Trần Quí Thanh
—–
Trong 7 tháng đầu năm 2021, có gần 80.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, một hiện thực khá bi quan nhưng đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng chưa dừng lại, đó chỉ là con số “tạm ứng”, bởi vì đợt bùng dịch này chưa biết khi nào được kiểm soát.
Xin nói thêm, đây là thảm họa toàn cầu, các quốc gia đều rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, không riêng gì Việt Nam.
Các quốc gia không chịu bó tay, họ đã tìm mọi cách để phục hồi kinh tế có thể. Theo tôi, tại Việt Nam, sẽ có ba lực lượng cùng xắn tay vào để làm điều này.
Đầu tiên đương nhiên là cộng đồng doanh nghiệp, phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Không chỉ là thảm họa COVID-19, mà với doanh nghiệp, những rủi ro ập đến là thường trực, có khi còn tệ hơn dịch bệnh hay thiên tai.
Thứ hai là nhà nước đưa ra các chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ví dụ như cho vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế, bãi bỏ những thủ tục cản trở, để doanh nghiệp. Khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền điện, tạm ngừng thu phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội, hoàn lại các loại phí chi ra để phòng dịch, chăm sóc người lao động.
Thứ ba là cộng đồng xã hội, ủng hộ tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Trong lúc này, ai cũng kiệt quệ, nên nói chuyện mạnh tay chi tiêu thì rất khó. Nhưng quy luật của xã hội, của kinh tế là phải tiêu dùng thì mới phát triển.
Ví dụ đơn giản thôi, tiêu dùng sản phẩm hàng hóa thì doanh nghiệp sống, doanh nghiệp tồn tại thì tạo ra việc làm cho người lao động.
Trở lại với lực lượng thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp, vẫn là chủ công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Đại dịch như một sự sàng lọc gắt gao, ai lọt thì “tạm dừng”, ai trụ được thì tiếp tục cuộc hành trình, và tui tin, còn nhiều doanh nghiệp đang sẵn sàng trở lại với “trạng thái bình thường mới”.
Trong sự trở lại này, có một bài học mà COVID-19 “training” cho chúng ta là khai thác tối đa công nghệ để hoạt động. Thế giới thay đổi ghê gớm ngay từ trong đại dịch và những ngày tiếp theo, ai chậm chân, xa lạ với công nghệ thì sẽ bị loại trừ.
Tất cả các loại hình doanh nghiệp đều cần đến các ứng dụng công nghệ để sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành, vấn đề là ai tiếp cận nhanh, thay đổi kịp thời và khai thác hiệu quả hơn mà thôi.
Lúc này, đất nước rất cần những sản phẩm công nghệ đột phá, mới có thể vượt lên được.
Lúc này, cái gọi là “Make in Việt Nam” không chỉ là khẩu hiệu, mà phải là hiện thực sống động.
Sài Gòn 06/09/2021,
TQT