Không thể đứng bên lề cuộc chiến!

Lệ Thanh/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Chiến sĩ Lữ đoàn tăng thiết giáp 26 cùng lực lượng địa phương tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, chuẩn bị rau cho người dân – Ảnh: Tam Nguyên

—–

Khi bao người đang chung lưng đấu cật mong kiểm soát dịch bệnh, buồn thay vẫn có những người đặt nhu cầu, sự hưởng thụ bản thân lên trên.
Những ngày cuối tháng Tám, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại TPHCM bước vào giai đoạn quyết liệt nhất khi số ca nhiễm đã mấp mé mức 200.000, gần bằng tất cả các tỉnh thành khác cộng lại. Những đợt giãn cách kéo dài. Những chỉ thị ngày càng nâng cao, siết chặt đến mức đôi lúc khiến người ta nghẹt thở.
Đúng, thực tế không thể phủ nhận là cuộc sống của người dân thành phố trong bốn tháng qua, tính từ đầu đợt bùng phát dịch thứ 4 tại Việt Nam đã hoàn toàn đảo lộn. Người người ở yên trong nhà, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, các khu vui chơi giải trí tắt đèn, phố xá lặng im… Một thành phố năng động bậc nhất nay đình trệ khiến ai cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng ai cũng rõ, đó là điều phải cùng nhau chấp nhận và hy vọng ta có thể sớm kiểm soát được dịch.
Ai cũng biết, khi cơ quan chức năng đã phải điều động đến quân đội, cuộc chiến đã đến hồi quyết liệt, sống còn; bởi nếu không thể khống chế được COVID-19 vào lúc này, tương lai sẽ hết sức u ám.

Hiểu như thế, người dân cả thành phố đã sẵn sàng chấp nhận tiết chế bớt nhu cầu, sẵn sàng ngồi yên để lực lượng y tế làm việc và luôn hợp tác khi được yêu cầu. Ở chiều ngược lại, chính quyền thành phố cũng ý thức rõ về nhu cầu của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế để đưa ra những chính sách chăm lo, cố gắng để không ai bị bỏ lại phía sau. Hơn ai hết, chính quyền thành phố hiểu rõ, nếu không thể đảm bảo an sinh, mọi công sức trước nay có thể phải đổ sông đổ biển.

Bạn tôi, chủ một đại lý gạo, hơn 3 tháng qua đã chuyển sang ăn chay mà anh gọi đùa là “Power Saving” – ăn đủ để sống, không hẳn vì chuyện tâm linh, càng không phải vì anh thiếu tiền mà vì anh cảm thấy không đành lòng khi xung quanh còn nhiều người khó khăn. Anh tiết chế mọi nhu cầu của mình về mức tối thiểu và cùng gia đình ở yên trong nhà “để những người chuyên nghiệp làm việc”.
Một người bạn khác mang đàn bồ câu anh nuôi bấy lâu ra Nhà thờ Đức Bà thả để chúng tự kiếm ăn. Anh nói đơn giản: “Mình phải tự thích nghi thì chim cũng phải tự thích nghi thôi. Bao giờ hết dịch nuôi lại”. Kể cả những người khó khăn đang chờ mong các gói an sinh, hỗ trợ cũng chấp nhận ngồi yên vì “lỡ dịch kéo dài hoài thì chẳng biết sống sao nữa”.
Giữa bức tranh cả thành phố chống dịch, bỗng nhiên hiện lên những nét xấu xí khi cư dân của khu căn hộ cao cấp gào lên đòi đáp ứng nhu cầu. Thay vì những món hàng thiết yếu, vừa đủ cho cuộc sống, họ yêu cầu những thứ theo tiêu chuẩn “cao cấp” của mình. Không đặt được những thứ mình muốn, những con người thượng lưu thi nhau than trách; hàng giao đến không được như họ đòi hỏi cũng trách, đòi trả lại; nhiều người nhận hàng muộn, nhận hàng ít hơn thì lên Facebook than vãn; không đặt được hàng cũng lên mạng xã hội phê phán chính quyền thành phố, mà không hề nghĩ đến cảnh lực lượng phục vụ họ đang quá tải khi phải cố gắng đáp ứng nhiều người nhất có thể.
Không rõ có bao giờ, trong cơn phẫn nộ vì không có đồ ngon, cao cấp cho bản thân và gia đình mình, họ nghĩ đến những người đã để lại gia đình để tham gia chống dịch, chấp nhận kham khổ, thiếu thốn để nai thân phục vụ họ? Có bao giờ, khi ngồi bên mâm cơm ê hề, họ nghĩ đến những người đang chắt chiu từng lon gạo, bó rau để duy trì cuộc sống? Chắc là không, bởi nếu có nghĩ, họ đã không hành xử lạc lõng đến như vậy.
Thành phố đang rất khó khăn, phải nhờ Trung ương và các tỉnh thành bạn trợ giúp sau rất nhiều năm cư dân thành phố này san sẻ với khắp nơi. Đó là thực tế đáng buồn mà ta phải thừa nhận. Thấy đó để mà hiểu không ai có thể đứng ngoài cuộc chiến này và không ai có thể đặt mình trên người khác để đòi hỏi thái quá. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau, nhưng không phải ai cũng có thể đòi đứng trước, đòi ưu tiên. COVID-19 không ưu tiên ai cả.
NGUỒN:  Theo Báo  Phụ nữ Tp HCM
Link bài: Không thể….
https://www.phunuonline.com.vn/khong-the-dung-ben-le-cuoc-chien-a1444503.html
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *