Kỹ trị không xung đột trong doanh nghiệp gia đình

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Thời Báo Ngân hàng

—–

Kính gửi chú Trần Quí Thanh, 

Thưa chú cháu là một CEO nhỏ, một doanh nghiệp gia đình ạ. Hiện nay cháu đang gặp khó khăn trong việc xử lí thế nào giữa Tình trị, gia đình trị và kỹ trị. Cháu có đọc bài “Tình trị, gia đình trị và kỹ trị trong doanh nghiệp gia đình ở Tân Hiệp Phát”, quả thật cháu rất khâm phục. Cháu viết thư này để hỏi thêm chú đã xử trí thế nào trong mối quan hệ cha và con và kỹ trị a. Rất mong chú hồi âm. Cảm ơn chú.

Chúc chú an lành hạnh phúc

Lê Minh Hạnh ( Hải Phòng): hanhhaiphong_1983@gmail.com

 —–

Lê Minh Hạnh mến,

Bất cứ một doanh nghiệp nào thì trong đó cũng có mối quan hệ giữa con người với con người cho nên tình cảm là một yếu tố tồn tại đương nhiên. Nhưng đối với doanh nghiệp gia đình, tình cảm còn ở mức sâu sắc hơn nữa, vì đây là tình máu mủ, huyết thống.

Ở trong một doanh nghiệp bình thường, nếu người đứng đầu xử lý các mối quan hệ nặng cảm tính hơn lý tính, thì trong doanh nghiệp gia đình, yếu tố cảm tính càng rất dễ lấn át. Cho nên, cần phải giữ cho cân bằng các mối quan hệ để không ảnh hưởng đến hoạt động quản lý điều hành chung.

Một trong những cách để cân bằng, đó là biết lắng nghe nhau giữa các thành viên trong gia đình, giữa thế hệ đi trước và thế hệ sau.

Lắng nghe nhau không dễ, muốn làm được điều đó cần phải có sự tôn trọng của người dưới với người trên, điều này phụ thuộc rất lớn vào văn hóa gia đình. Một gia đình có nền tảng của tình yêu thương, tôn trọng, chăm sóc nhau thì sẽ rất dễ để trình bày, trao đổi, chia sẻ và lắng nghe. Đây là yếu tố “gia đình trị” mà Tân Hiệp Phát rất mạnh. Những người trong gia đình mà còn không lắng nghe và tôn trọng nhau làm sao lắng nghe và tôn trọng người khác.

Yếu tố gia đình trong doanh nghiệp gia đình mở rộng sang những thành viên không cùng huyết thống, nhưng xem doanh nghiệp như một gia đình chung và mỗi người là thành viên. Tân Hiệp Phát xây dựng yếu tố gia đình như một “bản sắc” riêng trong văn hóa doanh nghiệp, mỗi thành viên đều là người trong gia đình. Nếu cháu có thời gian, hãy đọc những bài viết trong mục “Tân Hiệp Phát trong tôi” sẽ rõ hơn về “gia đình trị” của Tân Hiệp Phát.

Và khi đã có tình yêu gia đình từ mỗi thành viên, thì cộng đồng đó có nguồn năng lượng, nguồn sức mạnh rất lớn, đoàn kết để vượt qua được những khó khăn, trở ngại. Nhiều doanh nghiệp gia đình hiện nay trên thế giới thành công chính là nhờ ưu điểm vượt trội này.

Cuối cùng là kỹ trị, và có lẽ nếu không có yếu tố này thì sẽ không tồn tại bất cứ doanh nghiệp nào, không riêng gì doanh nghiệp gia đình.

Muốn quản lý kỹ trị trong doanh nghiệp gia đình thì phải học, cho nên tất cả các thế hệ gia đình của bác đều đi dự khóa học về doanh nghiệp gia đình. Không khoa học thì không thể “kỹ trị”, và kỹ trị không hề mâu thuẫn hay xung đột trong mô hình hoạt động của một doanh nghiệp gia đình, mà bổ sung để mạnh hơn, vững vàng hơn.

Kỹ trị là luôn tiếp thu các phương pháp quản trị hiện đại của thế giới, tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình.

Kỹ trị là luôn có một đội ngũ cố vấn để phản biện, tranh luận, góp ý, giúp cho mọi người đồng lòng nhất trí, tìm ra chiến lược đúng đắn trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp, không bị lạc hướng.

Vậy cháu nhé, có gì cứ gửi thư cho chú.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

5/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *