Mai Phương/ Báo Vietnambiz
Tui đã viết nhiều bài nói về sự thất bại của doanh nhân, và đã khẳng định không có doanh nhân nào đi đến thành công mà không từng thất bại ít nhất một lần.
Các tên tuổi doanh nhân danh tiếng trong nước và thế giới đều có những câu chuyện kể thật dài về thất bại của họ.
Có nhiều người thất bại nhưng sau đó đứng dậy, đi tiếp và thành công. Nhưng có nhiều người thất bại và không còn tiếp tục cuộc hành trình.
Người đứng lên được sau cú ngã để thành công là người nhận ra được những nguyên nhân vì sao mình thất bại. Để tìm ra được nguyên nhân thất bại, phải suy nghĩ nghiêm túc, đánh giá đúng mình. Nếu đổ cho khách quan, thời thế, cấp dưới, thì muôn đời chỉ gặp thất bại.
Có rất nhiều nguyên nhân, đôi khi rất khách quan, ví dụ như nhiều start up vừa thành lập xong doanh nghiệp thì gặp đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nhưng có nhiều người thất bại là do chính mình gây ra, trong đó có thói tự mãn, lười biếng, đổ lỗi cho người khác, ảo tưởng về mình và đặt ra mục tiêu quá lớn.
Một doanh nhân thất bại, biết khắc phục những khuyết điểm trên thì chắc chắn sẽ thành công.
Hãy cứ làm việc chăm chỉ, đi từng bước cẩn thận, chắc chắn, khiêm tốn học hỏi ở người khác, lắng nghe sự tư vấn của những người tài giỏi thì sẽ hạn chế được rủi ro.
Đừng đặt ra quá nhiều tham vọng, mà hãy làm từng việc, xong việc này đến việc khác, kiểm soát được chất lượng. Qua từng việc nhỏ đó, tự học để trưởng thành trong quản lý nhân sự, quản lý vốn, xây dựng quan hệ, nắm bắt thị trường, tích lũy vốn, khi đó sẽ bước những bước xa hơn, nhanh hơn. Thực tế cho thấy, nhiều start up chưa đủ sức nhưng “bơi” quá xa nên bị “đuổi nước”.
Trần Quí Thanh
—–
Tại sao chúng ta lại thất bại? Hãy theo dõi hành trình sau:
1. Khi bắt đầu
Chúng ta tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm thực hiện ước mơ. Hối hả, bận rộn với rất nhiều những công việc, thậm chí là không màng về nhà.
Chúng ta tưởng tượng về những thứ mình sẽ mua và tất cả những nơi thú vị mà mình sẽ tới. Mục tiêu đầu tiên trong danh sách những việc cần làm để trở nên thành công đã hoàn thành. Chúng ta nghĩ rằng nó không quá khó và tự tin dần nhân lên gấp bội.
2. Nhìn thấy được sự tiến bộ
Khi bắt đầu, chúng ta làm việc rất chăm chỉ và nghĩ rằng sẽ không có thứ gì có thể cản bước chúng ta đến với thành công. Và như một lời đền đáp, chúng ta có được chút ít thành tựu. Khi đó, mẹ sẽ đến bên và nói: “Làm tốt lắm, con yêu của mẹ.”
3. Đi chậm lại
Một vài thành tựu nhỏ bé khiến chúng ta trở nên tự mãn. Chúng ta nghĩ rằng mình đã làm việc rất chăm chỉ và giờ đây, mình xứng đáng để được nghỉ ngơi. Cứ như vậy, mọi thứ dần chậm lại, công việc bắt đầu dồn ứ.
Từ mười email được gửi đi mỗi ngày. Còn tám email. Hai email. Và không còn bất kỳ một email nào sau đó nữa. “Tôi làm việc chăm chỉ như thế là đủ rồi. Mọi người đều đã biết tôi có thể làm được gì. Và thành công sẽ đến sớm thôi.”
4. Bắt đầu so sánh
Chúng ta bắt đầu so sánh bản thân với những người khác đang làm việc trong cùng một lĩnh vực.
“Làm thế nào mà anh ta có nhiều người theo dõi đến vậy?”
“Tại sao ứng dụng XYZ lại hỗ trợ cô ấy tốt như thế?”
“Tôi xứng đáng để nhận được nhiều thành công hơn. Và những gì tôi mà đang làm là tuyệt nhất.”
Ban đêm chính là lúc những cuộc so tài được diễn ra. Chúng ta ngồi đó suy nghĩ và bị ám ảnh bởi những thành công của người khác. Trong khi họ vẫn tiếp tục tiến lên và phát triển không ngừng thì chúng ta đã dừng lại nghỉ ngơi khi thấy một kết quả nào đó.
5. Mất đi động lực
Khi nhận thấy hiệu quả công việc giảm mạnh, chúng ta bắt đầu than vãn.
“Điều gì đang xảy ra vậy? Cuộc đời này thật bất công.”
Đề bù đắp cho những cảm xúc tồi tệ đó, chúng ta bắt đầu soi mói, chỉ trích những thành công của người khác. Điển hình như trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thấy rất nhiều người chửi bới, mắng nhiếc những người nổi tiếng.
“Anh ta là kẻ lừa đảo! Tất cả chỉ là trò lừa đảo!…”
Sự sụp đổ nhanh chóng bắt đầu.
6. Trò chơi kết thúc
Tất cả những gì mà chúng ta cố gắng xây dựng trước đó đều tan vỡ. Mọi thứ sụp đổ. Chúng ta coi mình là nạn nhân của những bất công.
Chúng ta tìm đến và đồng cảm với những “nạn nhân” khác. Và cùng nhau rượu chè, bê tha, trượt dài trên sự thất bại. Mẹ cũng không còn tự hào về chúng ta nữa.
Cách để bạn làm lại từ đầu
Đây là một trong những cách mà tôi đã áp dụng trong suốt nhiều năm qua. Và bạn có thể thử nó.
Học thuộc lòng
Hãy nghiên cứu về 6 lý do khiến chúng ta thất bại nêu trên. Viết nó ra. Đặt nó ở đâu đó mà bạn có thể nhìn thấy thường xuyên và ghi nhớ.
Một lưu ý quan trọng trong giai đoạn này
Tìm hiểu và theo sát mọi sự thay đổi của bản thân. Hãy trung thực thừa nhận và mạnh dạn đối mặt nếu nhận ra bất kỳ một dấu hiệu nào của 6 giai đoạn trên. Đừng quá tức giận khi thấy mình đang đi vào ngõ cụt.
Phá vỡ quy luật thất bại trên
Hãy nghĩ về nó như một mô hình động cơ. Ném cờ lê vào giữa trục truyền động, cho đến khi nó ngừng lại. Đó là thời điểm thích hợp để bạn bình tĩnh, suy nghĩ lại những gì đã xảy ra và tìm hiểu đâu mới thật sự là nguồn gốc của vấn đề.
Cách nhanh nhất để phá vỡ một quy luật đó là làm ra những điều khác biệt.
Tôi có thể nhận biết được đâu là những thói quen xấu mà mình thường mắc phải. Và để tránh lặp lại cùng một sai lầm, tôi quyết định tìm ra một con đường khác, dẫn đến những thói quen hoàn toàn mới.
Ví dụ, trước đây, để giải tỏa tâm trạng, tôi thường phàn nàn về mọi thứ. Nó giúp tôi cảm thấy thoải mái một cách thần kỳ. Đặc biệt là những lần “trải lòng” trên mạng xã hội, tôi thấy mình thật sự mạnh mẽ. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, tôi yếu ớt như một “con mèo hen”.
Vì vậy, hãy làm một điều gì đó khác biệt, đừng để bản thân tiếp tục đi vào lối mòn.
Hạ thấp kỳ vọng
Kỳ vọng ban đầu khiến bạn làm nên những việc ngu ngốc. Chúng đem đến cho bạn những ảo tưởng về sự thành công. Và bạn sẽ phải thất vọng về thực tế phũ phàng.
Tony Robbins đưa ra lời khuyên rằng, chúng ta nên hạ thấp kỳ vọng của bản thân. Khi không mong đợi quá nhiều, bạn sẽ dễ hài lòng hơn và có thể nhận ra ý nghĩa của việc mình đã làm.
Động lực chính là biết được lý do tại sao bạn làm điều đó
Đừng bao giờ lấy danh tiếng và tiền bạc làm mục tiêu của bạn.
Tôi muốn viết về những gì mà mình đã trải qua để có thể cảnh báo mọi người tránh lặp lại những sai lầm đó. Và những tin nhắn cảm ơn của độc giả chính là nguồn động lực to lớn nhất.
Thu nhỏ mục tiêu
Đừng đặt mục tiêu quá lớn vì chúng sẽ làm bạn choáng ngợp và rất khó để thực hiện.
Mục tiêu càng lớn thì khả năng bỏ cuộc càng cao.
Những mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn tiến bộ. Và điều đó sẽ là nguồn động lực để bạn tiếp tục tiến về phía trước.
Biến việc mà bạn đang làm trở nên thực sự có ý nghĩa
Tôi nhận ra mình rất dễ để trở thành một kẻ lười biếng vì đang điều hành một lớp học trực tuyến. Vì vậy, để điều đó không xảy ra, tôi cố gắng tạo động lực cho những học sinh của mình. Bởi nếu chúng thất bại, tôi cũng sẽ thất bại. Dù đôi khi, chúng ta cảm thấy chán nản, nhưng chúng ta buộc phải làm việc vì lời hứa. Và lời hứa đó gắn liền với danh tiếng, sự nghiệp của tôi.
Một khi đã đánh mất danh tiếng, liệu bạn sẽ còn lại những gì?
NGUỒN: Theo Báo Vietnambiz
Link bài: Tại sao…
https://cafebiz.vn/tai-sao-