Sông Hàn/ Báo DĐDN
Thực tế cho thấy, chúng ta đang rất cần chữ “Lễ” và “Lễ” vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh.
“Cần chấm dứt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Đó là đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức vừa qua.
Đề xuất này đang nhận được nhiều phản ứng từ dư luận, nhất là các nhà sư phạm, văn hóa. Bởi đây không đơn thuần là một triết lý về giáo dục mà còn là nét văn hóa đẹp của dân tộc.
Theo GS Trần Ngọc Thêm, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “Tiên học lễ hậu học văn”, đề cao sự phục tùng.
Trong khi đó, để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.
“Chừng nào còn đề cao chữ Lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”, GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho rằng: “Khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ đã hoàn thành sứ mệnh trong giai đoạn phát triển của đất nước, của ngành giáo dục… Giáo dục đổi mới, cần những tư duy và cách truyền kiến thức cho học sinh một cách sáng tạo, đa dạng hơn. Không nhất thiết là đầu tiên khi học tập là cứ phải học Lễ. Khi học sinh có nền tảng văn hoá, tri thức thì chữ Lễ đương nhiên sẽ được thực hiện ở “mức độ vận dụng và vận dụng cao”.
Thừa nhận một sự thật là đổi mới có làm cho cuộc sống chúng ta tốt lên. Thế nhưng, vấn đề đạo đức xã hội, nhân cách đạo đức con người thì bị lu mờ và biến dạng dần. Xin dẫn ra một số vấn đề để chúng ta thấy cái chữ Lễ ở môi trường xã hội Việt Nam đang ở mức “báo động đỏ”.
Chẳng hạn: Nói về văn hóa chào hỏi, ta đều thấy Việt Nam chào nhau kiểu “Liên hiệp quốc” khi người thì giơ tay vẫy như Mỹ, người chắp tay trước ngực như Ấn Độ, còn có người thì cúi gập như Nhật Bản…
Tuyệt nhiên chưa thấy ai chào kiểu Việt Nam – vòng tay trước ngực. Một đất nước, luôn vỗ ngực tự hào mấy ngàn năm văn hiến mà đến cách chào riêng cũng chưa có thì khó tin.
Đó là chưa nói đến những việc hiện nay có quá nhiều gương xấu. Quá nhiều người lớn ứng xử tồi tệ với nhau, quá nhiều lãnh đạo hay người nổi tiếng ứng xử tồi tệ với nhau. Rồi mọi người cứ học theo những gương xấu đó và ứng xử tồi tệ với nhau…
Cho đến câu chuyện về những vụ án mạng rùng rợn chỉ vì lý do rất lãng xẹt. Tính chất tàn bạo và xem thường mạng sống con người phải chăng đã thành hiện tượng phổ biến? Nó đã phản ánh rằng cái học làm người không còn nữa, mà đã bị sự tranh giành hơn thua bất chấp lễ nghĩa, bất chấp đạo đức chẳng qua là cuộc sống vật chất mà thôi…v..v.
Một sự suy đồi về đạo đức đến mức không thể chấp nhận được. Nó đặt ra một vấn đề: Phải chăng thực trạng giáo dục và đạo đức xã hội hiện nay đang phải trả giá bởi việc coi khinh chữ Lễ, bắt đầu từ những việc rất nhỏ?
Thực tế trên cho thấy, chúng ta đang rất cần chữ “Lễ” và “Lễ” chưa hoàn thành sứ mệnh như GS Trần Ngọc Thêm và thầy Nguyễn Quang Tùng nhận định. Hơn nữa, việc đặt chữ Lễ lên trên cũng xuất phát trong từng gia đình Việt Nam, răn dạy từ khi đứa trẻ ở trong gia đình, chứ không phải chỉ ở trường học mới học, mới áp dụng. Lễ ở đây không phải chỉ là lễ nghĩa của người có vị thế thấp hơn với người có vị thế cao hơn, mà còn bao hàm cả đạo đức trong đó nữa.
Theo đó, cần phải nhìn nhận, soi xét đề xuất trên một cách thấu đáo. Khi hiện nay, người thầy không chỉ là người truyền tải nội dung tri thức, mà quan trọng hơn khi trở thành nhà giáo dục, người truyền cảm hứng, gieo khát vọng cho học trò. Nếu chỉ vì nghĩ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tập trung quá nhiều vào người thầy và giờ muốn tập trung vào học trò thì bỏ khẩu hiệu này đi thì hơi khiên cưỡng.
Cần phải gạn đục khơi trong là cần thiết và bắt buộc, chứ không thể đánh đồng và phủ nhận mọi thứ. Tất cả phải có những chuẩn mực tối thiểu. Bắt đầu từ cách chào, từ trang phục, cách xưng hô và lời ăn tiếng nói; đến những việc lớn hơn. Tất cả nằm trong chữ Lễ.
Chính vì vậy, cần phải duy trì khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vì xin khẳng định lại một lần nữa là nó không chỉ đơn thuần là triết lý giáo dục, mà còn là một nét đẹp của văn hóa dân tộc.
NGUỒN: Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Link bài: Sao lại…
https://diendandoanhnghiep.vn/sao-lai-de-xuat-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-211784.html