Andy Huỳnh Vũ/ Báo TBKTSG
TPHCM đang dần mở cửa trở lại sau thời gian dài mọi người phải ở yên trong nhà. Người đủ điều kiện – như đã tiêm đủ hai mũi vaccine – được trở lại làm việc. Các doanh nhân cũng đang quay trở lại văn phòng hay nhà máy của họ. Nếu mọi chuyện diễn biến tốt đẹp, xã hội nói chung và doanh nhân nói riêng sẽ chuyển từ trạng thái gần như tĩnh hoàn toàn sang trạng thái động, có khi rất động; nghĩa là nhảy từ một thái cực này sang một thái cực khác. Chuyện đó có tốt không?
“Rảnh quá thì cũng không nên chút nào!”
Cái gì cũng có hai mặt, tốt và xấu. Ở đây, nếu doanh nhân trở lại ngập đầu trong công việc sẽ tốt cho kinh doanh, nhưng có khi lại xấu cho sức khỏe. Cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi luôn là bài toán khó đối với doanh nhân, nhất là nhóm người trước mặt họ là những cơ hội phải nắm bắt, những sự vụ phải giải quyết, những khó khăn phải đương đầu v.v… Chắc chắn trước mắt, một số doanh nhân vô cùng bận rộn khi công việc trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo ra doanh thu cho công ty và tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên, họ cũng cần để ý nhiều hơn đến chuyện làm sao tạo ra được thời gian rảnh rỗi riêng cho mình nhằm có thể “chiến đấu” lâu dài hơn trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay. Vậy thì, bao nhiêu giờ rảnh rỗi mỗi ngày là đủ cho một doanh nhân? Đây là một câu hỏi khó. Tuy vậy, các thông tin sau đây có thể đưa ra vài gợi ý trả lời câu hỏi trên.
Các danh sách toàn là công việc và công việc phải giải quyết sẽ khiến một người cảm thấy kém vui. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy thời gian nhàn rỗi lúc nào cũng dư thừa của một người chưa hẳn đã là thần dược kỳ diệu cho người đó.
Trong một nghiên cứu mới gồm nhiều giai đoạn được công bố vào tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hai cuộc khảo sát trên quy mộ rộng về cách người Mỹ sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ. Hơn 35.000 người đã tham gia hai cuộc khảo sát này.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu cho rằng nhìn chung nếu một người có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng đến một mức độ nào đó mà thôi. Dường như kết quả cũng trùng khớp với các khảo sát trước đây về chuyện con người có bao nhiêu tiền thì cảm thấy mình hạnh phúc nhất. Nói chung, người ta sẽ thấy hạnh phúc tăng lên khi có nhiều tiền hơn, hay hạnh phúc của con người tỷ lệ thuận với số tiền họ có được. Nhưng sự đồng biến này không diễn ra mãi mãi mà đến một ngưỡng nào đó, hạnh phúc của người giàu cũng không tăng đến vô tận dù họ có bao nhiêu tiền đi nữa.
Nghiên cứu mới cho biết nếu có hai giờ nhàn rỗi mỗi ngày, các đối tượng tham gia khảo sát cho rằng họ cảm thấy vui sướng hơn so với những người không có được thời gian tự do như vậy. Tuy thế, nếu các cá nhân này có đến hơn 5 giờ tự nhiên tự tại trong một ngày mà không biết làm gì, họ thường lại cảm thấy tệ hơn.
Có nghĩa là thời gian rảnh rỗi tối ưu mỗi ngày cho một người là từ hai đến ba giờ, theo như kết quả nghiên cứu trên.
Marissa Sharif, Phó giáo sư khoa marketing thuộc trường Wharton và là tác giả chính của công trình, cho biết: “Không có thời gian rảnh rỗi hoàn toàn không tốt, nhưng rảnh quá thì cũng không nên chút nào”.
Dùng thời gian nhàn rỗi đúng cách là vấn đề mấu chốt
Tất nhiên, bận túi bụi khiến người người căng thẳng. Nghiên cứu mới không phải là lần đầu tiên người ta đưa ra câu hỏi liệu càng rảnh rỗi thì họ sẽ càng thấy hạnh phúc hơn không. Ví dụ, người về hưu có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng các chuyên gia cũng lưu ý rằng một số người phải đối phó chật vật với nỗi buồn khi đã về hưu, bởi vì họ thiếu sự khích lệ và không được làm việc trong một tổ chức, cũng như nhiều điều khác.
Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cho rằng một phần bí mật để tìm ra “thời gian rảnh rỗi tối ưu” nêu trên liên quan đến việc người ta sử dụng thời gian đó như thế nào.
Ngoài việc phân tích kết quả nghiên cứu, các tác giả cũng thực hiện một số thực nghiệm có quy mô nhỏ hơn. Họ yêu cầu những người tham gia tưởng tượng mình có từ 3 tiếng rưỡi đến 7 tiếng rảnh rỗi mỗi ngày. Họ được yêu cầu giả định sử dụng thời gian đó tham gia các hoạt động tạo ra năng lượng tích cực (như thể dục thể thao) hoặc hoạt động không giúp tạo ra năng lượng tích cực (như xem truyền hình).
Kết quả cho thấy những người tham gia khảo sát tin rằng hạnh phúc của họ sẽ suy giảm nếu họ thừa thãi thời gian rảnh, nhưng chỉ khi lúc đó họ thực hiện các hoạt động không tạo ra năng lượng tích cực. Mặc dù quy trình khảo sát chỉ là giả định, kết luận này lại phù hợp với các nghiên cứu đã cho rằng trạng thái “lưu chuyển” tích cực của cơ thể (như hoạt động thể chất trong thời gian rảnh rỗi) mang lại lợi ích cho sức khỏe tinh thần.
Nói cách khác, theo bà Sharif, dùng thời gian nhàn rỗi hợp lý cũng rất quan trọng và mọi ngày đều được rảnh rỗi để tự do hoàn toàn làm theo ý mình chưa chắc là tốt.
Tham gia các môn thể thao không ảnh hưởng nhiều đến tim mạch như đi dạo và làm giãn cơ là các phương pháp tốt giải tỏa căng thẳng. Nhiều hoạt động trong giờ rảnh rổi như đan móc, đọc sách, nấu ăn và chơi trò chơi chính là dòng chảy mang lại năng lượng tích cực.
Doanh nhân phần lớn là những người thường xuyên bận rộn. Tuy nhiên, so với nhân viên của mình, doanh nhân có cơ hội tốt hơn để có thể sắp xếp thời khóa biểu nhằm tìm ra thời gian rảnh cho mình. Nếu một doanh nhân phát biểu rằng: “Tôi muốn rảnh lắm, nhưng tôi đào đâu ra giờ rảnh”, người này nên suy nghĩ lại. Đúng là họ bận rộn thật, nhưng phần lớn vẫn có thể tìm ra khoảng hai tiếng đồng hồ mỗi ngày để giúp bản thân mình thư giãn. Các doanh nhân nên làm như vậy vì điều này tốt cho họ về lâu về dài, nhất là trong tình hình hiện nay, khi vẫn không biết bao giờ đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc.
NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link bài: Mấy giờ…
https://thesaigontimes.vn/may-gio-ranh-roi-moi-ngay-se-giup-cam-thay-hanh-phuc/