Start-up đừng vội mở rộng quy mô khi người dùng chưa chấp nhận sản phẩm

Thị Hồng/ Báo Đầu Tư

Tin buồn là có khoảng 90.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 9, tin vui là vẫn có nhiều doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Trao đổi với các bạn, những người đang vật lộn với đại dịch và đã sống sót, cùng các start up mới nhảy vào sân chơi, tui đã nói đây là thời điểm có nhiều cơ hội để thành công.

Nhưng mấy hôm nay, có nhiều bạn gửi thư, nhắn tin, hỏi về chuyện “bung” hàng ngay khi mở cửa phục hồi kinh tế, bởi vì người dân sau mấy tháng ở yên một chỗ, sẽ có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và sử dụng dịch vụ rất lớn.

Theo tui là như thế này, Chính phủ mở cửa nền kinh tế, chuyển chiến lược sang “sống chung với dịch” là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, để cho cả hệ thống vận hành trơn tru là thì cần phải có thời gian, không phải hôm nay mở cửa, ngày mai là mọi thứ đã sẵn sàng.

Xin nêu ví dụ, hôm 10.10 là ngày cho máy bay thương mại hoạt động trở lại, nhưng có nhiều chuyến phải hủy bay vì khách hủy chuyến. Đơn giản là vì Hà Nội và một số địa phương bắt người đã tiêm hai mũi vaccine và xét nghiệm âm tính phải cách ly tập trung 7 ngày.

Khó khăn như vậy đó, vì mở cửa nhưng chưa hết, còn có những cánh vẫn đóng.

Chiều 11.10, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản rút lại chuyện cách ly, cho phép hành khách đã bảo đảm các quy định y tế khi đi máy bay, chỉ theo dõi sức khỏe khi lưu trú ở Hà Nội.

Nêu ví dụ trên để nói với các bạn rằng, nền kinh tế chưa mở rộng như ta kỳ vọng do nhiều cản trở khác nhau, nên cần phải thận trọng trong việc đưa vào thị trường quá nhiều sản phẩm.

Thay vào đó, hãy tập trung nâng cao chất lượng, bán sản phẩm nào chắc sản phẩm đó, thu được tiền mặt để có vốn quay vòng, lúc này tiền mặt rất cần để xoay xở.

Trong quá trình thăm dò thị trường khi mở cửa trở lại, việc chăm chút chất lượng sản phẩm cần có sự góp ý từ phía người tiêu dùng. Lắng nghe, điều chỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng có lợi hơn tập trung vốn sản xuất số nhiều với tham vọng chiếm lĩnh thị trường.

Nói chuyện kinh doanh trong thời điểm “sống chung với dịch” cho có tính thời sự, nhưng thực ra, cách thức kinh doanh trên có thể áp dụng trong mọi thời điểm.

Xin giới thiệu bài viết “Start up đừng vội mở rộng quy mô khi người dùng chưa chấp nhận sản phẩm” để các bạn tham khảo.

Trần Quí Thanh

—–

Các nhà sáng lập và đại diện các quỹ đầu tư cho rằng, start-up cần tập trung xây dựng sản phẩm/dịch vụ có khả năng thu hút và thuyết phục khách hàng trả tiền thực, trước khi huy động vốn.

Tránh phụ thuộc vào quảng cáo

Nguyễn Hoàng Hải, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc tài chính FLYER (công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cung cấp phòng luyện thi ảo tiếng Anh) từng là đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Canavi hoạt động trong lĩnh vực nhân sự, đã huy động vốn từ ESP Capital, NIK Capital, Hustle Fund… Hải cho rằng, start-up cần tập trung phát triển sản phẩm, bán ra thị trường, có khách hàng và các chỉ số tăng trưởng thực chất trước khi lao vào huy động vốn.

Nếu vội vã huy động vốn, start-up sẽ rơi vào tình cảnh thay vì dành thời gian và nguồn lực để cải tiến sản phẩm phù hợp với người dùng, thì phải xoay sang bài toán làm sao tiêu hết số tiền đã nhận từ nhà đầu tư để có mức doanh thu bùng nổ. Trong khi đó, điểm quan trọng nhất là sản phẩm thì chưa thực sự thuyết phục được khách hàng chi tiền.

Hải cho rằng, cần tránh rơi vào bẫy của các chỉ số kinh doanh, đó là chạy theo tăng trưởng từ việc chi tiền để thu hút người dùng, thay vì tập trung phát triển giá trị cốt lõi của sản phẩm để có lượng khách hàng thực chất. Hải đã rút ra bài học này sau quá trình vận hành các start-up trước đây và tránh lặp lại với dự án hiện tại là FLYER và Genesi Creative – công ty chuyên sản xuất phim điện ảnh. “Thay vì chạy quảng cáo thu hút người dùng, chúng tôi tập trung đón nhận góp ý của họ để cải tiến sản phẩm. 100% khách hàng tìm đến FLYER đều từ việc họ tự tìm kiếm và được giới thiệu (referral) từ những người từng sử dụng”, Hải cho biết.

Để kiểm chứng mức độ phù hợp với thị trường của sản phẩm, theo bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures, start-up có thể đánh giá qua các dữ liệu về việc khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ một cách tự nhiên, thay vì qua các kênh quảng cáo. Người dùng quan tâm đăng ký sử dụng, sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ, sản phẩm cao, nghĩa là có tỷ lệ lớn khách hàng chấp nhận trả tiền sau quá trình sử dụng miễn phí…

Từ chối M&A vì cần sự linh hoạt

Đồng sáng lập FLYER đưa ra 2 lợi thế mà start-up này sở hữu liên quan đến việc trở thành người tiên phong và sản phẩm đang được đánh giá tốt. Các khách hàng của FLYER cho biết, từ trước đến nay, họ chỉ dùng các phần mềm về học tập, chưa tiếp cận một sản phẩm phòng luyện thi ảo như FLYER. Đây là lợi thế để đội ngũ FLYER tăng khả năng định vị thương hiệu với người dùng.

Thêm vào đó, từ khi ra mắt đến nay, 100% khách hàng của FLYER đều đến từ sự giới thiệu của những người đã từng sử dụng và họ tìm kiếm trên mạng. Điều này phần nào chứng minh rằng, công sức đầu tư của đội ngũ FLYER cho chất lượng sản phẩm đang được đón nhận.

Đây cũng là một trong các lý do khiến việc chốt thương vụ gọi vốn của FLYER với EverGreen (quỹ đầu tư của Tập đoàn Ecopark) hoàn tất nhanh hơn dự kiến. Trong các khách hàng (trung tâm giáo dục – PV) mà FLYER hợp tác, không có ai đến từ sự kết nối, hỗ trợ của Ecopark. Giá trị mà start-up nhận được từ quỹ đầu tư này hiện chỉ dừng ở những hỗ trợ về quản trị tài chính.

Trong 3 tháng qua, FLYER từ chối lời đề nghị M&A từ 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Hải Nguyễn cho biết, rủi ro về khả năng giảm chất lượng sản phẩm có thể xảy ra nếu start-up chấp nhận các lời đề nghị M&A. FLYER một công ty non trẻ, có sự linh hoạt và thay đổi nhanh, nếu sáp nhập với một công ty lớn, nhiều thủ tục, sẽ làm chậm sự thay đổi, thích nghi nhanh này, dẫn đến việc giảm chất lượng sản phẩm.

Thêm vào đó, định hướng về những gì đội ngũ FLYER mong muốn làm và đóng góp cho xã hội cũng như sẽ tập trung cho mảng tiếng Anh chưa phù hợp với các bên muốn M&A. “M&A, hay nhận đầu tư là tìm những người đồng hành, hướng dẫn để phát triển nhanh hơn, tốt hơn. FLYER thấy chưa hợp với các nhà đầu tư đó, nên đã hẹn họ hợp tác vào dịp khác”, Hải chia sẻ.

NGUỒN: Theo Báo Đầu Tư

Link bài: Start- up…

https://baodautu.vn/start-up-dung-voi-mo-rong-quy-mo-khi-nguoi-dung-chua-chap-nhan-san-pham-d152976.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *