Như một lời cảnh báo: Sự phát triển cần hướng đến con người hơn

Đoàn Khắc Xuyên/ Báo Người Đô Thị

Đừng xem việc hàng trăm ngàn người bỏ về quê chỉ là hiện tượng đáng buồn mà cần xem đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Ảnh: Hà An

Đại dịch COVID-19 sớm muộn gì rồi cũng phải chấm dứt theo cách này hay cách khác. Và rồi, sau những tiếng thở dài vừa nhẹ nhõm vừa đau đớn, chắc chắn chúng ta sẽ phải tự vấn: Vì sao điều ấy lại xảy ra?

Khi đại dịch qua đi, một cuộc cầu siêu cho những nạn nhân đã tử nạn vì COVID-19 như ý kiến của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên là điều hợp tình hợp lý: Nhà nước nên đứng ra tổ chức cầu siêu và các tôn giáo tùy theo nghi thức riêng cũng có thể tổ chức cầu siêu cho các nạn nhân của đại dịch. 

Và rồi, sau những tiếng thở dài vừa nhẹ nhõm vừa đau đớn vì những mất mát không gì bù đắp nổi, chắc chắn chúng ta sẽ phải tự vấn: Vì sao điều ấy lại xảy ra? Vì sao lại mất mát, thiệt hại về nhiều mặt khủng khiếp đến thế? Và tiếp đến, phải làm gì để ngăn ngừa tai họa tái diễn? Phải làm gì để không bỏ phí những bài học quá đắt giá? Cuộc tự vấn càng sâu, càng nghiêm khắc, càng có cơ may giúp tránh được việc lặp lại những sai lầm tương tự trong tương lai.

Lấy thí dụ TP.HCM. Đại dịch COVID-19 đã như một loại thuốc thử làm trôi đi nhiều lớp sơn hào nhoáng và để lộ ra những thiếu thốn, yếu kém, bất cập trong sự phát triển lâu dài của thành phố. Nhìn chung, nếu sự phát triển của thành phố (cũng như của các tỉnh thành trong vùng) trong những năm qua hướng đến con người hơn, tập trung cho con người hơn thì những thực tế đau lòng mà chúng ta chứng kiến trong mấy tháng đại dịch sẽ giảm đi nhiều. 

Nhìn lại, đó là một sự phát triển dựa nhiều vào việc khai thác sức lao động giá rẻ (phần lớn là lao động nhập cư từ các tỉnh đến làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp) mà thiếu đầu tư cho cơ sở hạ tầng xã hội, cho dân sinh: công nhân sống trong điều kiện tồi tàn, chen chúc trong những khu nhà trọ chật hẹp; hệ thống y tế yếu kém, khó tiếp cận với công nhân lao động nghèo. Trong những điều kiện sống như vậy, rất khó để chống lại sự lây nhiễm khi dịch bệnh bùng phát, chưa nói đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.

Không chỉ là các khu trọ của công nhân các nhà máy, khu công nghiệp. Ở nhiều khu vực dân cư trong nội thành, điều kiện và môi trường sống của cư dân cũng tù đọng, dễ làm mồi cho bệnh tật không kém. Hậu quả là khi dịch bùng phát ở thành phố, số ca nhiễm rất cao, với hơn 17.000 người chết, khoảng 1.500 trẻ trở thành mồ côi vì cha mẹ, người thân, người chăm sóc đột ngột qua đời vì COVID-19. 

Về năng lực y tế của thành phố, chỉ cần nhớ lại những gì mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói tại buổi giám sát công tác phòng chống dịch của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Đại dịch để lại nhiều đau thương, bài học xương máu rất quan trọng để chúng ta sẵn sàng ứng chiến với tình hình mới chưa biết sắp tới như thế nào”. Khi những chùm dịch đầu tiên bùng phát, ông cho biết, thành phố tiến hành xét nghiệm, truy vết không kịp.

Dù tập trung lấy số lượng mẫu lớn, có ngày lấy 40.000 mẫu nhưng trả kết quả chỉ khoảng 10.000 do không đủ năng lực. “Dù lúc đó thành phố có những lúc đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả chỉ vài chục ngàn mẫu. Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm ngăn chặn kịp thời nhưng lúc đó “vũ khí chiến đấu” không phù hợp”, ông Nên cho hay. “Thậm chí, đến quần áo bảo hộ cũng thiếu, có thể nói là chúng ta trở tay không kịp”, ông nói thêm mấy hôm sau.

Cần đặt vấn đề nhà ở trong tổng thể vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội cho người lao động, người nghèo đô thị. Đó là một chính sách nhà ở cho người nghèo đô thị gắn với quy hoạch và phát triển đô thị, là dịch vụ y tế và giáo dục cho con em công nhân lao động mà họ có thể dễ dàng tiếp cận.

Nói đến điều trị, ông Nên cho biết: “lúc đó (khi dịch mới bùng phát – NV) chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm COVID-19 (F0). Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”. Đó là thực tế đau lòng với thành phố được xem là phát triển nhất nước, đông dân nhất nước.

Ngoài vấn đề y tế còn là vấn đề nhà ở, môi trường sống thuận lợi cho dịch bệnh lây lan. “Tại sao Bắc Giang, Đà Nẵng và một số nơi thành công trong việc xét nghiệm, truy vết được toàn bộ ca nhiễm nhưng TP.HCM không làm được?”, Bí thư Nguyễn Văn Nên hỏi và đưa ra phân tích: Bắc Giang khi chuẩn bị áp dụng giãn cách chỉ cần phải giải tỏa, di chuyển 40.000 dân nên các lực lượng bộ đội dễ dàng di chuyển hết. Còn tại TP.HCM, riêng quận Bình Tân lúc đó khảo sát cần di chuyển 100.000 người, không nơi nào đủ sức chứa. Nhiều nơi khác như Bình Chánh, quận 4, quận 8 tình trạng tương tự. 

Hậu quả là hàng trăm ngàn người lao động nhập cư đến thành phố kiếm sống đã không sống nổi qua mấy tháng phong tỏa, kéo nhau lũ lượt về quê khi thành phố chỉ mới hé mở, dẫu chưa biết về quê sẽ sống thế nào.

Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thế Sơn

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố còn nhiều khu nhà trọ của người lao động diện tích chật hẹp. Trước đây, khi chưa có dịch người lao động sáng đi làm, tối về, nên nơi ở chủ yếu để ngủ. Tuy nhiên, dịch 4 tháng liền phải giãn cách xã hội, vợ chồng con cái ở trong một diện tích chật hẹp sẽ không ổn. Việc này tác động lớn đến đời sống tinh thần người dân.

“Thành phố đón một lượng lớn người lao động đến đây góp phần xây dựng, phát triển thành phố, nhưng việc chăm lo cho họ chưa có sự đầu tư đúng mức. Thời gian tới thành phố sẽ thực hiện tốt hơn”, ông Mãi thừa nhận và cho biết thêm thành phố đang lên kế hoạch xây một triệu căn nhà giá rẻ để công nhân, lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được nhằm thay thế những chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, khu nhà trọ…

Nhưng vấn đề không chỉ là xây nhà giá rẻ. Cần đặt vấn đề nhà ở trong tổng thể vấn đề cơ sở hạ tầng xã hội cho người lao động, người nghèo đô thị. Đó là một chính sách nhà ở cho người nghèo đô thị gắn với quy hoạch và phát triển đô thị, là dịch vụ y tế và giáo dục cho con em công nhân lao động mà họ có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài nhà ở đảm bảo “ở được”, đó còn là không gian và môi trường sinh sống. Làm sao để từng bước không còn những Mả Lạng, những Rạch Xuyên Tâm, những khu nhà trọ tối tăm mà người lao động tan ca về nhà chỉ để ngả lưng, ở nhiều quận huyện trong thành phố.

Nhưng muốn làm gì cũng phải có nguồn lực. 

TP.HCM đang đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước (Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM, 3.1.2021). Tuy nhiên, theo VnEconomy (18.5.2021), một thực tế không thể phủ nhận là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM tuy luôn ở “top đầu”, nhưng ngân sách thành phố thì vẫn bội chi kéo dài.

Cụ thể, năm 2020, tổng thu ngân sách tại TP.HCM là 371.384 tỷ đồng (do dịch bệnh nên thấp hơn 2019). Trong đó, thành phố được hưởng ngân sách theo phân cấp là 65.495 tỷ đồng. Con số thụ hưởng ở nhóm 3 (18%) chỉ tương đương 34.459 tỷ đồng. Ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương là 84.290 tỷ đồng. 

Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 do Quốc hội ban hành năm 2020, về tỷ lệ phần trăm số thu ngân sách mà 63 tỉnh thành được giữ lại, có 16 địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại là TP.HCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hòa (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%). Các tỉnh còn lại thì được giữ 100%.

Trong buổi làm việc gần đây (tháng 5.2021) với lãnh đạo TP.HCM, khẳng định rằng TP.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp vào GDP và tổng ngân sách cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ủng hộ đề xuất của TP.HCM về việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 – 2025 của thành phố lên 23%, tức bằng mức giai đoạn 2011 – 2016.

Trước đó, thành phố từng nhiều lần kiến nghị việc tăng tỷ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm 2020 – 2030 cần nâng từ 18 lên 33%, tương đương 15% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước. Trước đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách, nếu giai đoạn 2011 – 2016 là 23% thì đến giai đoạn 2017 – 2020 chỉ còn 18%.

Với 18% nguồn thu ngân sách được giữ lại, liệu TP.HCM có đủ nguồn lực để lo cho cơ sở hạ tầng xã hội, cho tầng lớp công nhân lao động nghèo của mình? Cuộc tháo chạy đau lòng khỏi thành phố và các tỉnh lân cận vừa qua của hàng trăm ngàn công nhân lao động về quê, không chỉ về những tỉnh miền Tây mà cả những tỉnh rất xa ở bắc Trung bộ và cực bắc như Hà Giang, phải chăng chính là lời cảnh báo, không chỉ cho chính quyền thành phố, rằng không thể mãi khai thác sức lao động giá rẻ mà không lo cho các nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Đừng xem việc hàng trăm ngàn người bỏ về quê chỉ là hiện tượng đáng buồn mà cần xem đó là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Rằng tăng trưởng cần hướng đến con người hơn, bằng không về lâu dài sẽ chẳng có tăng trưởng hay phát triển khi công nhân không còn muốn bán sức lao động với giá rẻ để nhận lấy cuộc sống bấp bênh, không biết ngày mai sẽ ra sao. 

NGUỒN:  Theo Báo Người Đô Thị

Link bài: Như một lời…

https://nguoidothi.net.vn/nhu-mot-loi-canh-bao-su-phat-trien-can-huong-den-con-nguoi-hon-32022.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *