000 doanh nghiệp vùng ĐBSCL rút khỏi thị trường trong ba tháng. Và nếu tình trạng này kéo dài, thì ngành chế biến thủy sản của vùng đất này và cả nước sẽ sập.

Vietnam Airlines đã chính thức âm vốn chủ sở hữu 2.570 tỉ đồng, lỗ lũy kế 17.771 tỉ đồng. Các hãng khác như Vietjet, Bamboo Airways cũng không hơn gì.

Còn nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp gặp khó khăn và cận kề với phá sản, rời khỏi thị trường. Cho nên, cần phải tìm các liều thuốc “cấp cứu”.

Nhận thấy rõ điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng.

Đây là cơ hội cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp không chỉ ngồi để chờ Tổ công tác đến hỗ trợ, mà chính doanh nghiệp phải chủ động hiến kế.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM đã kêu gọi 5.000 chữ ký vào lá thư kiến nghị trực tuyến để gửi đến Chính phủ, trong đó nêu ra các nhóm giải pháp để cứu doanh nghiệp.

Cho nên, vấn đề ở đây không phải là mỗi doanh nghiệp tự cứu mình, chuyện đó đương nhiên, mà cùng lên tiếng, đóng góp trí tuệ, hiến kế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phục hồi kinh tế đất nước.

Còn sau đây là thông tin lạc quan, TPHCM có hy vọng kiểm soát được dịch vào thời điểm 15.9, độ bao phủ về vaccine rộng hơn, người từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm vaccine.

Cũng mốc 15.9, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều có thể kiểm soát được dịch. Lúc đó, chúng ta sẽ trở lại trạng thái bình thường mới, ít nhất là ở vùng xanh, và những người đã tiêm vaccine một mũi sẽ đi làm việc trở lại ở các nhà máy, khu công nghiệp.

Chúng ta phải bình tĩnh và tin tưởng vào ngày mai, cháu nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *